Thứ tư, 24/04/2024 15:13 (GMT+7)

Quảng Bình: Người dân thôn Phúc Tùng tiếp tục phản đối xây kè Đức Hóa

QUỐC HUY - TUẤN ANH -  Thứ hai, 06/12/2021 15:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù đang trong thời gian gieo trồng mùa vụ nông nghiệp, tuy nhiên hàng chục hộ dân tại thôn Phúc Tùng đã bỏ dở mọi công việc đồng áng, tập trung tại công trường để phản đối việc xây kè chống sạt lở bờ sông xã Đức Hóa.

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam đã phản ánh, trước đó 2 hộ dân tại thôn Phúc Tùng, xã Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa) đã tiến hành cấm cọc căng lưới B40 trong phần đất nhà mình để ngăn không cho đơn vị thi công tự ý kéo máy móc đến san ủi làm kè vì lý do đền bù chưa thỏa đáng.

Theo đó, hai hộ gia đình ông Hoàng Tỏ và bà Đoàn Thị Ánh phản đối gây gắt trước việc đơn vị thi công dự án tự ý cho máy móc vào san ủi cây cối vườn tược của gia đình mà chưa có sự đồng ý của họ.

tm-img-alt
Đơn vị thi công dự án tự ý cho máy móc vào san ủi cây cối vườn tược của gia đình mà chưa có sự đồng ý của họ.

Chính quyền địa phương thì chưa thông tin đầy đủ cho các hộ dân được biết hình thức giải tỏa như thế nào, đền bù ra làm sao, chỉ họp dân lấy ý kiến và thông báo công tác xây dựng kè chống sạt lở sông đi qua địa bàn. Còn thời gian cụ thể, thời điểm giải tỏa và hình thức chặt hạ cây cối, bàn giao mặt bằng thì không có thông tin rõ ràng.

Mặc dù sự việc đã xảy ra hơn 1 tháng nay và được báo chí phản ánh, tuy nhiên chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm. Vấn đề trên vẫn đang còn bỏ ngỏ, thì khoảng gần một tuần nay, hàng chục hộ dân tại thôn Phúc Tùng lại tiếp tục phản đối việc thi công kè Đức Hóa, vì họ lo sợ với cách thức thi công như này sẽ ảnh hưởng đến các hộ dân trong thôn.

Theo người dân, việc hạ thấp nền đường so với đất vườn  xuống 1 đến 2 mét là không thể chấp nhận được. Trước khi xây kè, người dân chưa được phổ biến rõ ràng về thiết kế của công trình. Họ nghĩ rằng khi làm xong, nền đường mái kè sẽ bằng hoặc cao hơn vườn của dân, như vậy sẽ hạn chế sạt lở. Tuy nhiên quá trình thi công, nền đường bị hạ thấp xuống so với vườn, nếu tính theo cao độ, có chỗ có thể hạ xuống 2 – 2,5m, như vậy mỗi khi mưa lớn, đất trong vườn sẽ sạt xuống và trôi ra sông, do đó họ nghĩ việc xây kè để bảo vệ đất cho dân không còn ý nghĩa nữa.

Bên cạnh đó, điều người dân lo sợ mặt đường bị hạ xuống, việc lên xuống đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Việc hạ thấp mái kè so với vườn đồng thời san ủi hết cây bụi tự nhiên gây nên nguy cơ tiềm ẩn sạt lỡ mỗi khi mùa lũ về.

tm-img-alt

Các hộ dân phản đối việc hạ thấp độ cao của mặt đường so với vườn sẽ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở

Mấy ngày nay, khi chứng kiến quá trình thi công dự án kè chống sạt lở bờ sông tại xã Đức Hóa, nhiều hộ dân đã tập trung phản ứng gay gắt và không đồng ý cho thi công dự án nữa. Ngoài 20 hộ dân ảnh hưởng trực tiếp, hiện tại đa số các hộ dân tại thôn Phúc Tùng không nhất trí trước cách thức thi công dự án này.

Thời điểm PV có mặt tại công trình, người dân thôn Phúc Tùng đang tập trung  yêu cầu đơn vị thi công phải múc hoàn trả lại hiện trạng mặt đường đúng cao độ như ban đầu nếu không họ sẽ rào chắn không cho thi công nữa.

Các hộ dân ở đây cũng tiếp tục phản ánh rằng một số lái xe tự ý chở đất phong hóa bán cho dân trong thôn mà không đổ theo đúng bãi thải quy định. Theo ghi nhận của PV tại thôn Phúc Tùng, có rất nhiều hộ dân đã bỏ tiền ra để mua đất phong hóa tại công trình về đổ tại vườn nhà với mục đích trồng trọt.

Cụ thể tại nhà bà Hồ Thị Thường (thôn Phúc Tùng) đã đổ 6 xe đất, hết 1,2 triệu đồng. “Thấy đất ở đó đẹp, trong vườn có chỗ trũng nên tui hỏi mua mấy xe về lấp lại để trồng rau, bên đó họ bảo xe 4 khối mỗi xe 2 trăm ngàn. Tui xin bớt 50 – 100 trăm ngàn nhưng họ không chịu. Họ bảo nay xăng dầu tăng nên không bớt được, bớt là lỗ nên tui cũng không xin nữa”, bà Thường cho biết.

