Thứ sáu, 19/04/2024 18:18 (GMT+7)

Quy hoạch đô thị ven sông: Lấy việc làm sạch nước và điều tiết dòng chảy làm nền móng

MTĐT -  Thứ bảy, 28/01/2023 09:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo KTS Trần Huy Ánh, để quy hoạch một đô thị ven sông trước hết cần đảm bảo hai yếu tố: Chất lượng nước và điều tiết dòng sông. Đó là điều mà Paris, London hay Thượng Hải - những thành phố phát triển đã làm và Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi.

Quy hoạch đô thị ven sông như Paris, London, Thượng Hải: Lấy việc làm sạch nước và điều tiết dòng chảy làm nền móng
Một góc sông Seine chảy qua Paris. (Ảnh: World Atlas).

Sông - dòng nước chảy thường xuyên tương đối ổn định trên bề mặt lục địa. Các dòng sông hầu hết đều đổ ra biển.

Rất khó để xác định chính xác số lượng tất cả các dòng sông trên thế giới. Các thống kê cho thấy, trên trái đất có khoảng 165 con sông lớn và hàng nghìn nhánh sông nhỏ.

Từ xa xưa, loài người đã có xu hướng tìm về những lưu vực các dòng sông lớn, nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, chăn nuôi, thủ công nghiệp và thương nghiệp: Đó là lưu vực sông Nile ở Đông Bắc Phi; khu vực Tây Á có 2 dòng sông Tigre và Euphrat; lưu vực sông Hằng có nền văn minh Nam Á cổ đại; lưu vực Hoàng Hà, sông Dương Tử ở Đông Á là nơi khai sinh nền văn minh Trung Quốc cổ đại...

Hầu hết các thành phố lớn trên thế giới ngày nay đều nằm bên những dòng sông. Đó là sông Seine ở Paris, sông Thames ở London, sông Hoàng Phố ở Thượng Hải... Những dòng sông này là nguồn cung cấp nước ngọt cho hàng triệu người dân sinh sống hai bên bờ.

Từng đặt chân đến nhiều thành phố ven sông trên thế giới, dưới góc nhìn của KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, để quy hoạch một đô thị ven sông thì cần có chiến lược tổng thể để kiểm soát dòng sông: Đảm bảo chất lượng nước ở các sông, hồ phải sạch; phải điều tiết tốt dòng chảy của sông để tích trữ nước.

Nước phải sạch

Theo ông Ánh, sự phát triển của những thành phố ven sông gắn liền với sự trong sạch của dòng sông. Yếu tố này không phải tự nhiên có, mà đến từ công sức, trí tuệ của cộng đồng xã hội, thành phố, quốc gia đó làm nên.

"Vào thế kỷ 19, các đại đô thị công nghiệp ở châu Âu phải đối mặt với vấn nạn nước thải quy mô lớn. Ở London (Anh), năm 1858, nước trên sông Thames ô nhiễm nặng nề, thành phố phải xây dựng hệ thống thu gom nước thải, cho vào cống ngầm và đẩy xa ra ngoài biển, dòng hải lưu đẩy ra xa hơn cho biển cả hấp thụ tuần hoàn.

Tại Pháp, năm 1964, nước này đã ban hành “Đạo luật về Nước" và lập ra 6 công ty quản lý lưu vực - tương ứng với 6 lưu vực thuỷ văn lớn (sông Seine, Meuse, Loire, Rhone, Rhine và Garonne).

Các công ty này thu tiền của cơ sở dùng nước hoặc làm ô nhiễm nước, đồng thời cũng tài trợ cho những cơ sở phải chuyển nước từ xa hay thực hiện việc lọc nước. Ngân sách của 6 công ty này nhiều gấp 4 lần ngân sách của Bộ Môi trường.

Trách nhiệm của họ là phải công bố chất lượng nước, đáp ứng các “quyền tự do tham khảo thông tin về môi trường". Còn các bên sử dụng nguồn nước sẽ phải chi trả tiền để 6 công ty quản lý nước hoạt động hiệu quả, từ đó đảm bảo chất lượng nguồn nước cho cả quốc gia lẫn các nước trong khu vực.

Tại Đan Mạch, các doanh nghiệp đã hợp tác với nhà khoa học để xây dựng phần mềm tính toán nhu cầu sản xuất ra một đơn vị sản phẩm tiêu dùng hết bao nhiêu nguyên liệu, nhiên liệu để tính ra lượng nước thải, khí thải và phí xử lý rõ ràng ngay từ dự án đầu tư đến sản xuất.

Hậu thế chiến, các dòng sông ở Nhật Bản bị ô nhiễm nặng nề. Do đó, người dân nước này được yêu cầu có trách nhiệm xử lý nước thải tại chính nhà mình theo mô hình xử lý nước thải tại nguồn, viết tắt là “Johkasou”. Theo đó, mỗi gia đình mua riêng hoặc chung nhau trả tiền lắp Johkasou, vật tư, vận hành trạm xử lý nước thải mini".

Vị chuyên gia chia sẻ thêm, để xử lý nước thải, nhiều thành phố ven sông đã tìm cách bơm nước thải vào đất nông nghiệp thay cho phân bón. Để giảm thiểu mùi hôi, họ làm ra bể/tháp chứa làm lắng, vắt khô chở đến đồng ruộng. Khi bể chứa nhỏ dần, thêm hỗ trợ của vi khuẩn/bùn đã tạo thành hoạt tính tăng khả năng làm sạch nước.

Theo thời gian, năng lực quản trị và kiểm soát nước thải ở các đô thị ven sông tiến hóa không ngừng. Họ đã tạo ra những hoạt chất khử mùi/thu hồi chất độc hại; bơm sục khí oxy tiếp cận nước thải; gia nhiệt đẩy nhanh quá trình sinh hóa; dùng màng thấm để tạo môi trường chuyển hóa, thẩm thấu ngược… Ngày nay, quá trình xử lý nước đã nhanh hơn, chiếm không gian nhỏ hơn, năng suất cao hơn.

Để có được những công nghệ mới, các thành phố đã đánh đổi những khoản đầu tư đắt đỏ để vận hành đắt đỏ, bù lại họ có được tầm nhìn lớn hơn về quy mô, tính bền vững của việc đảm bảo chất lượng nước cho dòng sông.

Quy hoạch đô thị ven sông như Paris, London, Thượng Hải: Lấy việc làm sạch nước và điều tiết dòng chảy làm nền móng
Một góc sông Thames ở London. (Ảnh: World Atlas).

Xử lý nước không quên trữ nước

Việc kiểm soát xả thải/ô nhiễm thông minh đã giúp các thành phố sản xuất ra nhiều hàng hóa hơn, sử dụng ít tài nguyên ít hơn, tiết kiệm 90 - 95% nguồn nước.

Từ đây, các quốc gia bắt đầu tìm cách điều tiết dòng chảy thông qua hệ thống thuỷ lợi, các hồ chứa, đập và thậm chí là dành cả một vùng đất trũng... để giữ nước.

Ông Ánh lấy ví dụ về một khu vực ở phía đông nước Pháp tên là Camargue, có diện tích hơn 930 km2. Đây là vùng đầm lầy, chức năng chính là phục vụ nông nghiệp và luôn sẵn sàng chứa nước, trữ nước từ các dòng sông lúc cần.

Hay tại Trung Quốc - quốc gia sử dụng tài nguyên nước lớn nhất hành tinh, các thành phố ở nước này đã xả thải khoảng 24 - 73 tỷ m3 (giai đoạn 1980 - 2006), phần lớn đổ vào sông không qua xử lý. Năm 2006, trong tổng số 140.000 km sông của Trung Quốc, có 64% nước ở chất lượng thấp. Nhiều sông hồ cạn khô, các vùng bán ngập thu hẹp, kéo theo môi trường sinh thái suy giảm.

