Thứ ba, 23/04/2024 16:11 (GMT+7)

Quảng Ninh: Giữ gìn và phát triển bền vững Khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần

MTĐT -  Thứ tư, 06/04/2022 10:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Triển khai quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam và quy hoạch các khu bảo tồn đến năm 2020 và 2030, hiện cả nước đã thành lập và đưa vào hoạt động được 11/16 Khu bảo tồn biển.

tm-img-alt
Huyện đảo Cô Tô. Ảnh: Internet

Nằm ở phía Đông Bắc của Quảng Ninh, Cô Tô là huyện đặc biệt nhất của tỉnh với hơn 50 hòn đảo lớn, nhỏ nằm giữa muôn trùng sóng nước. Vùng biển Cô Tô, đảo Trần này đã được các chuyên gia đánh giá là khu vực từng có mức độ đa dạng sinh học cao nhất của các đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc, một trong những khu dự trữ nguồn gen lớn của dải ven biển Việt Nam. Mức độ đa dạng sinh học của quần đảo Cô Tô được thể hiện ở sự hiện diện và phát triển của các hệ sinh thái biển điển hình, số lượng loài lớn, kể cả các loài quý hiếm và cũng là nơi tập trung các bãi hải sản lớn của Vịnh Bắc Bộ.

Ghi nhận thực tế cho thấy, huyện Cô Tô có hệ sinh thái rất đặc thù, gồm: Hệ sinh thái rạn san hô, vùng triều, các bãi cát dài và đẹp, rừng ngập mặn, rừng nhiệt đới trên đảo, hệ sinh thái đáy mềm... Đây cũng là khu vực có mức độ đa dạng loài cao, gần 1.000 loài thuỷ sinh vật, trong đó nhiều nhất là động thực vật phù du, động vật đáy cỡ lớn, cá biển và san hô.

Tuy nhiên, trước các tác động của hoạt động kinh tế và con người đã làm cho nguồn lợi sinh vật biển, môi trường tại khu vực quần đảo Cô Tô, đảo Trần đang có xu hướng bị suy giảm. Thống kê, trung bình mỗi năm Cô Tô đón từ 150.000-250.000 lượt du khách, đỉnh điểm là năm 2017, Cô Tô đã đón tới 320.000 lượt du khách. Lượng khách tăng mạnh đã khiến ngư dân tập trung khai thác tới mức tận diệt các loại hải sản.

Đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô đang bị xâm hại nghiêm trọng khi đã mất đến 90% về độ phủ và phạm vi phân bố, nhiều rạn chết 100%, trở thành khu vực có mức độ và tốc độ suy thoái lớn nhất và nhanh nhất được ghi nhận ở vùng ven biển Việt Nam. Cho đến nay, thành phần loài san hô ở Cô Tô còn rất ít và đơn điệu, chỉ còn 25 loài, trong đó có 24 loài san hô cứng, 1 loài san hô mềm. Nguyên nhân chính là do các ngư dân đã khai thác cá quá mức, bằng các hình thức hủy diệt như chất nổ và chất độc trong một thời gian dài. Không chỉ thế, nguồn lợi hải sản có giá trị cao ở khu vực biển này cũng đã và đang bị khai thác cạn kiệt. Nếu không có biện pháp khôi phục kịp thời thì ngắm san hô tại Cô Tô dần trở thành điều không tưởng đối với nhiều khách du lịch mong muốn có trải nghiệm mới lạ này.

Việc quan tâm chưa đầy đủ đến công tác bảo tồn biển và sự đa dạng sinh học biển đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm nhanh nguồn lợi thủy sản tự nhiên và suy thoái các hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đặt ra.

Đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn, tháng 6/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần. Theo quy hoạch, Khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần bao gồm hai phân vùng là Cô Tô và đảo Trần, nằm trong ranh giới hành chính của 3 đơn vị (các xã Đồng Tiến, Thanh Lân và thị trấn Cô Tô) với tổng diện tích ranh giới quy hoạch trên 18.414ha. Trong đó, diện tích các phân khu của khu bảo tồn là13.230ha; diện tích vùng đệm là 5.184ha.