Cách nhà bà Thường không xa, hộ gia đình bà Trần Thị Vinh cũng mua đất của dự án về đổ tại vườn nhà, bà Vinh cho biết đã chi 1,4 triệu đồng để mua 7 xe đất về đổ tại vườn. “Mỗi xe tui mua với giá 200 nghìn, họ nói 4 khối nhưng tui thấy mỗi xe họ múc có 4 gàu vơi thì làm gì đủ được 4 khối đất”, bà Vinh bức xúc.

tm-img-alt
Người dân phản ánh việc xe công trình tự ý chở đất phong hóa đem đi cho các hộ dân trên địa bàn

Theo ghi nhận từ người dân, trong khoảng 2 ngày, đã có hàng trăm xe đất phong hoá tại công trình được chở đem đi bán khắp thôn Phúc Tùng và cả thôn Đồng Lâm gần đó. Giá giao động mỗi xe từ 200 – 300 ngàn đồng tùy vào khối lượng xe 4 hay 6 khối.

Nhà bà Đoàn Minh Tâm, một hộ dân trực tiếp hiến đất vườn để thi công dự án, thấy đơn vị thi công múc đất lên, bà có ngỏ ý xin vài gàu đất đổ vào vườn để trồng rau nhưng họ không cho. “Họ nói đây là đất phong hóa phải đem đi đổ tại bãi, không được đổ ở đây, nghe vậy nên tôi cũng thôi không xin nữa, nhưng khi thấy họ chở bán cho các hộ xung quanh tôi không đồng tình, trong khi đó là đất nằm trong vườn nhà tôi”, bà Tâm cho hay.

Ông Võ Xuân Trường – Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cho biết việc nhân dân thôn Phúc Tùng phản ánh quyết liệt vấn đề xây dựng kè chống sạt lở bờ sông tại xã Đức Hóa là đúng thực tế. Xã chỉ là đơn vị hưởng lợi, sự việc xảy ra, chính quyền xã cũng đã trực tiếp đến để kiểm tra, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, và cũng có đề xuất đến chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với kiến nghị của người dân.

Ngoài những vấn đề liên quan đến việc thi công kè sông, một vấn đề khiến người dân lo ngại nữa là con đường độc đạo dẫn vào thôn Phúc Tùng bị cày nát do xe có trọng tải lớn chở vật liệu đi qua. Theo ông Trường, trước đây xã cũng đã đặt vấn đề với chủ đầu tư, yêu cầu phải cam kết hoàn trả lại hiện trạng mặt đường nếu có hư hỏng nào xảy ra sau khi hoàn thành dự án.

“Con đường này đã được xây dựng từ lâu, cốt nền cũng yếu, vấn đề cân đo tải trọng không thể ngày nào cũng cân đo được, nên vấn đề xe quá tải là điều không thể tránh khỏi. Trước khi thi công, tôi cũng đã trực tiếp quay lại hiện trạng con đường và có đặt vấn đề với chủ đầu tư, nếu có hư hỏng phải hoàn trả lại và được chủ đầu tư đồng ý”, ông Trường cho biết.

tm-img-alt

Đường dân sinh dẫn vào làng bị ảnh hưởng do xe tải trọng lớn ra vào liên tục

Theo bà Trần Thị Hiếu ,PGĐ Ban quản lý dự án ĐTXD ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình, vấn đề đền bù trong hồ sơ thiết kế là không có, sự việc liên quan đến hai hộ gia đình ông Tỏ và bà Ánh thuộc về trách nhiệm giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương và giao cho địa phương giải quyết, chủ đầu tư không liên quan, đồng thời yêu cầu xã có trách nhiệm bảo vệ an ninh chính trị. Tiến hành dăng dây, không cho người dân vào công trường đảm bảo điều kiện thuận lợi để thi công.

“Nếu dân không quậy phá thì sẽ kịp tiến độ, còn không sẽ mất vốn, phía đơn vị sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền để gia hạn dự án. Đối với đường đi vào thôn Phúc Tùng, quá trình thi công còn thời gian và dư vốn thì đơn vị sẽ đồng ý làm lại đường”, bà Hiếu cho hay.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Mai Văn Minh , Giám Đốc Sở Nông Nghiệp và PTNT Quảng Bình cho biết, hiện tại chỉ còn mỗi gia đình ông Hoàng Tỏ là chưa đồng ý tháo dỡ hàng rào cho đơn vị thi công, còn lại đều đồng tình cả. Về việc mấy hôm nay người dân thôn Phúc Tùng tập trung phản đối với nội dung công trình thiết kế chưa hợp lý, vấn đề này chủ đầu tư sẽ trực tiếp cử cán bộ dự án ra tìm hiểu và nắm bắt thêm nhu cầu của bà con để đưa ra hướng giải quyết phù hợp cho cả hai bên. Những ý kiến của dân cái gì hợp lý sẽ cố gắng làm theo còn những cái thuộc về góc độ kĩ thuật, chuyên môn thì phải làm đúng theo thiết kế.

Về vấn đề bán đất cho dân, ông Minh khẳng định việc đó là không đúng, nếu xảy ra tình trạng như dân đã phản ánh thì chủ đầu tư sẽ liên hệ với công an để điều tra xử lý.

Môi trường và Đô thị tiếp tục thông tin

Bạn đang đọc bài viết Quảng Bình: Người dân thôn Phúc Tùng tiếp tục phản đối xây kè Đức Hóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.