Quảng Ninh: Mục tiêu đến năm 2022, tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%
Quảng Ninh luôn quan tâm đến vấn đề chất thải y tế và có riêng Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2018 về bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2018-2022, đề ra mục tiêu đến năm 2022, tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%.
Bệnh viện Bãi Cháy có lượng bệnh nhân khá đông. Nước thải y tế mỗi ngày ở đây lên tới 230m3; rác thải sinh hoạt khoảng 950kg/ngày và rác thải nguy hại khoảng 200kg/ngày. Rác thải của đơn vị được phân loại ngay từ buồng bệnh, từ từng khoa, sau đó được đưa về nhà bảo ôn rác, giao cho Công ty Vệ sinh môi trường (đơn vị hợp đồng thu gom rác thải của bệnh viện) xử lý.
Để xử lý rác thải nguy hại, bệnh viện hợp đồng với Công ty CP Đầu tư và kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC (đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp phép) cho xe chuyên dụng đến thu 1 lần/ngày đưa đi xử lý. Bệnh viện còn được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế theo công nghệ Nhật Bản (công nghệ AAO) đảm bảo xử lý tốt nước thải y tế hằng ngày.
Không chỉ Bệnh viện Bãi Cháy, các đơn vị y tế của Quảng Ninh đều chú trọng công tác xử lý chất thải y tế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 30 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Y tế quản lý, 1 bệnh viện do tỉnh quản lý, 2 bệnh viện dân lập và một số phòng khám đa khoa, chuyên khoa, 177 trạm y tế tuyến xã, một số trung tâm y tế, trạm y tế do doanh nghiệp quản lý... Thống kê cho thấy, nước thải y tế phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 2.000m3/ngày đêm. Còn chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh khoảng 1.700kg/ngày.
Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải y tế. 27 đơn vị y tế (gồm các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế các địa phương) thuộc ngành Y tế tỉnh đã được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải y tế. Các trạm y tế cũng có hệ thống xử lý nước thải y tế riêng. Nhờ đó, các đơn vị đã tách biệt hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn với nước thải y tế. Nước thải y tế từ các khoa, phòng, được dẫn về hệ thống xử lý và được xử lý trước khi hòa vào hệ thống thu gom chung của địa phương.
Cùng với đó, phòng xét nghiệm của các bệnh viện, trung tâm y tế đều được lắp đặt hệ thống xử lý khí thải bằng phương pháp hấp thụ, đảm bảo khí thải được xử lý theo đúng quy định.
Về rác thải y tế, các đơn vị phân loại ngay từ các buồng bệnh; tập trung về khu vực để rác. Riêng rác thải độc hại được lưu trữ ở hệ thống bảo ôn rác. Các đơn vị đều ký hợp đồng với công ty môi trường để thu gom rác thải sinh hoạt thông thường; đồng thời ký hợp đồng với những đơn vị được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép xử lý chất thải nguy hại để thu gom, vận chuyển đưa chất thải lây nhiễm đi xử lý. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn duy nhất hệ thống lò đốt của Trung tâm Y tế huyện Cô Tô hoạt động do đặc điểm là huyện đảo, điều kiện vận chuyển khó khăn.
Để kiểm soát tốt việc xử lý chất thải y tế, các đơn vị y tế đã phân công 1 lãnh đạo cơ quan và 1 lãnh đạo khoa, phòng hoặc cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý môi trường y tế. Đội ngũ này được đào tạo tập huấn về quản lý môi trường, quản lý chất thải y tế và thường xuyên đi kiểm tra việc thu gom, phân loại rác thải của các khoa, phòng... Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phân loại rác thải đến từng cán bộ, nhân viên; từng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để họ cùng chung tay trong phân loại rác thải y tế.
Ngành y tế cũng chủ động ứng dụng KHCN mới vào công tác BVMT. Trước đây, các cơ sở y tế đều phát sinh một lượng lớn nước rửa phim XQ có chứa chất độc hại, tuy nhiên hiện nay, nhờ chuyển sang dùng XQ kỹ thuật số, lượng nước rửa độc hại này đã giảm nhiều.
Có thể thấy rằng, công tác xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện tốt. Kết quả quan trắc môi trường định kỳ tại các cơ sở y tế đều cho thấy, tại thời điểm quan trắc, các thông số về môi trường (nước, không khí) của cơ sở y tế cơ bản đảm bảo theo quy chuẩn cho phép.
Bình Minh (T/h)