Thứ sáu, 29/03/2024 19:11 (GMT+7)

Quảng Ninh: Tái sử dụng nước thải mỏ giúp đảm bảo an ninh nguồn nước

MTĐT -  Thứ tư, 18/05/2022 10:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc tận dụng lại nguồn nước thải mỏ để phục vụ cho các hoạt động sản xuất và chế biến than như: Sàng tuyển than, phun sương dập bụi, vệ sinh thiết bị... vừa giúp giảm chi phí, vừa bảo vệ được tài nguyên nước.

Theo số liệu tổng hợp của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), trong quá trình sản xuất, trung bình mỗi năm các đơn vị khai thác than thuộc Tập đoàn thải ra môi trường từ 120-150 triệu m3 nước thải mỏ. Thay vì sử dụng nguồn nước tự nhiên để phục vụ sản xuất than, nhiều năm nay, các đơn vị đã tận dụng lại nguồn nước thải mỏ để phục vụ cho các hoạt động sản xuất và chế biến than như: Sàng tuyển than, phun sương dập bụi, vệ sinh thiết bị. Điều này vừa giúp giảm chi phí, vừa bảo vệ được tài nguyên nước.

tm-img-alt
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nước thải mỏ với lưu lượng xả thải lớn hằng năm đang là một trong các nguồn gây ô nhiễm chính, ảnh hưởng đến chất lượng nước tại các nguồn nước tiếp nhận. Ảnh minh họa

Trước những lợi ích về mặt môi trường, kinh tế từ tái sử dụng nước thải mỏ, năm 2021 TKV đã chi 1.076 tỷ đồng cho các hoạt động bảo vệ môi trường tại vùng than Quảng Ninh. Từ nguồn kinh phí lớn này, nhiều dự án, công trình môi trường được đầu tư đưa vào hoạt động mà điểm nhấn là ngành than đã hoàn thành đầu tư, nâng công suất 5 trạm xử lý nước thải mỏ. Bao gồm các trạm: Mông Dương, Núi Nhện, Ðồng Vông, Mạo Khê và đầu tư mới trạm Núi Hồng, nâng tổng số trạm xử lý nước thải trong toàn Tập đoàn lên 50 trạm, trong đó có 47 trạm xử lý nước thải mỏ, 3 trạm xử lý nước thải công nghiệp.

Việc đưa thêm 5 trạm vào hoạt động với công suất trung bình từ 350 đến 1.200m3/h đã đưa tổng lượng nước thải mỏ qua xử lý trong năm 2021 đạt hơn 141 triệu m3, bảo đảm quy chuẩn môi trường trước khi xả thải ra môi trường. Để đảm bảo cho công tác quản lý, giám sát, tất cả các trạm xử lý nước thải mỏ cũng được TKV lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, kết nối thông số kỹ thuật, giám sát tự động vấn đề xử lý nước thải. Thông số kỹ thuật xử lý nước thải của các trạm được truyền dữ liệu về Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở TN&MT).

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, nước thải mỏ là một nguồn tài nguyên khổng lổ. Vì thế, thời gian tới, ngành than sẽ tăng cường công nghệ để xử lý, tận dụng nước thải mỏ cho các hoạt động sinh hoạt, đời sống, thay vì chỉ sử dụng trong sản xuất. Đây cũng là một phần của kinh tế tuần hoàn, cùng với đất đá thải mỏ được sử dụng để làm nguyên liệu san lấp mặt bằng mà TKV và tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp thực hiện.