Đối với Khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần, diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là trên 3.219ha (chiếm 24%), được xác định để bảo toàn nguyên vẹn, giữ nguyên hiện trạng và theo dõi diễn biến tự nhiên của các loài động vật, thực vật thủy sinh và các hệ sinh thái biển; diện tích phân khu phục hồi sinh thái là trên 3.245ha (chiếm 25%), để triển khai các hoạt động phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh và các hệ sinh thái biển; diện tích phân khu dịch vụ, hành chính là 6.765ha (chiếm 51%), triển khai các hoạt động dịch vụ, hành chính, hoạt động thủy sản có kiểm soát. Trong mỗi phân khu quản lý như vậy sẽ xác định các quy định riêng về mức độ được phép triển khai các hoạt động cụ thể phù hợp với mục đích quản lý.

Ngay trong tháng 6/2020, Dự án thúc đẩy quá trình công nhận Khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần đã chính thức được triển khai do Tổ chức cố vấn các nhà từ thiện quỹ Rockerfeller thông qua chương trình Oceans5 chuyên về bảo vệ các đại dương. Dự án do Trung tâm Bảo tồn sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD) chủ trì thực hiện và Sở NN&PTNT được UBND tỉnh giao làm đầu mối triển khai.

Dự án được thành lập với mục tiêu nền tảng là bảo tồn đa dạng sinh học. Bao gồm các hệ sinh thái biển tiêu biểu như rạn san hô, thảm cỏ biển và các loài sinh vật biển quý hiếm như rùa biển... Bên cạnh đó, khu bảo tồn biển này còn có vai trò trong việc cải thiện sinh kế của cộng đồng dân cư và ngư dân sống trong hoặc lân cận khu bảo tồn; góp phần giáo dục cộng đồng, giải trí và du lịch sinh thái gắn với phát triển nghề cá; giải quyết vấn đề môi trường xuyên biên giới trong vùng biển vịnh Bắc Bộ.

Dự kiến trong giai đoạn 2022-2025, Khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần sẽ tập trung vào những mục tiêu cụ thể, như: Bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đặc thù và quan trọng (rạn san hô, rừng ngập mặn); phục hồi, tái tạo tự nhiên kết hợp với nhân tạo hệ sinh thái rạn san hô tại các khu vực đã bị suy thoái; bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể của các loài sinh vật biển quý hiếm, có giá trị bảo tồn (vích, đồi mồi, rùa da, cá heo trắng, cá heo không vây); kiểm kê, lưu giữ, bảo tồn và phát triển các nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ (sá sùng, tu hài, ốc đĩa, hải sâm đen, bào ngư chín lỗ); bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên độc đáo để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho các nhà khoa học, các nhóm người yêu thiên nhiên trong nước và quốc tế nghiên cứu đa dạng sinh học, sinh thái học.

Dự án cũng xác định rõ các chương trình, dự án đầu tư cần ưu tiên triển khai để đảm bảo Quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần được thực hiện đạt hiệu quả, như: Chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ sinh kế và phát triển cộng đồng; giáo dục môi trường kết hợp với du lịch sinh thái; nghiên cứu khoa học; phục hồi hệ sinh thái và các loài nguy cấp; đào tạo nâng cao năng lực... Đồng thời, xây dựng các dự án ưu tiên (giao mặt đất, mặt nước; hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng cơ sở vật chất; dự án phục hồi và bảo vệ các hệ sinh thái biển; hỗ trợ phát triển kinh tế cộng đồng; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị khu bảo tồn biển; phát triển du lịch sinh thái).

Bình An (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ninh: Giữ gìn và phát triển bền vững Khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới