Quảng Trị: 178.124 học sinh hân hoan bước vào năm học mới 2024 – 2025
Sáng 5/9, cùng với học sinh cả nước, 178.124 học sinh ở 398 trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nô nức đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2024 -2025.
Trong năm học này, toàn tỉnh có 398 trường học, chào đón 178.124 học sinh, trong đó có 41.880 học sinh các lớp đầu cấp dự lễ khai giảng. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, lao động hợp đồng là 13.914 người. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển về cả về số lượng lẫn chất lượng, cơ bản đảm bảo yêu cầu của việc dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Phát huy những kết quả đạt được trong học vừa qua, năm học 2024-2025, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển GD-ĐT; đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT và triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (GDPT) và giáo dục thường xuyên (GDTX).
Để chuẩn bị cho năm học mới, thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã quan tâm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng phục vụ công tác dạy và học. Quy mô mạng lưới trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Toàn ngành giáo dục có 398 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và GDNN - GDTX.
Đến nay, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được tăng cường đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Tỉ lệ phòng học kiên cố các cấp đều tăng: Mầm non đạt 59,18%, tiểu học đạt 82,61%, THCS đạt 96,85% và THPT đạt 100%. Sở triển khai mua sắm các gói thiết bị thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho khối các trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú; mua sắm thiết bị dạy học cho cấp tiểu học; mua sắm thiết bị chuyên dùng cho các phòng học bộ môn cấp THPT, thiết bị dạy học tối thiểu cấp THPT. Thiết bị được đầu tư mua sắm đã từng bước đảm bảo cho việc dạy học ở các cơ sở giáo dục.
Ngành giáo dục Quảng Trị xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là: “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, đồng thời triển khai 16 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Nâng cao trách nhiệm, đạo đức nhà giáo; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học.
Cùng với việc thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, ngành còn đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.
Trong năm học, ngành sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính. Ngoài việc xây dựng kho học liệu số chia sẻ dùng chung (bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác…), ngành còn khuyến khích phát triển, khai thác dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực GD-ĐT, từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát quy hoạch và sắp xếp lại quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS.
Nhiệm vụ quan trọng nữa là tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và trình cấp có thẩm quyền ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2026 phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.