Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp do ngân sách địa phương cấp
Kể từ 01/8/2020, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP có hiệu lực . Một trong những điểm mới của Nghị định này là công tác Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp.
Cụ thể, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Ngoài việc khuyến khích, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các Cụm công nghiệp khi có hồ sơ đáp ứng theo quy định, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP còn bổ sung thêm các nội dung như: Trong quá trình thẩm định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, Sở Công Thương báo cáo UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư để chấm điểm (thang điểm 100) cho các tiêu chí như: Phương án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 15 điểm); Phương án quản lý, bảo vệ môi trường cụm công nghiệp (tối đa 15 điểm); Năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã (tối đa 30 điểm) và phương án tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 40 điểm).
Nếu có số điểm từ 50 trở lên thì được UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Trường hợp dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp theo hình thức đối tác công tư thì lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Nghị định số 66/2020/NĐ-CP cũng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác quy hoạch cụm công nghiệp bằng việc sửa đổi, bổ sung Điều 5 từ “Phương án phát triển cụm công nghiệp” thành “Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp”. Trong đó, có các nội dung về: Căn cứ lập Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp gắn với các nội dung về Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch xây dựng và Quy hoạch các ngành, sản phẩm, lĩnh vực có liên quan khác trên địa bàn; Nhu cầu diện tích mặt bằng để thu hút, di dời các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp; Khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật các Cụm công nghiệp trên địa bàn.
Cụm công nghiệp vừa nhỏ Bắc Từ Liêm nằm trên địa bàn phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. Với vị trí đắc địa ngay trên mặt đường QL32, nếu phục vụ sản xuất, kinh doanh theo đúng chủ trương của Nhà nước, đây sẽ là bàn đạp quan trọng cho sự phát triển của địa phương nói riêng và Hà Nội nói chung. |
Nội dung Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp gồm cơ sở căn cứ pháp lý, sự cần thiết xây dựng quy hoạch; Đánh giá, dự kiến nhu cầu phát triển các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các yếu tố tác động đến phát triển cụm công nghiệp; nhu cầu mặt bằng của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào cụm công nghiệp; Đánh giá hiện trạng, tiến độ triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; Định hướng phân bố, phát triển các cụm công nghiệp, luận chứng quy hoạch từng cụm công nghiệp; Đánh giá hiện trạng môi trường, công tác quản lý môi trường của các cụm công nghiệp đã thành lập trên địa bàn; Dự báo tác động, biện pháp xử lý môi trường của các cụm công nghiệp dự kiến quy hoạch; Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp; các giải pháp về cơ chế, chính sách, khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư; phương án tổ chức thực hiện quy hoạch; Dự kiến danh mục quy hoạch các cụm công nghiệp theo các phương án; Lựa chọn một phương án và thể hiện trên bản đồ quy hoạch.
Điều 5 của Nghị định số 66/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ kinh phí lập Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp do ngân sách địa phương bảo đảm, thực hiện theo quy định hiện hành.
Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh được lập cho mỗi giai đoạn 10 năm, có xét triển vọng 10 năm tiếp theo và được công bố chậm nhất sau 30 ngày, kể từ ngày có quyết định phê duyệt./.