Quảng Ngãi: Hiệu quả từ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp
Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất, phát triển, thì việc hoàn thiện hạ tầng các KCN và dịch vụ tiện ích phục vụ DN, người lao động là điều rất cần thiết.
Điểm sáng VSIP Quảng Ngãi
Khu công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi là dự án thứ 5 của VSIP tại Việt Nam, được khởi công xây dựng năm 2013. Dự án có quy mô 660ha (trong đó đất KCN khoảng 615ha và đất Khu dịch vụ hỗn hợp khoảng 45ha), với tổng vốn đầu tư hơn 2.936 tỷ đồng. Đến nay, chủ đầu tư đã phát triển hạ tầng đồng bộ khoảng 474ha (san nền, giao thông, cấp điện, cấp nước...). Trong đó, đã xây dựng và đưa vào hoạt động các công trình hạ tầng thiết yếu đối với KCN như: Nhà máy Xử lý nước thải, với tổng công suất 12 nghìn mét khối/ngày, đêm, Trạm cứu hỏa và an ninh chung 24/7 giờ và các tiện ích khác phục vụ nhu cầu sản xuất và phát triển. Điểm nhấn nổi bật nữa là chủ đầu tư đã phát triển Khu dịch vụ hỗn hợp VSIP Quảng Ngãi rộng 45ha, với các hạ tầng kỹ thuật đô thị đáp ứng nhu cầu nhà ở, dịch vụ cho các DN và người lao động.
Lũy kế đến nay, tại KCN VSIP Quảng Ngãi, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 41 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,1 tỷ USD. Trong đó, có 36 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Bỉ, Trung Quốc, Singapore... tập trung vào các lĩnh vực như dệt may, giày da, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô, thiết bị y tế... Hiện có 34 dự án đã đi vào hoạt động và có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trên cơ sở thành công của KCN - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi đã đề xuất, khảo sát, nghiên cứu dự án KCN - Đô thị và Dịch vụ VSIP II Quảng Ngãi. Tháng 12/2023, dự án KCN VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1) có quy mô gần 498ha, thuộc địa bàn KKT Dung Quất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện nay, nhà đầu tư đang triển khai các thủ tục liên quan và thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị khởi công dự án vào năm 2025.
Nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư
Lũy kế đến nay, tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh có 349 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 396 nghìn tỷ đồng (tương đương 18,371 tỷ USD); trong đó, có 65 dự án FDI, vốn đăng ký đầu tư khoảng 2,25 tỷ USD và 284 dự án đầu tư trong nước (trên 345 nghìn tỷ đồng). Có 256 dự án đi vào hoạt động, với 209 DN, giải quyết việc làm cho trên 73,25 nghìn lao động.
Để tăng cường thu hút đầu tư và hỗ trợ các DN phát triển sản xuất, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh tập trung xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua hỗ trợ cho các nhà đầu tư có dự án đã được cấp phép thực hiện. Qua đó, giúp các nhà đầu tư an tâm sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa thông tin thu hút các nhà đầu tư mới. Cụ thể, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm, quy mô lớn. Nổi bật như dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Bến cảng tổng hợp Container Hòa Phát Dung Quất; Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1), các dự án điện tuabin khí hỗn hợp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Sembcorp...
Bên cạnh đó, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh hỗ trợ và hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ thực hiện các dự án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN; các dự án khu đô thị mới, du lịch, dịch vụ; các dự án bến cảng; các dự án xử lý môi trường. Hiện nay, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh quản lý các KCN đang hoạt động gồm Tịnh Phong, Quảng Phú, KCN VSIP I, Phân KCN Sài Gòn Dung Quất được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, ngành nghề, thu hút nhiều dự án đầu tư thứ cấp và gần như đã lấp đầy. Ngoài ra, còn có các KCN đang triển khai xây dựng như KCN VSIP II, Khu đô thị - công nghiệp Dung Quất. Các KCN này có vị trí thuận lợi, chiến lược nằm cạnh KKT mở Chu Lai, tiếp giáp cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam) và cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 100km về phía nam. Hệ thống hạ tầng giao thông đối ngoại được đầu tư nâng cấp đồng bộ như Quốc lộ 1, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đang xây dựng, đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 24C nối với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Myanmar, Đông Bắc Campuchia, Bắc Thái Lan. Ngoài ra, hệ thống giao thông nội bộ đã được đầu tư với tổng chiều dài trên 150km; hệ thống cảng biển nước sâu, diện tích 1.158ha, có 30 bến đang hoạt động, hệ thống cấp nước; hệ thống cấp điện từ lưới điện 500kV... đảm bảo cho các nhà đầu tư triển khai đầu tư và đưa dự án vào hoạt động.
Thời gian đến, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh tiếp tục tổ chức xúc tiến và thu hút những ngành nghề, lĩnh vực mà KKT Dung Quất và các KCN tỉnh có lợi thế so sánh, đặc biệt là các ngành nghề liên quan đến sử dụng cảng biển nước sâu, các ngành công nghiệp công nghệ cao, các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Đồng thời, phối hợp với các DN đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN như Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi thu hút các dự án FDI có xu hướng chuyển dịch từ một số quốc gia khác sang Việt Nam. Chú trọng lựa chọn thu hút các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm về đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN, khu dân cư, đô thị, các khu du lịch sinh thái ven biển và đặc biệt là các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân gắn với các thiết chế văn hóa nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ cho các nhà đầu tư kinh doanh phát triển hạ tầng KCN nhằm thu hút các dự án thứ cấp vào các KCN.