Thứ năm, 28/03/2024 21:05 (GMT+7)

Quyết tâm đẩy lùi tham nhũng tiêu cực

PGS. TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ hai, 22/11/2021 14:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Phải tạo cho được một tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực” -Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18/11.

Tiếp tục đà đã có trong nhiệm kỳ Đạỉ hội XII, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không chùng xuống, không chững lại mà sẽ mở rộng, đi sâu hơn.

Chưa đầy 6 tháng sau Đại hội XIII của Đảng, ngày 6.7, ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam bị cách toàn bộ chức vụ trong 3 nhiệm kỳ gần nhất. Đến đầu tháng 10, Ban Bí thư quyết định khai trừ Đảng với 2 thiếu tướng và cách toàn  bộ chức vụ trong Đảng với 7 tướng lĩnh khác đều là tư lệnh, phó tư lệnh, chính ủy, phó chính ủy Cảnh sát biển VN và đơn vị trực thuộc. Đầu tháng 11 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra T.Ư kỷ luật nhiều lãnh đạo Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, đồng thời đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng bộ này - ông Trương Quốc Cường...

Nhìn lại những vụ án, vụ việc trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ XIII, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN, nhận định “chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20” chính là mấu chốt giúp công tác phòng, chống tham nhũng tại Đại hội XII đạt được nhiều kết quả, dù vấn đề này đã được đặt ra từ Đại hội VIII cách đây 25 năm.

Tiếp tục cái đà đã có trong nhiệm kỳ Đại hội XII, tôi tin chắc rằng cuộc chiến chống tham nhũng không chùng xuống, không chững lại mà sẽ mở rộng, đi sâu hơn. Nếu quyết tâm, tôi có lòng tin rằng tham nhũng đã từng bước được ngăn chặn thì nay sẽ bị đầy lùi”, ông Túc nói.

Chúng ta nhớ rằng, sau Đại hội VI là Đại hội đổi mới thì đến Đại hội VII, những yếu tố tiêu cực bắt đầu xuất hiện. Nhưng thời điểm ấy, nó chỉ là chuyện cán bộ thuế quan nhũng nhiễu nhận phong bì, lót tay khi làm thủ tục hành chính, mà nay chúng ta vẫn gọi là “tham nhũng vặt”. Đến Đại hội IX thì tiêu cực, tham nhũng đã lên tới cấp T.Ư mà điển hình là việc kỷ luật Tổng giám đốc Đài Tiếng nói VN Trần Mai Hạnh và Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy trong vụ án Năm Cam. Tới Đại hội XII, chúng ta đã kỷ luật hơn 100 cán bộ diện T.Ư quản lý, trong đó có hàng chục ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư, thậm chí cả ủy viên Bộ chính trị, mà đều là những sai phạm lớn, kéo dài trong những nhiệm kỳ trước. Nói như vậy để thấy rằng, tham nhũng được sinh ra từ những tiêu cực rất nhỏ. Nó giống như một khối u ác tính dần dần phát triển, “di căn” vào hệ thống của chúng ta.

Vì vậy, việc T.Ư bổ sung thêm chống tiêu cực rất hợp với ý nguyện của những người cộng sản chân chính và đại bộ phận những người dân VN yêu nước. Khi chúng ta ngăn chặn, đẩy lùi được những tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thì chúng ta cũng sẽ ngăn chặn được tham nhũng.

Đại hội XIII của Đảng vẫn xác định tiêu cực, tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tn vong của chế độ. Nghĩa là công cuộc chống tham nhũng chắc chắn còn trườngkỳ?

Tiêu cực và tham nhũng đã trở thành một vấn đề trầm trọng và đúng như Đại hội XIII đã xác định, nó tiếp tục là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta có lý do để tin vào mục tiêu tham nhũng sẽ được đẩy lùi.

Thứ nhất: chúng ta đã có sẵn cái “đà” của nhiệm kỳ XII. Những gì chúng ta được chứng kiến trong năm đầu tiên của Đại hội XIII là một ví dụ.

Thứ hai: quan trọng hơn ý thức của người dân đối với phòng, chống tham nhũng đã được nâng lên. Khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân kiểm tra chúng ta tổng kết từ lâu thì nay đã được bổ sung thêm vế “dân giám sát và dân thụ hưởng”. Nếu như chúng ta quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa sự giám sát của người dân trong phòng; chống tham nhũng và tiêu cực thì chúng ta sẽ làm được. Chúng ta cũng thấy là hầu hết các vụ án trong thời gian vừa qua được phát hiện chính là nhờ người dân, báo chí rồi cơ quan chức năng mới vào cuộc. Đúng như Bác Hồ nói: Có dân là có tất cả.

Thứ ba là: nhiệm kỳ Đại hội XII, chúng ta mở rộng phạm vi đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong cả hệ thống chính trị. Tức là, không chỉ chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ Đảng mà trong cả Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội.

“Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm”

Nhiều người cũng có tâm lý rằng, nêu cứ đẩy mạnh và mở rộng chống tham nhũng, tiêu cực, cán bộ sẽ có tâm lý sợ hãi, không còn dám làm gì, thậm chí là “kỷ luật hết thì lấy đâu ra cán bộ để làm” ?

Tôi không đồng tình với quan điểm kỷ luật nhiều thì không có ai làm. Trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta tự hào vế đất nước “ra ngõ gặp anh hùng”. Trong đại dịch vừa qua, chúng ta cũng biết tới những con người bình thường, không giữ chức vụ gì cả nhưng đã làm được những việc rất anh hùng. Cho nên cần phải có một tư duy thay thế được mình, cũng đừng nghĩ nhân tài chỉ là những người do Ban Tổ chức chọn ra. Người tài trong dân còn rất nhiều.

