Thứ tư, 24/04/2024 22:56 (GMT+7)

Quy hoạch kiến trúc nông thôn xây dựng nông thôn mới ứng phó BĐKH tại miền Trung

MTĐT -  Chủ nhật, 06/03/2022 14:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước những ảnh hưởng của BĐKH đối với khu vực nông thôn Duyên hải miền Trung, các nhà quản lý, người dân cần phải đưa ra nhiều hoạt động thích ứng khác nhau, trong đó công tác quy hoạch, kiến trúc nông thôn để giảm thiểu các tác động thiên tai, BĐKH.

Miền Trung Việt Nam có lãnh thổ kéo dài, hành lang hẹp, phía Tây giáp dãy Trường Sơn và Lào, phía đông là biển Đông, hải đảo dọc suốt lãnh thổ, có thể hình thành cơ cấu kinh tế biển và nông nghiệp đa dạng phong phú. Đặc điểm địa hình miền Trung có độ cao thấp dần từ khu vực miền núi xuống đồi gò trung du, có nhiều đồi núi lan sát ra biển, chia cắt các đồng bằng nhỏ hẹp, khí hậu thường khắc nghiệt hơn hai vùng Bắc bộ và Nam bộ. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong số 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH). Trước những ảnh hưởng của BĐKH đối với khu vực nông thôn Duyên hải miền Trung, các nhà quản lý, người dân cần phải đưa ra nhiều hoạt động thích ứng khác nhau, trong đó công tác quy hoạch, kiến trúc nông thôn đóng vai trò quan trọng để giảm thiểu các tác động thiên tai, BĐKH.

1. Đặc điểm kinh tế - xã hội khu vực miền Trung

Vùng Duyên hải miền Trung gồm 3 tỉnh Trung Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh); 7 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế Trung Trung bộ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) và 4 tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận), với diện tích tự nhiên là 49.409,7 km2, chiếm 14,93% diện tích cả nước. Lãnh thổ của Vùng nằm ven biển, trải dài với 1.430 km bờ biển, hẹp theo chiều ngang, chiều dài gấp nhiều lần chiều rộng. Địa hình của Vùng tương đối đa dạng với nhiều đồng bằng nhỏ hẹp ven biển, bị chia cắt bởi các dãy núi và nhiều con sông lớn.

Quy hoạch - Kiến trúc nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới ứng phó thiên tai biến đổi khí hậu tại các tỉnh miền Trung giai đoạn 2021 - 2025
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đồng bằng miền Trung đều bắt nguồn từ một lịch sử thống nhất liên quan đến quá trình biển tiến - mài mòn mà dấu tích ngày nay là các bậc thềm đánh dấu sự dao động của mực nước qua các thời kì băng hà tan, địa hình được nâng cao dần và liên tục. Bờ biển lùi ra xa, các con lươn con trạch tạo nên những cồn cát, những cồn cát này được gió vun lên thành những đụn cát và ngăn chặn các đầm phá. Địa hình đồng bằng bị cắt xẻ bởi các nhánh núi ăn sát ra tới biển như: dãy núi Hoành Sơn - đèo Ngang, dãy núi Bạch Mã - đèo Hải Vân, dãy núi Nam Bình Định - đèo Cả.

Vì vậy, địa hình đồng bằng duyên hải miền Trung mang tính chất chân núi - ven biển. Ngoài bị cắt xẻ ngang bởi các nhánh núi ăn sát ra biển, thì ở đây còn có sự phân chia dọc theo đồng bằng, đi từ trong ra ta sẽ gặp: cồn cát → đụn cát → đồi núi sót → mõm đá. Ở đồng bằng Duyên hải miền Trung có những cồn cát cao tới 40 - 50 m, phía trong các cồn cát là các đồng bằng nhỏ hẹp có thể canh tác nông nghiệp.

Khu vực nghiên cứu quy hoạch - kiến trúc nông thôn mới ứng phó thiên tai, BĐKH gồm 13 tỉnh khu vực ven biển Duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, trong đó TP Đà Nẵng là trung tâm và là thành phố trực thuộc Trung ương.

Là “mặt tiền” của nước ta nhìn ra Biển Đông, các tỉnh Duyên hải miền Trung có ưu thế quan trọng về kinh tế biển, có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đất, rừng, di sản văn hóa lịch sử… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với các ngành chủ lực như: du lịch, công nghiệp đóng tàu và dịch vụ hàng hải, phát triển ngành khai thác, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Chuỗi đô thị ven biển đang hình thành như: Chân Mây - Lăng Cô, Đà Nẵng, Hội An, Vạn Tường, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Thiết là cơ sở quan trọng để thiết lập và mở rộng các liên kết kinh tế giữa các địa phương trong Vùng, là trung tâm kinh tế du lịch.

Quy hoạch - Kiến trúc nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới ứng phó thiên tai biến đổi khí hậu tại các tỉnh miền Trung giai đoạn 2021 - 2025
Bản đồ hành chính Việt Nam và khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Duyên hải miền Trung với 1/3 chiều dài bờ biển, là địa bàn chiến lược trong chiến lựơc kinh tế biển của Việt Nam; một địa bàn giàu tiềm năng, nhưng cũng chịu nhiều thiên tai và thách thức trong quá trình phát triển, lãnh thổ trải rộng và địa hình phức tạp sẽ cản trở tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội của Vùng; đặc biệt là kết nối giao thông đường bộ, nên đến nay nhìn chung vẫn là Vùng có đời sống kinh tế và xã hội khó khăn. Cùng với đó tác động của sự biến đổi khí hậu và vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang là những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của Vùng.

2. Thời tiết cực đoan, BĐKH tác động tới khu vực duyên hải miền Trung

Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (gọi tắt là Những năm gần đây, những cơn bão mạnh (từ cấp 12 trở lên) có xu thế tăng nhẹ, mùa bão kết thúc muộn hơn và đường đi của bão có xu thế dịch chuyển về duyên hải Nam Trung bộ. Khô hạn tập trung ở hầu hết các tỉnh Tây Nguyên, Ninh Thuận và Bình Thuận. Ngập úng, tại miền Trung, bình quân mỗi năm có khoảng 18 vạn héc-ta lúa và hoa màu bị úng ngập. Mưa tập trung vào 4 tháng đầu năm, là nguyên nhân chính gây xói mòn rửa trôi ở các tỉnh miền Trung.

Quy hoạch - Kiến trúc nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới ứng phó thiên tai biến đổi khí hậu tại các tỉnh miền Trung giai đoạn 2021 - 2025
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khu vực Duyên hải miền Trung có 263 khu vực bị sạt lở đất và xói lở bờ biển xói lở. Sự thiếu hụt nguồn nước trên các sông lớn khu vực miền Trung, xu hướng giảm nhiều hơn đối với dòng chảy năm và dòng chảy kiệt; xu thế tăng nhiều hơn đối với dòng chảy lũ. Nước biển dâng (NBD) sẽ mở rộng các khu vực nhiễm mặn nước ngầm và vùng cửa sông, dẫn đến giảm lượng nước ngọt cho con người và hệ sinh thái ở các vùng ven biển, ảnh hưởng tiềm tàng về kinh tế xã hội khu vực Duyên hải miền Trung.

Ứng phó với thiên tai, thời tiết cực đoan và BĐKH là các hoạt động của con người nhằm thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Nếu con người không hạn chế các tác động xấu đến môi trường, không quan tâm và đề ra các biện pháp ứng phó với BĐKH, thì hệ lụy là rất khôn lường.3. Một số kinh nghiệm về ứng phó với BĐKH, NBD trong xây dựng quy hoạch - kiến trúc nông thôn

Các hành động ứng phó với tác động của BĐKH, NBD là cần thiết, nhưng cũng xuất hiện nhiều bất chắc, khó xác định chính xác các kịch bản khác nhau của BĐKH, NBD để đề ra các giải pháp ứng phó phù hợp. Cách tiếp cận tổng hợp đảm bảo hiệu quả về chi phí, thích ứng BĐKH được xem là cơ hội để đạt được giá trị đầu tư phát triển, không chỉ là tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề mà còn tạo chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân. Kinh nghiêm của Vương Quốc Anh đó là sự cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái tự nhiên.

Quy hoạch - Kiến trúc nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới ứng phó thiên tai biến đổi khí hậu tại các tỉnh miền Trung giai đoạn 2021 - 2025

- Hà Lan là một quốc gia nằm dưới mực nước biển, lịch sử của Hà Lan gắn với việc quản lý, kiểm soát dòng chảy và hệ thống mạng lưới nước thông qua phát triển hệ thống đê điều. Hà Lan đã xây dựng mô hình hữu hiệu trong việc ứng phó với BĐKH, NBD đó là một ví dụ “Xây dựng thuận tự nhiên”, tiêu biểu về quản lý nước bền vững.

- Kinh nghiệm của Đan Mạch là lồng ghép thích ứng với BĐKH, NBD ở tất cả các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn. Hoàn thiện hệ thống luật xây dựng thúc đẩy phát triển các công trình có khả năng thích ứng với BĐKH, phát triển các giải pháp toàn diện để ứng phó với thời tiết cực đoan như bão, mưa lớn, lũ lụt để đảm bảo an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại tới các công trình và cơ sở hạ tầng.

- Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), từ năm 2012, với việc áp dụng công tác quy hoạch và quản lý phát triển bền vững, với nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH, giờ đây UAE là hình mẫu tiêu biểu về năng lượng thay thế.

- Kinh nghiệm của bang New York - Hoa Kỳ, xây dựng các kịch bản và hành động ứng phó với BĐKH, dự báo lũ lụt bởi nguyên nhân chính do kết hợp giữa triều cường và nước biển dâng cao do bão. Một trong các giải pháp quy hoạch sử dụng đất để chống bão là đề xuất chương trình thu mua bất động sản trong các vùng thấp trũng, nơi dễ bị tổn thương, bị hư hại do các cơn bão. Chuyển đổi những vùng này thành công viên, cồn cát và không gian xanh, thiết lập hành lang bảo vệ cho tương lai.

- Kinh nghiệm của Indonesia: trường hơp Subak tiêu biểu thể hiện lại hệ thống văn hoá truyền thống của quản lý thủy lợi và biến nó thành một giải pháp bền vững hơn cho một Bali tương lai. Câu chuyện về một cơ cấu thủy lợi tập thể có tổ chức, quả thật vẫn rất thú vị đối với các cảnh quan nông nghiệp hiện nay trên toàn thế giới, và đặc biệt là ở Đông Nam Á, nơi mà canh tác lúa nước vẫn là nguồn thức phẩm chính của con người.

- Kinh nghiệm của Philippine - áp dụng quy hoạch tích hợp, lồng ghép BĐKH vào các dự án hạ tầng, đặc biệt là quy hoạch và quản lý mạng lưới đường, bởi khi xảy thiên tai lũ lụt xảy ra, giao thông đi lại là đặc biệt quan trọng. Các giải pháp thích ứng gắn liền với nhu cầu và năng lực cụ thể của các cộng đồng và kinh tế địa phương, qua đó đúc kết những bài học tạo nên thành công và những khó khăn và trở ngại tiếp tục phải vượt qua.

4. Thực trạng quy hoạch - kiến trúc nông thôn mới và các hành động ứng phó với thiên tai, BĐKH tại các tỉnh miền Trung

Miền Trung là vùng kinh tế trọng điểm lớn thứ 3 tại Việt Nam, sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, với những cách làm đột phá, sáng tạo và phát huy các nguồn lực khác nhau (Đến tháng 7/2021 cả nước có 64,6% số xã đạt chuẩn NTM, 29% số huyện đạt NTM, 12 tỉnh có 100% xã đạt NTM, trong đó có 04 tỉnh đã được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010) Chương trình xây dựng NTM đã giúp hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn của các địa phương cơ bản hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, kinh tế nông thôn trong khu vực phát triển đa dạng, từng bước ứng phó với thiên tai, BĐKH.

Quy hoạch - Kiến trúc nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới ứng phó thiên tai biến đổi khí hậu tại các tỉnh miền Trung giai đoạn 2021 - 2025
Tính dễ bị tổn thương và khả năng thích ứng với BĐKH. Nguồn: UNEP

Các vùng sản xuất chuyên canh ngày càng hình thành nhiều, tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM các tỉnh miền Trung vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, việc huy động nguồn lực và kết quả xây dựng NTM còn hạn chế, công tác quy hoạch - kiến trúc và xây dựng NTM ở nhiều vùng chưa có nghiên cứu lồng ghép ứng phó với thiên tai và BĐKH.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với 19 tiêu chí. Trong 19 tiêu chí, nhóm Quy hoạch có 1 tiêu chí (1- Quy hoạch); nhóm Hạ tầng kinh tế - xã hội có 8 tiêu chí (2- Giao thông; 3- Thủy lợi; 4- Điện; 5- Trường học; 6- Cơ sở vật chất văn hóa; 7- Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 8- Thông tin và truyền thông; 9- Nhà ở dân cư); nhóm Kinh tế và tổ chức sản xuất có 4 tiêu chí (10- Thu nhập; 11- Hộ nghèo; 12- Lao động có việc làm; 13- Tổ chức sản xuất); nhóm Văn hóa - Xã hội - Môi trường có 6 tiêu chí (14- Giáo dục và Đào tạo; 15- Y tế; 16- Văn hóa; 17- Môi trường và an toàn thực phẩm; 18- Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; 19- Quốc phòng và an ninh).

Quy hoạch - Kiến trúc nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới ứng phó thiên tai biến đổi khí hậu tại các tỉnh miền Trung giai đoạn 2021 - 2025
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhìn chung các tiêu chí về xã NTM chưa đề cập tới các nội dung ứng phó với thiên tai, BĐKH, chưa có các chỉ dẫn, chưa có lồng ghép các tiêu chí về quy hoạch - kiến trúc nông thôn phục vụ xây dựng NTM. Thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM gắn kết chặt chẽ với các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với BĐKH, cần huy động tổng hợp các nguồn lực, nhất là sự tham gia của nhân dân vào xây dựng NTM; xây dựng các cụm dân cư nông thôn có định hướng quy hoạch phát triển bền vững, cơ sở hạ tầng đồng bộ; kết cấu hạ tầng, nhà ở chống chịu bão lũ và kiến trúc nông thôn đáp ứng các tiêu chí NTM có lồng ghép ứng phó với thiên tai, BĐKH và NBD.

5. Lồng ghép ứng phó với thiên tai, BĐKH vào quy hoạch - kiến trúc nông thôn mới các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung

a/ Nguyên tắc chung: Trong quy hoạch, các quan điểm trên cần được cụ thể hóa dựa trên các nguyên tắc nhằm tăng cường năng lực thích ứng cũng như khả năng chống chịu với thiên tai, BĐKH và NBD. Đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và vấn đề an sinh xã hội, môi trường sinh thái cũng như các bên liên quan. Để nâng cao sức chống chịu thiên tai, ứng phó BĐKH, quản lý quy hoạch - kiến trúc nông thôn mới cần dựa trên các nguyên tắc sau:

- Tích hợp: ứng phó với thiên tai, BĐKH được thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp từ ứng phó, thích nghi đến né tránh, rút lui và và bằng nhiều giải pháp: công trình và phi công trình, đa ngành và đa cấp, ngắn hạn và lâu dài, phân tán và tập trung.

- Toàn diện: ứng phó với BĐKH được thực hiện trong tất cả các nội dung quy hoạch, từ định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, chuẩn bị kỹ thuật, giao thông, năng lượng, cấp thoát nước, xử lý chất thải, nghĩa trang…

- Tổng thể: ứng phó với BĐKH được thực hiện trong mối quan hệ với chiến lược tổng thể ứng phó với BĐKH của huyện, tỉnh với tầm nhìn dài hạn.

- Ưu tiên các biện pháp thích ứng với các tác động do thiên tai, BĐKH gây ra. Các biện pháp giảm thiểu nguyên nhân gây ra BĐKH chỉ nên tập trung vào các vấn đề trọng điểm (ví dụ để ứng phó với nhiệt độ gia tăng thay vì giảm thiểu phát thải khí nhà kính hãy tìm cách gia tăng diện tích không gian xanh).

- Ưu tiên giải pháp giảm nhẹ thiệt hại do tác động của thiên tai, BĐKH thay vì chống lại các tác động của BĐKH (ví dụ thay vì đắp đê hãy tìm cách sống chung với lũ).

b/ Thích ứng với thiên tai, lũ lụt và NBD trong quy hoạch

- Nguyên lý chung là dành chỗ cho nước, quy hoạch và quản lý dựa trên chu trình tuần hoàn tự nhiên của yếu tố nước, quy hoạch và thiết kế nông thôn chung với nước.

- Kết hợp quản lý dòng chảy đầu nguồn với quản lý thoát nước hạ lưu, thiết kế và quản lý hành lang thoát lũ, nâng cấp đê điều, bờ kè; thiết kế kênh dẫn nước ra khỏi vùng trọng điểm trong trường hợp lũ lụt.

- Tránh các giải pháp kiên cố hoá quy mô lớn vừa khó khăn trong tìm kiếm nguồn lực đầu tư mà có thể dẫn đến chỉ một vị trí bị hư hại sẽ làm cả hệ thống tê liệt. Phát triển các cấu trúc nhỏ đơn lẻ và linh hoạt, có khả năng thích nghi cao và chịu thiệt hại thấp nhất trong trường hợp rủi ro.

- Quy hoạch tái định cư cho những khu vực có khả năng bị ảnh hưởng.

- Bảo vệ những cấu trúc và công trình ở vùng bị đe dọa, nghiên cứu các mô hình định cư, các giải pháp kiến trúc nhà ở chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu

Quy hoạch - Kiến trúc nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới ứng phó thiên tai biến đổi khí hậu tại các tỉnh miền Trung giai đoạn 2021 - 2025
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

c/ Lồng ghép ứng phó với BĐKH vào quản lý xây dựng quy hoạch nông thôn mới

- Ứng phó với BĐKH, NBD được lồng ghép vào quá trình quản lý thực hiện theo quy hoạch - kiến trúc xây dựng nông thôn mới thông qua công cụ pháp lý đảm bảo nguyên tắc dự phòng, phối hợp và phổ cập thông tin.

- Mô hình quản lý quy hoạch thích ứng với thiên tai, BĐKH và NBD phải được đánh giá thường xuyên hoạt động của các hệ thống và điều chỉnh khi hoàn cảnh thay đổi.

- Xây dựng mô hình quản lý đặc thù, có khả năng thích ứng phải dựa trên những kinh nghiệm đã có và thông tin cập nhật nhằm đảm bảo triển khai xây dựng quy hoạch được duyệt có hiệu quảm phù hợp với môi trường sinh kế của người dân.

Công tác quản lý thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt đảm bảo nguyên tắc nâng cao sức chống chịu cho khu vực, gắn kết các hoạt động chống chịu vào các chương trình phát triển của tỉnh, hỗ trợ xây dựng chính sách để xã có thể phát triển mạnh mẽ trong trường hợp xảy ra các cú sốc và áp lực.

6. Kết luận

Nông thôn Duyên hải miền Trung tập trung chủ yếu dọc theo vùng đồng bằng duyên hải, nằm dọc theo các lưu vực sông và giữ một vai trò quan trọng trong hệ thống mạng lưới nông thôn quốc gia. Miền Trung với địa hình phân dị phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, nhiều biến động, ảnh hưởng bởi thiên tai, BĐKH, rất cần phải phải có các giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Những biến động về bão, lũ, lượng mưa, nhiệt độ là những chỉ số chính biểu hiện tình hình BĐKH cho từng khu vực, và cũng là những thông tin đầu vào để phân tích, xây dựng mô hình quy hoạch - kiến trúc các khuyến nghị nông thôn, nông nghiệp phù hợp cho người sản xuất, tích hợp nội dung ứng phó thiên tai, BĐKH và NBD vào quy hoạch và tổ chức không gian kiến trúc trong xây dựng NTM; cảnh báo các rủi ro tại các khu vực ven biển Duyên hải miền Trung có khả năng chịu tác động từ BĐKH.

Trong điều kiện BĐKH và NBD, việc nghiên cứu lồng ghép các nội dung ứng phó với thiên tai, BĐKH ngay từ giai đoạn lập quy hoạch sẽ mang lại những hiệu quả cao trong việc thích ứng với BĐKH khi xây dựng NTM nâng cao trong quy hoạch vùng. Với mỗi tiểu vùng, các tác động trọng tâm của BĐKH là khác nhau, vì vậy, các giải pháp cũng cần được đề xuất đảm bảo ứng phó phù hợp với các tác động của thiên tai, thời tiết cực đoan, BĐKH và NBD.

Tài liệu tham khảo1. Niên giám thống kê 15 tỉnh/thành 2. Báo cáo tổng kết xây dựng nông thôn mới biến các tỉnh thành duyên hải Miền trung 3. Các văn bản khảo sát từ các tỉnh/thành 2017, 2018. 4. Ngô Đình Tuấn. Đê biển và khả năng ứng phó với BĐKH. Hà Nội, 2008. 5. Bộ TN&MT, (2016), Kịch bản BĐKH và NBD cho Việt Nam. NXB TN&MT và Bản đồ Việt Nam. 6. Nguyễn Văn Thắng, (2010), Nghiên cứu ảnh hưởng của BĐKH đến các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và đề xuất các giải pháp chiến lược phòng tránh, giảm nhẹ và thích nghi, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở Việt Nam, KC.08.13/06-10.

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch kiến trúc nông thôn xây dựng nông thôn mới ứng phó BĐKH tại miền Trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành
Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.