Thứ sáu, 29/03/2024 08:46 (GMT+7)

Quảng Ninh: Nhiều trạm trộn bê tông lấn chiếm đất hoạt động gây ô nhiễm sông Tiên Yên

MTĐT -  Thứ tư, 13/10/2021 19:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dọc theo con sông Tiên Yên, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh hiện đang có hàng chục trạm trộn bê tông, bến bãi chứa cát, đá, sỏi, xưởng băm dăm gỗ hoạt động tràn lan, nước xả thải trực tiếp xuống lòng sông, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhiều trạm trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường

Nhiều năm qua, các trạm trộn bê tông thương phẩm của các doanh nghiệp nằm trên trục đường 4B dẫn ra cảng Mũi Chùa, thuộc địa bàn xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên mặc dù chưa có đủ thủ tục đất đai, nhất là hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Hoạt động của các trạm trộn bê tông đang hàng ngày phát tán khói, bụi, tiếng ồn, đặc biệt nước xả thải thẳng xuống dòng sông Tiên Yên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Quảng Ninh: Nhiều trạm trộn bê tông lấn chiếm đất hoạt động gây ô nhiễm sông Tiên Yên
Trạm trộn bê tông tại xã Tiên Lãng hoạt động gây ô nhiễm sông Tiên Yên

Anh Hà Văn C. nhà ở thôn Đồng Châu, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên chỉ vào một trạm trộn bê tông ở đối diện sông Tiên Yên thuộc địa phận thôn Cái Mắt đang hoạt động ầm ầm, khói, bụi bay mù mịt rồi tỏa ra khu vực xung quanh, cho biết: Những trạm trộn bê tông ở đây hoạt động từ lâu lắm rồi. Người dân trong thôn đã nhiều lần kiến nghị, yêu cầu cơ quan chức năng phải xử lý hoặc có biện pháp bảo vệ môi trường cho bà con, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì.

Đi dọc dòng sông Tiên Yên, PV chứng kiến một số trạm trộn bê tông thuộc dạng “khủng” đang tấp nập hoạt động. Điều đáng nói là tại các trạm trộn bê tông này không hề có tường bao quanh, cát, đá đổ thành từng đống khổng lồ, nhưng không hề có nhà kho chứa hay được che phủ bạt. Đặc biệt các trạm trộn bê tông đều không có hệ thống rãnh thu gom nước mặt, nước từ quá trình vận hành trạm trộn bê tông, rồi nước rửa xe bồn chở bê tông chảy tràn ra mặt bằng sản xuất, thậm chí chảy thẳng xuống dòng sông Tiên Yên.

Quảng Ninh: Nhiều trạm trộn bê tông lấn chiếm đất hoạt động gây ô nhiễm sông Tiên Yên
Nhiều trạm trộn bê tông dọc sông Tiên Yên hoạt động rầm rộ gây ô nhiễm môi trường sống của người dân địa phương

Trao đổi với PV về tình trạng các trạm trộn bên tông đang gây ô nhiễm nghiêm trọng cho dòng sông Tiên Yên và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãng, Nguyễn Thế Nam thừa nhận, hiện trên địa bàn xã còn 3 trạm trộn bê tông hoạt động từ nhiều năm nay, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và môi trường sông Tiên Yên. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần kiểm tra, thậm chí xử phạt hành chính, nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa có chuyển biến gì.

Quảng Ninh: Nhiều trạm trộn bê tông lấn chiếm đất hoạt động gây ô nhiễm sông Tiên Yên
Hàng loạt trạm trộn bê tông đổ cát đá ngay cạnh QL 4B gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Gần đây nhất, ngày 13/9/2021, UBND xã Tiên Lãng đã có công văn yêu cầu các tổ chức, cá nhân đang có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cung cấp các giấy từ, thủ tục pháp lý liên quan trước ngày 16/9/2021 nhưng đã gần một tháng trôi qua, không có đơn vị nào phản hồi - ông Nam, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãng, cho biết thêm.

Nghi vấn cho thuê đất vượt thẩm quyền

Điều đáng nói là, trước đó, năm 2019, Báo TN&MT đã từng phản ánh về tình trạng nhiều trạm trộn bê tông, cũng như các bến bãi tập kết VLXD hoạt động rầm rộ, gây ô nhiễm môi trường, nhất là đối với sông Tiên Yên. Nhưng đến nay, tình trạng này không những không được giải quyết mà còn xuất hiện thêm nhiều trạm trộn, bến bãi, xưởng băm dăm gỗ đang hàng ngày “bức tử” môi trường sông Tiên Yên.