Để đáp ứng được năng lực xử lý nước thải mỏ, dự kiến giai đoạn 2022-2025, TKV tiếp tục đầu tư nâng công suất thêm 5 trạm xử lý nước thải tại 5 mỏ là: Cọc Sáu, Cao Sơn, Dương Huy, Núi Béo và Thành Công. Trong bối cảnh TKV đang tăng sản lượng khai thác than, điều kiện sản xuất tại các mỏ hầm lò ngày càng xuống sâu, diện sản xuất moong than lộ thiên cũng mở rộng, dẫn đến lượng nước thải cần xử lý ngày càng tăng cao, việc tiếp tục đầu tư nâng công suất các trạm xử lý nước thải sẽ đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải mỏ trong quá trình sản xuất, thực hiện mục tiêu gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của TKV.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong xử lý nước thải mỏ, nhưng thực tế việc tái sử dụng nguồn nước này vẫn chưa nhiều. Các đơn vị chủ yếu mới tái sử dụng được từ 5-15% lượng nước thải. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nước thải mỏ với lưu lượng xả thải lớn hằng năm (khoảng 150 triệu m3/năm) đang là một trong các nguồn gây ô nhiễm chính, ảnh hưởng đến chất lượng nước tại các nguồn nước tiếp nhận (tăng độ đục, độ màu, kim loại nặng). Từ đó làm ảnh hưởng lớn đến môi trường nước của vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người thông qua chuỗi thức ăn.

Việc xả thải lượng nước lớn trên ra môi trường cũng gây lãng phí loại nguồn tài nguyên có thể tái tạo này trong khi hiện nay, trước tình hình của biến đổi khí hậu, hạn hán và thiên tai, nhiều nguồn nước (đặc biệt nguồn nước mặt tại các khu vực mỏ) đang ngày càng chịu nhiều áp lực bởi các đối tượng, nhu cầu khai thác, không thể đáp ứng đủ. Ngoài ra, chất lượng nước tại sông suối quanh các mỏ cũng có nhiều thông số không đảm bảo chất lượng nước cấp cho sử dụng, phải đầu tư hệ thống xử lý.

Đại diện Phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Biến đổi khí hậu (Sở TN&MT), cho biết: Với những công nghệ hiện đại, nước thải mỏ than về cơ bản đã được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường (một phần nước thải được xử lý đạt chất lượng nước ở mức cao - cột A - đạt quy chuẩn để xả vào nguồn nước cấp cho sinh hoạt). Do đó, uớc tính chỉ cần tái sử dụng khoảng 25% nước thải mỏ ngành than là có thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của toàn ngành và sẽ còn dư thừa khoảng 75% (tương đương với khoảng 113 triệu m3/năm, tức là khoảng 300.000m3/ngày) xả thải ra môi trường. Lượng nước dư thừa sẽ xả thải này lớn gấp 1,2 lần tổng công suất các nhà máy xử lý nước cấp của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh và tương ứng 15% tổng nhu cầu cấp nước của toàn tỉnh.

Cũng từ những phân tích trên của Sở TN&MT, nhiều địa phương cho rằng việc tăng cường tái sử dụng nước thải mỏ than trước hết chính là phục vụ cho sản xuất của ngành than để chủ động về nguồn nước, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng là hết sức cấp thiết. Ngoài ra, việc nghiên cứu, tái sử dụng nguồn nước thải mỏ dư thừa sau xử lý để bổ sung, cấp cho hệ thống nước sạch sẽ là một hướng đi đột phá, đảm bảo an ninh nguồn nước cho tỉnh, cần được nghiên cứu cụ thể và có thể đưa vào triển khai nếu đáp ứng được các thông số về chất lượng nước.

Trên cơ sở điều kiện thực tế của tỉnh và ngành than, hiện UBND tỉnh đã yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với Sở TN&MT xây dựng, lồng ghép Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước với Đề án môi trường. Trong đó tính toán chi tiết, kỹ lưỡng hơn giữa việc phát huy những giải pháp tái sử dụng nước thải mỏ đang áp dụng của ngành than với việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo các hồ chứa nước. Bởi nếu phải nâng công suất, hoặc xây mới các nhà máy nước, hồ chứa nước, kinh phí có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, trong giai đoạn 2022-2025, để đảm bảo an ninh nguồn nước, dự kiến khu vực Tây TP Hạ Long - TP Uông Bí - TX Quảng Yên sẽ phải đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Hoành Bồ thêm 10.000m3/ngày đêm, xây dựng tuyến ống hòa mạng với mạng lưới cấp nước của Nhà máy nước Đồng Ho; khu vực huyện Ba Chẽ sẽ đầu tư xây dựng hồ Khe Tâm (dung tích 1,2 triệu m3); huyện Hải Hà sẽ đầu tư xây dựng, nâng cấp hồ Tài Chi (dung tích 7 triệu m3) và hồ Quảng Thành (dung tích 5 triệu m3); khu vực Cô Tô xây dựng hồ chứa nước C22 (dung tích 0,3 triệu m3); khu vực Vân Đồn hoàn thiện việc xây dựng hồ Đồng Dọng.

Ngoài ra, khu vực phía Đông TP Hạ Long và TP Cẩm Phả đề xuất triển khai xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch từ nguồn nước thải mỏ khu vực Cẩm Phả. Tổng kinh phí dự kiến đầu tư xây mới các hồ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 570 tỷ đồng; ngân sách huyện 120 tỷ đồng và nguồn doanh nghiệp đầu tư 1.392 tỷ đồng). Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả các công trình hiện có giai đoạn này, tỉnh sẽ sửa chữa, nâng cấp 37 hồ chứa, 36 đập dâng, 5 trạm bơm với tổng nhu cầu kinh phí gần 1.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu nâng tỷ lệ tái sử dụng nước thải mỏ lên ít nhất từ 25%/năm, tỉnh có thể giảm bớt ngân sách cho việc đầu tư, nâng cấp các hồ chứa, nhà máy nước.

Qua quá trình rà soát, đánh giá, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, hiện Sở TN&MT đã đưa ra một số giải pháp, biện pháp để tăng cường tái sử dụng nước thải mỏ, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Cụ thể, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cần chỉ đạo các công ty than nghiên cứu lắp đặt bổ sung thiết bị để xử lý tiếp nước thải đã qua xử lý, đảm bảo nước cấp cho các mục đích sử dụng của đơn vị. Đặc biệt, cần phải áp dụng trước hết đối với các cơ sở có lượng nước thải đang được xử lý đạt cột A các quy chuẩn tương ứng; các nguồn nước thải đang xả dẫn về các nguồn nước quan trọng, cấp nước cho sinh hoạt của tỉnh (hồ Yên Lập, sông Diễn Vọng...).

Song song với đó, Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV cần nghiên cứu, đầu tư thêm hệ thống xử lý nước cấp để cấp nước quay lại phục vụ cho chính các mỏ than; nghiên cứu, đầu tư thêm hệ thống xử lý nước cấp để cấp nước bổ sung vào hệ thống cấp nước sạch của tỉnh. Trong giai đoạn 1 có thể xây dựng trạm xử lý nước cấp công suất 20 triệu m3/năm ở khu vực Cẩm Phả (đến năm 2025); giai đoạn 2, xây dựng trạm xử lý nước cấp công suất 20 triệu m3/năm ở khu vực Hạ Long (đến năm 2030). Hoặc Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh nghiên cứu đầu tư mạng lưới đường ống để lấy nước thải sau xử lý tại các trạm xử lý của Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV, đưa về các nhà máy để xử lý nước cấp cho đô thị.

Ngành Than cũng cần tận dụng các moong khai thác để chứa nước thải sau xử lý, hoặc nước thải chưa xử lý để dự phòng cấp nước cho các trường hợp hạn hán, thiếu nước trong tương lai. Đồng thời có thể thí điểm một số mô hình, công nghệ tái sử dụng nước tại một số cơ sở, trạm xử lý để đánh giá hiệu quả thực tế, làm cơ sở nhân rộng mô hình và xây dựng các quy chế quản lý, tái sử dụng nước thải mỏ than.

Tuấn Minh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ninh: Tái sử dụng nước thải mỏ giúp đảm bảo an ninh nguồn nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới