Thứ năm, 18/04/2024 15:36 (GMT+7)

Quảng Bình: Làng nghề trăm tuổi khó khăn trong mùa dịch bệnh

Lan Nhi – Lê Thảo -  Thứ tư, 18/03/2020 15:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Làng Tân An xưa nay vốn nức tiếng với nghề làm bánh tráng, thương hiệu bánh tráng Tân An dần chiếm vị thế nhất định trên thị trường. Song hiện tại, làng nghề phải đối mặt với nhiều khó trong mùa dịch.

Cách thị xã Ba Đồn 4km về phía Tây, làng Tân An (xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch) hay còn gọi Ba Phường xưa nay vốn nổi tiếng với thương hiệu bánh tráng trùng với cái tên của làng, bánh tráng Tân An. Đến bây giờ, chẳng ai biết rõ nghề làm xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng nghề đã gắn chặt với làng hàng trăm năm nay.

Làng Tân An vốn khiêm tốn về diện tích canh tác nông nghiệp, nên nghề làm bánh tráng như một hướng làm kinh tế mới cho vùng. Nghề này không chỉ mang lại công ăn việc làm, giúp người dân kiếm thu nhập mà hơn hết nó tạo nên nét đẹp sinh hoạt đoàn kết, cần cù của chính người dân Tân An.

Nghề làm bánh tráng mang lại nguồn thu nhập chính cho hầu hết người làng Tân An.

Qua chừng ấy thời gian, cùng với sự nỗ lực không ngừng thương hiệu bánh tráng Tân An đang có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Làng Tân An không chỉ cung ứng hàng hóa cho tỉnh mà thương hiệu bánh cũng lan rộng hầu khắp các tỉnh thành từ Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thanh Hóa… hay cả những nước như Lào, Thái Lan.

Trước đây, làng sản xuất cả bánh tráng, bánh ướt, bún, bánh chưng… nhưng do nhu cầu thị trường, sự hướng tới chuyên môn trong sản xuất, người dân trong làng chuyển hẳn sang sản xuất bánh tráng. Bánh tráng ở đây đa dạng chủng loại và phù hợp với từng nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Những loại bánh như bánh đa mè xát, bánh đa nem… mang trong mình từng hương vị riêng. Trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, làng nghề Tân An vẫn luôn giữ được ngọn lửa nghề mà những thế hệ ông cha đi trước để lại.

 Để làm ra những chiếc bánh đậm vị, đòi hỏi sự khéo kéo, công phu của người làm. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo, gạo phải ngon vừa độ dẻo như HT1, XL23. Nếu như bánh đa mè xát thì cần thêm mè (vừng) được chia theo tỉ lệ cứ 10 lon gạo cần tới 1-1,5 lon mè. Còn bánh đa nem (bánh ngô) thì ngô cũng được chia theo tỉ lệ tương tự như mè.

Vị bánh có ngon phụ thuộc nhiều từ những công đoạn như ngâm gạo, xay bột, tráng bánh, phơi bánh…Công đoạn tráng bánh đòi hỏi người làm phải quen tay, chịu được nhiệt cao khi đó bánh mới có hình dáng đẹp.

Quá trình từ gạo để cho ra những chiếc bánh từ lò mới chỉ nửa quá trình tạo ra một chiếc bánh chất lượng. Khâu phơi bánh quan trọng không kém, phải đông đếm đủ thời gian, đảm bảo làm sao cho bánh không quá giòn, cũng không quá ỉu, và thường thì nắng lớn cần 3h đồng hồ là bánh đủ độ giòn.

Khi được hỏi về khó khăn trong quá trình sản xuất, bà Nguyễn Thị Thanh (63 tuổi), một nghệ nhân làm bánh hơn 40 năm chia sẻ rằng: “Làm bánh tráng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, người làng phải dậy sớm tráng bánh may mới kịp nắng. Rồi cũng có hôm mưa kéo tới, làng Tân An này cũng mất trắng mấy tạ gạo làm bánh, rồi thì không có công”.

 Trước kia, hầu hết các hộ dân trong làng đều dùng phương pháp thủ công, việc tráng bánh hoàn toàn thực hiện bằng tay. Ngày nay, do những phát triển của khoa học kĩ thuật, nhu cầu tiêu thụ bánh tăng cao, người dân làng Tân An từng bước đầu tư máy mốc trong sản xuất.

Bánh mè xát và bánh đa nem là hai loại bánh có sức mua cao nhất của làng nghề

Hiện trong làng có tổng 42 máy tráng bánh, việc tráng bánh nguyên ngày trước đây rút ngắn thành 2-3 tiếng hiện tại. Điều này giúp giảm thiểu tối đa nhân lực lao động, thời gian lao động, và tăng hơn năng suất. Trung bình mỗi ngày công làm bánh hiện tại tạo ra nguồn thu nhập trung bình từ 150-200 nghìn đồng/ngày. Mức thu nhập những tháng cận tết có thể lên tới hàng chục triệu đồng.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, hoạt động sản xuất của làng nghề Tân An cũng bị ảnh hưởng nhiều. Cùng sản lượng bánh làm ra nhưng sức tiêu thụ giảm mạnh, tiểu thương trên địa bàn và những tỉnh khác không còn đặt số lượng lớn như trước, khách du lịch hầu như không ghé thăm làng nghề trong mùa dịch.

Đứng trước những khó khăn của làng nghề bánh tráng Tân An, Ông Ngô Thanh Bình, chủ tịch UBND xã Quảng Thanh chia sẻ rằng: “Năm nay, sức mua bánh giảm mạnh chưa từng thấy trong những năm qua, một phần do ảnh hưởng từ dịch viêm đường hô hấp do viruss corona gây ra, nhưng không vì thế mà người dân bỏ nghề. Phía chính quyền địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện để người dân an tâm làm nghề”.

Trong thời điểm dịch đang bùng phát nhanh và có nhiều diễn biến phức tạp, người làng Tân An đang từng bước tháo gỡ khó khăn, phát triển nghề trong mùa dịch. Họ vẫn ngày đêm bám nghề, bám lấy từng khuôn tráng bánh, phên tre, máy xay bột.

Điều này hứa hẹn một làng nghề truyền thống Tân An vững vàng hơn trong thời gian tới, đưa Quảng Thanh trở thành một điểm sáng kinh tế trong toàn tỉnh.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Bình: Làng nghề trăm tuổi khó khăn trong mùa dịch bệnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.