"Đầu những năm 2000, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chiến lược làm sạch các dòng sông, lập bản đồ xả thải, đưa ra lộ trình xử lý ô nhiễm sông hồ toàn quốc. Chính phủ định ra cơ chế quản lý nước theo hướng thị trường như: Mua quyền sử dụng 228 triệu m3 nước ở Ninh Hạ, Nội Mông; công bố quota (hạn ngạch thương mại) cho phép lấy nước của 27 tỉnh, khu tự trị và thành phố.

Bên cạnh đó, lắp đặt thiết bị đo nước cho 90% nhà ở đô thị và công trình. Bộ Tài nguyên nước (MWR) phân vùng kiểm soát dòng thải chất gây ô nhiễm ở 7 lưu vực sông lớn, danh sách 118 nguồn nước uống quan trọng của quốc gia để bảo vệ nghiêm ngặt; làm rõ trách nhiệm trả phí của các tổ chức, cá nhân xả thải...

Từ việc đầu tư đồng bộ xử lý nước thải, Trung Quốc đã và đang từng bước hoàn thành dự án "Nam Thủy Bắc Điều" trị giá hơn 60 tỷ USD để xây dựng gần 4.000 km kênh mương, hồ chứa nhằm chuyển gần 45 tỷ m3 nước từ các sông hồ phía Nam dồi dào lên vùng phía Bắc khô hạn (giai đoạn 1990 - 2050).

Hiện nay, Trung Quốc dần đảm bảo đủ nguồn nước và nước sạch, chất lượng nước và an toàn; giảm đe dọa do lũ lụt hay khô hạn của 7 lưu vực sông lớn từng bước được kiểm soát, kéo theo sự hồi sinh của hệ sinh thái sông hồ. Năm 2018, kết quả quan trắc từ 1.935 trạm của Trung Quốc cho kết quả nước đạt chất lượng tốt từ loại 1 - 3 chiếm 71% (năm 2006 là 26%)...", ông Ánh cho hay.

Việt Nam sẽ có những đô thị ven sông phát triển?

Quy hoạch đô thị ven sông như Paris, London, Thượng Hải: Lấy việc làm sạch nước và điều tiết dòng chảy làm nền móng
Một góc phân khu đô thị sông Hồng. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), trên cả nước hiện có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên. Các sông suối này nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước.

Hầu hết các thành phố lớn của nước ta đều có sông chảy qua. Ở mỗi địa phương, dòng sông đều được quy hoạch với những chức năng, nhiệm vụ đặc thù.

Tại TP Đà Nẵng, địa phương này đã quy hoạch phân khu ven sông Hàn với mục tiêu hình thành nên một đô thị nén khu vực trung tâm thành phố, tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; trọng tâm là quảng trường trung tâm gắn với trung tâm hành chính.

Còn ở khu vực đô thị trung tâm Hà Nội, sông Hồng có chức năng là không gian thoát lũ, là trục không gian hành lang xanh, không gian văn hoá của Thủ đô. Dòng sông Hồng cũng được xác định là trục dọc phát triển của tỉnh vùng biên Lào Cai.

Tại TP Nam Định, thành phố được định hướng sẽ phát triển theo mô hình đa cực, lấy sông Đào là trục xương sống, phát triển về hai bên sông. Ở Bắc Ninh, tỉnh này đã công bố dự thảo quy hoạch phát triển trục đô thị ven dòng sông Đuống dọc các huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình, tập trung phát triển mô hình second home, các căn hộ cho thuê, nhà hàng ven sông - dịch vụ giải trí, thủ công mỹ nghệ.

Tại Nha Trang, thành phố này đã được lên kế hoạch tập trung phát triển đô thị du lịch dọc sông Cái. Tại Bến Tre, khu vực ven sông Mỹ Tho được xác định là một trong hai hành lang phát triển chính của tỉnh, với tính chất hình thành trung tâm chính trị và văn hoá của vùng đô thị trong tương lai...

Với đặc thù sông ngòi dày đặc như vậy, Việt Nam được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đô thị ven sông. Song để các đô thị này phát triển như các thành phố ven sông lớn trên thế giới vẫn là câu chuyện dài hơi.

"Từ xa xưa, người dân Việt đã có kinh nghiệm chọn nơi chốn định cư với tiêu chí "Nhất cận thị, nhị cận giang", nghĩa là ưu tiên gần chợ, gần sông. Gần chợ là để tiện kinh doanh buôn bán, giao tiếp xã hội.

Còn gần sông, là để tiện đi lại bởi trước thế kỷ 20, hệ thống giao thông đường bộ ở nước ta rất yếu kém, chỉ có thể đi lại nhờ ngựa, kiệu, võng… chứ không có xe cộ. Sống gần sông còn có nước để sinh hoạt, làm kinh tế do hệ thống dẫn nước ngày ấy còn thô sơ, vận chuyển nước rất vất vả.

Khi người Pháp xâm lược, họ thiết lập hệ thống đô thị trên toàn Đông Dương và đều bố trí tại các nơi gần sông. Trong gần suốt thế kỷ 20, các đô thị này đều tồn tại và phát triển hài hòa.

Nói như vậy để thấy chúng ta đã có lịch sử phát triển đô thị ven sông với những kinh nghiệm nhất định, do đó việc quy hoạch những đô thị ven sông trong tương lai là hoàn toàn khả thi.

Ở chiều hướng ngược lại, công tác quy hoạch đô thị ven sông tại Việt Nam cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Đa số các đô thị ven sông được mở rộng phát triển trong 20 năm đầu thế kỷ 21 đang đối mặt với một nghịch lý: Ngập úng ở nội đô mặc dù mực nước sông luôn thấp. Hầu hết các con sông trong đô thị đều bị ô nhiễm, thậm chí ô nhiễm trầm trọng. Đó là hệ quả của một quá trình đô thị hoá bằng cách san lấp và xả rác thải tràn lan", KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận.

Cuối tháng 12/2022, Báo cáo Quy hoạch tài nguyên nước 2021 - 2030 do Bộ TNMT lập đã được phê duyệt, Báo cáo đã chỉ ra tổng lưu lượng nước ở nước ta là khoảng 935,9 tỷ m3/năm, trong đó tổng dung tích các hồ chứa (thuỷ lợi, thuỷ điện) chỉ chiếm khoảng 8% (68,7 tỷ m3). Con số này cho thấy chúng ta vẫn chưa điều tiết nước hiệu quả, dẫn đến tình trạng chênh lệch lớn vào mùa khô và mùa lũ.

Trước năm 1980, Việt Nam rất chú trọng công tác thủy lợi, nhưng hiện nay nguồn lực đầu tư cho hoạt động điều tiết nước và thu gom xử lý nước thải còn thấp. Các dự án đầu tư công và dự án FDI trong lĩnh vực này hoạt động không hiệu quả.

Công tác điều tra, thống kê, nghiên cứu tài nguyên nước cũng đang tồn tại những lỗ hổng. Từ năm 1998, Luật Tài nguyên nước đã được ban hành, nhưng phải mất hơn 20 năm mới lập báo cáo quy hoạch nguồn nước và phê duyệt.

Tựu trung, theo ông Ánh, Việt Nam vẫn cần học hỏi rất nhiều để thoát khỏi tình trạng thiếu nước sạch, thừa nước ô nhiễm và sử dụng lãng phí tài nguyên nước. Chỉ khi ứng xử đúng cách với những dòng sông, chúng ta mới có thể nghĩ về các đô thị ven sông hoặc những thứ xa hơn.

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch đô thị ven sông: Lấy việc làm sạch nước và điều tiết dòng chảy làm nền móng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Hoàng Huy/Dòng Vốn Kinh Doanh

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...