Thứ sáu, 19/04/2024 12:30 (GMT+7)

Quảng Bình: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho giống lạc Cúc bản địa

Ngọc Lan -  Thứ bảy, 10/06/2023 11:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lạc Cúc còn gọi là giống lạc bản địa, mặc dù chất lượng thơm ngon nhưng nhưng do cách thức canh tác truyền thống trước đây nên hiệu quả sản xuất không cao.

Nhằm hỗ trợ người dân khôi phục và duy trì các giống bản địa tại địa phương để tạo ra sản phẩm đặc trưng có tính cạnh tranh cao, vụ Đông xuân 2022-2023, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư đã triển khai mô hình trồng lạc Cúc theo hướng hữu cơ gắn với xây dựng nhãn mác và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình được triển khai tại xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa với quy mô 7ha/35 hộ tham gia, bước đầu được đánh giá cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.

Lạc Cúc còn gọi là giống lạc bản địa, mặc dù chất lượng thơm ngon nhưng nhưng do cách thức canh tác truyền thống trước đây nên hiệu quả sản xuất không cao. Do đó, một thời gian, người dân hầu như chuyển sang sản xuất các giống lạc lai để thu năng suất cao hơn. Việc triển khai mô hình trồng lạc Cúc theo hướng hữu cơ đã góp phần hỗ trợ người dân lưu giữ và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm bản địa, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương. 

tm-img-alt
Mô hình trồng lạc Cúc theo hướng hữu cơ gắn với xây dựng nhãn mác và tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình được Nhà nước hỗ trợ 50% giống và vật tư; đồng thời được hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước, các hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình còn đối ứng đầy đủ giống, vật tư phân bón, thuốc BVTV sinh học các loại đảm bảo theo định mức yêu cầu của mô hình. 

Qua theo dõi một số chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của mô hình cho thấy, giống lạc Cúc có tỉ lệ mọc cao, thời gian sinh trưởng từ 120-125 ngày, từ khi ra hoa lần đầu là 55-57 ngày, ra hoa rộ tập trung 60-65 ngày, chiều cao cây trung bình 40-45cm, số cành cấp 1 đạt 4,1 cành/cây và cành cấp 2 đạt 2,1 cành/cây. Số quả chắc trên cây cao, trung bình 15-18 quả/cây, tỷ lệ nhân đạt cao 66,8%. Năng suất thực thu của mô hình đạt 34 tạ/ha, cao hơn 4 tạ/ha so với sản xuất theo phương pháp truyền thống trước đây. Đặc biệt, sản xuất lạc Cúc theo hướng hữu cơ đã giúp hạn chế được bệnh chết ẻo trên cây lạc rất nhiều, tỷ lệ cây chết ẻo chỉ 3% diện tích (so với các năm trước tỉ lệ chết ẻo 15-20%). 

Hạch toán về hiệu quả kinh tế, với giá bán dự kiến 30.000 đồng/kg lạc khô, sau khi trừ chi phí sản xuất trực tiếp cho lãi gần 54 triệu đồng/ha (khoảng 2,7 triệu đồng/sào). So với sản xuất thông thường, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời tạo ra được sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường. Sau khi thu hoạch, phần sản phẩm phụ như thân, lá còn xanh có thể sử dụng làm thức ăn cho gia súc hoặc làm phân xanh cho cây màu rất hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Tuyển, Giám đốc HTX DV Nông nghiệp và SXKDTH Tân Vĩnh Phát cho biết: Mô hình sản xuất lạc Cúc tại địa phương còn được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư hỗ trợ thiết kế nhãn mác, xây dựng thương hiệu và liên kết sản phẩm nên bà con rất yên tâm. Đặc biệt, Trung tâm còn hỗ trợ HTX tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm lạc Cúc Cao Quảng thông qua các kênh truyền thông, mạng xã hội như Facebook, Zalo; đồng thời giới thiệu sản phẩm tại các điểm trưng bày hỗ trợ nông sản, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh. HTX cũng mong muốn về lâu dài sẽ được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ để phát triển thêm diện tích sản xuất; đồng thời đa dạng các sản phẩm chế biến từ lạc Cúc như dầu lạc, mè lạc... để gia tăng lợi thế cho sản phẩm của địa phương.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Bình: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho giống lạc Cúc bản địa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?