Quảng Ngãi: Báo động tình trạng ô nhiễm nước thải công nghiệp
Hiện nay, nhiều nhà máy trong KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xả nước thải chưa qua xử lý ra ngoài, gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng.
Ô nhiễm môi trường, người dân bức xúc
Nhiều hộ dân sống gần Khu công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Phú và Cụm công nghiệp Đồng Dinh, Bình Nguyên… đang bức xúc về tình trạng nhiều nhà máy liên tục xả nước thải chưa qua xử lý, thậm chí tràn ra đường, gây mùi hôi thúi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Bà Nguyễn Thị Lưu, ở gần KCN Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi, cho biết: “Tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề tới mức người dân sống xung quanh KCN phải đóng kín cửa nhà cả ngày, vì hễ mở cửa là mùi hôi xộc thẳng vào nhà, rất ngột ngạt và khó thở…”.
Đáng nói, nước thải công nghiệp trong KKT Dung Quất cũng đang là nỗi lo của các dân cư nơi đây. Bởi lẽ, nhiều nhà máy xây dựng hoàn thiện và đã đi vào hoạt động, nhưng chưa có công trình xử lý nước thải. Thậm chí, có công ty, nhà máy đã hoạt động sản xuất – kinh doanh từ 5-7 năm, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải. Một số nhà máy đã lén lút xả nước thải ra ngoài, gây nguy hại môi trường và sản xuất. Nhiều diện tích lúa, hoa màu và cây ăn quả nơi đây đã và đang chết hàng loạt.
KKT Dung Quất là một trong những KCN lớn ở miền Trung và Tây nguyên, nhưng sau 26 năm hoạt động, đến nay vẫn chưa có khu xử lý nước thải tập trung. Đây là một hạn chế rất lớn trong đầu tư phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn. Các nhà máy tự lo giải quyết nước thải theo cách riêng của mình. Do đó, không tránh khỏi tình trạng có DN lén lút xả nước thải nguy hại ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến mức đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm triệu đồng.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị điện tử, lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi (BQL) cho rằng: “Trong cấp phép đầu tư cho các công ty, đơn vị, BQL đều rà soát chặt chẽ, đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, một số nhà máy chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải. Do đó đã có tình trạng nước thải công nghiệp tràn ra ngoài, gây tác hại môi trường cục bộ là khó tránh khỏi…”.
“Điểm yếu KKT Dung Quất hiện nay là hạ tầng khu xử lý nước thải tập trung chưa đáp ứng yêu cầu theo Luật Môi trường năm 2020. Hệ thống hạ tầng xử lý nước thải tập trung trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đều đã được đầu tư từ rất lâu bằng nguồn ngân sách Nhà nước, phần lớn đã xuống cấp nghiêm trọng và chỉ đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho các khu vực cục bộ trước đây. Hiện các khu chức năng sản xuất công nghiệp trong KKT Dung Quất (phía Đông và phía Tây KKT Dung Quất) chưa có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung nên chưa đáp ứng đầy đủ các quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020” – Ban Quản lý cho biết.
Thực tế, gần đây, rất nhiều lần người dân sống ở KKT Dung Quất đã ngăn cản, phản đối các dự án thi công, vì lo ngại tình trạng ô nhiễm môi trường khi dự án đưa vào hoạt động. Cụ thể, mới đây Nhà máy Bột – Giấy VNT-19 đã tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến cộng đồng về phương án xả thải ra vịnh Việt Thanh, rất nhiều ý kiến bày tỏ phản đối, vì cho rằng khi đặt đường ống này, nước xả thải từ Nhà máy sẽ tàn phá môi trường vùng ven biển, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác hải sản và mưu sinh của bà con địa phương…
Ngoài ra, một số dự án khác trên KKT Dung Quất như: Nhà máy thép, Nhà máy dăm Hào Hưng… cũng từng vấp phải sự ngăn cản của người dân trong quá trình xây dựng công trình. Phần lớn người dân lo ngại khi nhà máy hoạt động, tình trạng nước thải công nghiệp xả ra sẽ gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Ông Trần Thanh Hải, ở thôn Tân Hy, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, bức xúc: “Vấn đề ô nhiễm môi trường ở KKT Dung Quất rất nghiêm trọng, nhất là nước thải công nghiệp xả ra đang ở mức báo động. Hầu như bụi bặm, khói độc, nước thải công nghiệp từ hoạt động các nhà máy đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ. Nhất là nguồn nước sinh hoạt đang bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân nơi đây”.
Chính quyền địa phương nói gì?
Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho rằng: “KKT Dung Quất hội tụ nhiều dự án công nghiệp lớn, trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi. Những dự án này đã đem lại nhiều thay đổi tích cực cho người dân, đóng góp lớn vào ngân sách địa phương, nhưng đi cùng với đó là nỗi ám ánh của bà con về môi trường. Nhất là hiện nay nước thải công nghiệp chưa có khu xử lý tập trung, gây nhiều hệ lụy đến sản xuất và đời sống của cư dân trên địa bàn.
Qua những lo lắng của người dân và sự cố xảy ra mới đây về môi trường trên địa bàn KKT Dung Quất, UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị các sở ngành, đơn vị liên quan cần tiến hành kiểm tra, lắp đặt các hệ thống quan trắc, đo đạc chỉ số môi trường xung quanh các nhà máy lớn và phải công khai cho người dân được rõ, để bà con cùng chính quyền kiểm soát ô nhiễm…”.
“Đối với các thông số quan trắc vượt giá trị giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cần nêu rõ là vượt bao nhiêu, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị các biện pháp giảm thiểu tương ứng. Ngoài ra, cần phải lựa chọn thêm một số điểm đại diện và duy trì một số điểm quan trắc khí thải, nước thải công nghiệp để đánh giá chất lượng diễn biến môi trường, nhất là xung quanh các dự án lớn…” – ông Hiền đề nghị.
Phát biểu tại Hội nghị Tỉnh ủy chuyên đề mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cũng nhấn mạnh: “Công tác bảo vệ môi trường tại KKT Dung Quất được tỉnh Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm. Không chỉ riêng ở KKT Dung Quất, mà nhiều nơi khác trong tỉnh Quảng Ngãi sẽ luôn đặt mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với việc bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường. Bởi vậy, bất kỳ một dự án nào được cấp phép đầu tư, triển khai phải bảo đảm về vấn đề môi trường…”.
Rõ ràng, liên tiếp trong những năm gần đây, KKT Dung Quất có hàng loạt dự án lớn, trọng điểm đã và đang được triển khai như: Dự án Nhà máy thép Hòa Phát, Nhà máy Bột giấy VNT-19… Do đó, công tác bảo vệ môi trường cần chú trọng, nhất là tình trạng nước thải công nghiệp đang báo động cũng là thách thức lớn hiện nay.