Đặc biệt là, trong quá trình tìm hiểu về những trạm trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường dọc sông Tiên Yên, đoạn qua địa bàn xã Tiên Lãng, PV thu thập được thông tin có nhiều tổ chức, cá nhân tại đây đã lấn, chiếm đất trái phép, vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý đất đai, môi trường.

Quảng Ninh: Nhiều trạm trộn bê tông lấn chiếm đất hoạt động gây ô nhiễm sông Tiên Yên
Trạm trộn bê tông xây dựng lấn cả ra bờ sông gây ảnh hưởng dòng chảy sông Tiên Yên

Theo tài liệu của PV thu thập được thì hiện nay, dọc tuyến sông Tiên Yên từ xã Yên Than đến xã Tiên Lãng có 9 tập thể, cá nhân được cơ quan chức năng huyện Tiên Yên cho thuê đất để mở 11 bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng và làm cơ sở chế biến lâm sản. Tuy nhiên, nhiều chủ bến, bãi đã có hành vi lấm, chiếm trái phép đất đai để xây dựng nhà xưởng nhiều năm qua, nhưng chưa hề bị xử lý.

Điển hình như trường hợp Công ty TNHH MTV chế biến lâm sản Hưng Minh, có địa chỉ tại thôn Cái Mắt, xã Tiên Lãng được UBND huyện Tiên Yên cho thuê 7.164,00m2 tại thôn Cái Mắt, xã Tiên Lãng để chế biến lâm sản là dăm gỗ thời gian thuê 20 năm, từ ngày 19/8/2020. Nhưng qua kiểm tra thực tế thì Công ty này đã lấn chiếm sử dụng vượt 6.220,30m2 đất.

Hay như hộ ông Vũ Đức Th., trú tại phố Lý Thường Kiệt, Thị trấn Tiên Yên, huyên Tiên Yên được UBND huyện Tiên Yên cho thuê 4.322,70m2 tại thôn Cái Mắt, xã Tiên Lãng để làm bãi tập kết VLXD trong thời gian 20 năm từ 19/01/2017, nhưng hộ này đã lấn chiếm tới 10.178,44m2 đất.

Quảng Ninh: Nhiều trạm trộn bê tông lấn chiếm đất hoạt động gây ô nhiễm sông Tiên Yên
Cát, đá, nước thải từ mặt bằng sản xuất của các trạm trộn bê tông đang hàng ngày "bức tử" sông Tiên Yên

Hộ ông Phạm Văn M., ở xã Tiên Lãng được UBND huyện Tiên Yên cho thuê 11.580m2 tại thôn Thác Bưởi1, xã Tiên Lãng để tập kết VLXD trong giai đoạn 20 năm, từ ngày 30/6/2014 nhưng thực tế đã lấn thêm 3.767m2 đất...

Tại Điều 59, Luật Đất đai 2013 thì UBND cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây: Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi quyết định…

Đối chiếu với quy định trên thì rõ ràng việc huyện Tiên Yên cho các tổ chức, cá nhân thuê đất làm bến, bãi trạm trộn bê tông, chế biến lâm sản như hiện nay là vượt thẩm quyền của cấp huyện.

Quảng Ninh: Nhiều trạm trộn bê tông lấn chiếm đất hoạt động gây ô nhiễm sông Tiên Yên
Tình trạng lấn chiếm đất xây dựng nhà xưởng dọc bờ sông Tiên Yên diễn ra từ nhiều năm qua nhưng chưa bị xử lý

Để làm rõ nội dung này, PV Báo TN&MT đã liên lạc với lãnh đạo UBND huyện Tiên Yên để làm việc. Mặc dù đã được lãnh đạo huyện giao làm việc với ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Yên.

Thế nhưng khi PV liên hệ với ông Hoài thì nhận được tin nhắn “Em phụ trách mảng văn xã nên cũng không nắm rõ nội dung này. Còn nếu các anh cần thông tin thì em có thể chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền cung cấp theo quy định”.

Tuy nhiên, khi PV đến huyện Tiên Yên đã nhắn tin, gọi điện nhiều cuộc vào số máy của ông Hoài đổ chuông nhưng không bắt máy.

Thậm chí khi làm việc với Phòng TN&MT huyện Tiên Yên, tại đây một cán bộ của Phòng từ chối cung cấp thông tin liên quan việc lấn chiếm đất như đã phản ảnh ở trên vì cho rằng đây là “tài liệu mật”!?. Tại đây, một cán bộ của Phòng TN&MT cũng “tiết lộ”, hiện UBND huyện đang chỉ đạo rà soát tổng thể các tổ chức, cá nhân thuê đất mở bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản để xử lý theo quy định hiện hành.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ninh: Nhiều trạm trộn bê tông lấn chiếm đất hoạt động gây ô nhiễm sông Tiên Yên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo TN&MT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.