Quảng Bình: Tổng vệ sinh sau khi nước lũ rút
Ngày 21/9, ngay khi nước bắt đầu rút, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã nhanh chóng tập trung khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống của người dân.
Xã Tân Hóa có hơn 400 nhà dân bị ngập sâu trên 2m, các hộ dân đều phải di dời lên nhà phao tránh lũ; các trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… đều bị ngập. Ngay sau khi nước lũ rút, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng cùng nhân dân thu gom, xử lý rác thải, thau rửa bùn đất, vệ sinh nhà cửa và các trục đường chính liên xã.
Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Tân Hóa với phương châm "nước rút đến đâu, vệ sinh đến đó" đã bám trường để vệ sinh. Khi nước rút hoàn toàn, cán bộ, giáo viên của trường vệ sinh khu vực bếp ăn, nhà bán trú, trong và ngoài lớp học thêm một lần nữa. Cô Đinh Thị Lam, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hóa cho biết, năm học này, trường có 3 điểm trường với 20 lớp, 344 học sinh. Từ chiều 19/9, do mưa lớn, nhà trường đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn và chủ động di dời toàn bộ tài sản, phương tiện dạy học lên tầng 2. Ngay sau khi nước rút, nhà trường huy động 100% nhân viên, cán bộ, giáo viên tập trung dọn bùn đất, kê lại bàn ghế, tu sửa đồ dùng học tập để sớm ổn định công tác dạy và học.
Ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết, là vùng “rốn lũ” thường xuyên bị ngập nặng nên người dân nơi đây đã hoàn toàn chủ động ứng phó với tình trạng nước dâng cao gây ngập lụt. Khi ngập người dân sơ tán và di dời tài sản lên các nhà phao nên không có thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên lo ngại lớn nhất của địa phương là nước sạch vì sau lũ thì hệ thống giếng khoan, giếng đào nước lũ đã vào, gây ô nhiễm. Sau khi nước rút, chính quyền các cấp cần xem xét, tạo điều kiện lắp một hệ thống nước lọc tập trung để người dân có thể lấy sử dụng trong hai ngày đầu tiên sau lũ.
“Cùng với vệ sinh môi trường, ngay sau khi nước rút, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Trạm y tế xã Tân Hóa huy động cán bộ, y, bác sỹ xuống từng địa bàn hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước, công trình vệ sinh; tổ chức phun hóa chất khử trùng tiêu độc để phòng, chống các dịch bệnh sau lũ lụt”, ông Trương Thanh Duẫn cho biết thêm.
Tại huyện Minh Hóa, trong đợt mưa bão vừa qua có 626 hộ với 2.168 nhân khẩu phải sơ tán trước nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Khi mưa ngớt, nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã giảm, huyện chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân trở về nhà ở những vị trí an toàn.
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho hay, hiện thời tiết trên địa bàn huyện cơ bản đã ổn định, trên cơ sở rà soát báo cáo tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao, huyện chỉ đạo các địa phương thông báo bà con trong diện di dời trở về nhà để ổn định cuộc sống. Song các địa phương cần chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó khi mưa lớn tiếp tục xảy ra.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, đến 10 giờ ngày 21/9, toàn tỉnh có 10 thôn, bản vẫn bị ngập khoảng 0,5m, chia cắt cục bộ, chủ yếu trên địa bàn huyện Minh Hóa.
Mưa lũ đã làm 9 ha rau màu bị ngập úng; 24,88ha nuôi thủy sản bị ngập nước, tràn hồ; ống dẫn nước vượt sông Gianh từ xã Quảng Trường (huyện Quảng Trạch) qua xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn) bị đứt và bị nước cuốn trôi.
Theo TTXVN