Thứ sáu, 19/04/2024 01:01 (GMT+7)

Quy hoạch tuyến đường sắt 100.000 tỷ: Chưa cần thiết?

MTĐT -  Thứ hai, 25/11/2019 11:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên quan đến việc nghiên cứu quy hoạch dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm của dư luận về mức độ cần thiết của dự án

Trung Quốc viện trợ chi phí quy hoạch

Theo quy hoạch do liên danh tư vấn Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC) và Viện Khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc lập, tuyến đường sắt được quy hoạch đi qua 8 tỉnh, TP từ Lào Cai đến Hải Phòng dài khoảng gần 390 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km, xây dựng theo hướng đông, đi qua Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130 km, 25 hầm dài tổng cộng 25 km, 38 nhà ga (29 ga xây mới). Dự báo năng lực vận tải là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày.

Hiện nay, tuyến đường sắt từ Lào Cai đến Hải Phòng có tiêu chuẩn và năng lực thấp, vận tốc trung bình 50 km/giờ, cao nhất 80 km/giờ. Vì thế, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu 2 phương án là cải tạo đường hiện có thành khổ lồng (thêm khổ đường 1.435 mm) và giữ nguyên hiện trạng tuyến cũ, xây dựng tuyến mới khổ tiêu chuẩn 1.435 mm.

Kinh phí xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ước tính tốn 100.000 tỷ đồng.

Qua phân tích từng phương án, tư vấn kiến nghị xây dựng tuyến mới với tuyến chính là đường sắt cấp I, đường đơn tốc độ chạy tàu thiết kế 160 km/giờ, loại hình dẫn kéo điện lực, sử dụng trạm đóng tự động để đảm bảo an toàn.

Kinh phí cho việc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được Chính phủ Trung Quốc viện trợ. Ước tính tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) khoảng 100.000 tỉ đồng, diện tích sử dụng đất toàn dự án khoảng 1.654 ha.Sau khi tư vấn hoàn thiện báo cáo cuối kỳ, quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai

- Hà Nội - Hải Phòng sẽ trình Bộ GTVT và các cấp có thẩm quyền xem xét. Theo lộ trình, nếu được thông qua, tuyến đường sắt này được chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2020 - 2025 và xây dựng sau năm 2025.

Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết đã làm việc với các địa phương như Hải Dương, Hưng Yên, Yên Bái về hướng tuyến của tuyến đường sắt để các tỉnh chuẩn bị mặt bằng, nghiên cứu hướng tuyến phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh...

Trước câu hỏi tổng mức đầu tư lên tới 100.000 tỉ đồng, chưa tính giải phóng mặt bằng có quá lớn hay không, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết đây mới là con số khái toán. “Hiện mới ở bước nghiên cứu quy hoạch theo quy hoạch GTVT đường sắt đã được Chính phủ phê duyệt. Con số 100.000 tỉ đồng mới là tạm tính, chỉ khi lập dự án nghiên cứu khả thi mới có tổng mức đầu tư chính thức”, lãnh đạo kể trên nói. Theo quy hoạch, tuyến đường sắt này sẽ chở cả hàng và người, không chỉ kết nối với Trung Quốc mà thông qua Trung Quốc, kết nối với cả mạng lưới đường sắt châu Âu.

Chưa cần thiết trong thời điểm hiện nay

Ngay khi có thông tin về đề xuất xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng với tổng mức đầu tư 100.000 tỷ đồng, ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm.  

Trao đổi vớ VTC News về vấn đề này, tiến sỹ Phạm Chi Lan cho rằng, xây thêm tuyến đường sắt mới với vốn đầu tư lên đến 100.000 tỷ đồng, trong khi đã có đường cao tốc là lãng phí và vô lý. Chuyên gia nhấn mạnh việc xây dựng tuyến đường sắt phía Bắc ở thời điểm này là chưa cần thiết, thậm chí là lãng phí.

“Chúng ta đang đổ quá nhiều tiền cho các dự án đầu tư phía Bắc. Ngoài ra, nếu nối đường sắt từ đó về thì sẽ tạo nhiều cơ hội cho chủ yếu hàng Trung Quốc đổ vào Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, giao thương với Trung Quốc cần có chấn chỉnh lại để làm sao cho đỡ thua thiệt với Việt Nam, làm sao cho hàng Trung Quốc nhập khẩu không chèn ép các mặt hàng nội địa. Do đó, cần tính toán lại về dự án này", bà Lan nói.

Cũng theo tiến sĩ Phạm Chi Lan, ngành giao thông đang quá quan tâm đến đầu tư nối đường sắt lên các tỉnh phía Bắc. Trong khi đó, cả vùng Đồng bằng Cửu Long rộng lớn như thế, cả một vùng miền Nam đang là động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước, quan trọng hàng đầu thì lại đầu tư rất ít, rất chậm. "Có những dự án cam kết bao nhiêu lâu nay vẫn không có tiền hoặc tiền về rất chậm. Điều này rất vô lý', chuyên gia kinh tế nhận định.

Cùng quan điểm, trao đổi với NĐT, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị Hà Nội cho rằng chưa nên xây dựng tuyến đường sắt ở thời điểm hiện nay.

Trong tình hình hiện nay, lượng hàng hoá và lượng hành khách của tuyến này là không nhiều, giao lưu giữa mình và Trung Quốc không nhiều. Hướng tuyến từ Lào Cai đi qua 8 tỉnh rồi đến Hải Phòng là những tuyến đường đã có lưu thông, lượng hàng hoá và hành khách không nhiều.

Chúng ta đã có những tuyến đường thông thương, về đường sắt có tuyến Hà Nội đi Lào Cai, Hà Nội đi Hải Phòng. Về đường cao tốc chúng ta có đường quốc lộ nối đường cao tốc đi Lào Cai, từ Hà Nội – Hải Phòng có 3 tuyến: Cao tốc đường bộ, Quốc lộ 5 và một tuyến đường sắt. Vì vậy, nếu làm thì rất lãng phí, đầu tư như vậy rất chồng chéo, vốn đầu tư không hiệu quả”, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ nhấn mạnh.

Trong khi đó trao đổi với Vov, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông cho rằng, cần phải đặt vấn đề: nhu cầu của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã thực sự cần thiết phải làm hay chưa? Theo ông, hiện tuyến cao tốc Lào Cai - Hà Nội và Hà Nội - Hải Phòng đã được nối thông và rất hiệu quả, tiết giảm rất nhiều thời gian vận chuyển hàng hóa từ biên giới cửa khẩu đến tận cảng Lạch Huyện.

Việc xây thêm 1 tuyến đường sắt kết nối tuyến này sẽ chia sẻ lưu lượng xe trên các tuyến cao tốc, vừa không hiệu quả, vừa lãng phí, cạnh tranh chính giữa 2 lĩnh vực đường sắt và đường bộ.

Trong khi đó, giao thương vận tải hàng hóa giữa các tỉnh Lào Cai và miền núi phía bắc về Hải Phòng để xuất khẩu không nhiều đến mức cần làm 1 tuyến đường sắt có chi phí tới 4 - 5 tỉ USD như vậy.

Đặc biệt, về nguồn tiền, nếu triển khai dự án, khả năng huy động vốn trong nước là rất khó khả thi. “Trong trường hợp phải sử dụng vốn vay, thì một dự án chưa rõ ràng về hiệu quả bài toán kinh tế cần được cân nhắc, tránh tình trạng làm gia tăng nợ công trong khi dự án kém hiệu quả.

Mức độ hưởng lợi khi làm tuyến đường sắt này với nền kinh tế Việt Nam là gì cần phải tính toán kỹ”, TS Đức nhìn nhận.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch tuyến đường sắt 100.000 tỷ: Chưa cần thiết?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.