Nhưng đúng là nhiều cán bộ lãnh đạo giờ đây có tâm lý vo tròn, ngồi giữ ghế, chả làm những gì cấp trên chỉ đạo để không bị sai. Vừa rồi, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm với định hướng rất rõ ràng. Nếu như sớm cụ thể được kết luận này thành những quy định cụ thể, hiệu quả, tôi tin rằng rất nhiều người trẻ, sung sức sẽ vượt qua được căn bệnh trì trệ để “dám nghĩ, dám làm”. Đây cũng là cơ sở thực hiện điều mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhấn mạnh: “Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm”.

Nhưng để những người không làm đứng sang một bên cho những người khác làm cũng không phải việc dễ dàng với một mớ “bùi nhùi” của những quy trình?

Vừa rồi, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ trong toàn hệ thống chính trị. Quy định mới đã quy định rất cụ thể và cập nhật các căn cứ mà cán bộ, nhất là người đứng đầu bị miễn nhiệm hoặc từ chức. Chẳng hạn như có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp (đối với từ chức) hay 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp (đối với miễn nhiệm), hay 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ, bị kết luận suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... đã có thể làm căn cứ xem xét miễn nhiệm, không còn đủ uy tín hay để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong cơ quan mình lãnh đạo cũng là căn cứ để có thể từ chức...

Tôi cho rằng, đây là những cơ sở quan trọng để giải quyết tình trạng trì trệ, né trách nhiệm hiện nay. Bởi vì anh không làm gì cả, không sai gì cả, nhưng như thế anh cũng không hoàn thành nhiệm vụ. Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cho anh không phải để anh ngồi im. Hơn nữa, cán bộ lãnh đạo nào trì trệ, giữ mình, ngồi im chỉ để giữ cái ghế thì cán bộ, cơ sở người ta đều biết cả, anh sẽ không còn đủ uy tín để ngồi ở vị trí đó nữa.

Vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng vừa ký ban hành Quy định 37 của T.Ư về những điều đảng viên không được làm với rất nhiều quy định mới. Ông có cho rằng quy định mới này cũng góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng?

Quy định 37 vẫn giữ nguyên 19 điều đảng viên không được làm, tuy nhiên đã bổ sung thêm nhiều quy định mới, chẳng hạn, như đảng viên không được phép “nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài”, không được “có hành vi chạy chức chạy quyền” hay không được để người thân “lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi”... Thực ra, những quy định mới được bổ sung đều được tổng kết, rút ra từ thực tiễn của công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua. Không có cái gì là mình chưa có cả.

Cho nên, tôi cho rằng cùng với việc mở rộng phạm vi đấu tranh phòng, chống tham nhũng cùng với một loạt quy định mới như vừa qua, chúng ta sẽ khơi dậy được tinh thần phê bình và tự phê bình trong nội bộ mà lâu nay vẫn làm chưa tốt, để làm cho Đảng ta trong sạch và vững mạnh hơn.

Bịt khoảng trống thu hồi tài sản tham nhũng

Viện trưởng Viện KSN  tối cao Lê Minh Trí đề xuất 2 giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát là luật về đăng ký tài sản và thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt.

Trong phiên thảo luận của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 (tính từ 10/2020 – 9/2021) tại  kỳ họp thứ 2 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội nêu vấn đề về tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Bến Tre) dẫn chứng con số thu hồi tài sản tham nhũng năm 2021 chỉ đạt 5% so với tổng số tiền phải thi hành, trong khi năm  2020 là 43,42%.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Tân (Hải Phòng) cho biết tháng 6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế. Ông  đề nghị các cơ quan tiền tố  tụng, cơ quan tố tụng cần phải  vào cuộc và kịp thời áp dụng biện pháp cần thiết, như thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Giải trình về vấn đề này tại Qụốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết thời gian qua, chủ  trương, quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước là yêu cầu các cơ quan tố tụng phải làm tốt hơn nữa việc thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát. “Thực tế những năm gần đây chúng ta có làm tốt hơn, có chuyển biến tích cực hơn”; ông Trí nhận định, song cho biết “so với yêu cầu vẫn cảm thấy chưa hài lòng”.

Từ phân tích trước bất cập “không phải dễ gì cứ muốn thu là thu (thu hồi tài sản tham nhũng - PV)”, ông Trí đề xuất 2 giải pháp theo ông là cần thiết và ông cũng đã đề xuất nhiều lần để việc thu hổi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn.

Cụ thể, ông Trí đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét xây dựng luật đăng ký tài sản. Theo ông Trí, hiện nay, Đảng, Nhà nước mới chỉ kiểm soát tài sản trong hệ thống chính xã hội đang đứng tên, sở hữu có hợp pháp hay không, có nguồn gốc minh bạch hay không thì “vẫn là khoảng trống rất lớn”. Nếu chưa có luật đăng ký tài sản thì các đối tượng tham nhũng sẽ sử dụng thủ đoạn che giấu, ẩn nấp bằng cách nhờ đứng tên và các cơ quan chức năng “không đụng vào được”. “Mặc dù biết khi không giải trình được ngun gốc thì rõ ràng là tài sản bất minh, nhưng chúng ta cũng không thu hồi được. Nếu không có luật thì chỗ trống đó vẫn là khó khăn đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát”, ông Trí nói.

Biện pháp thứ 2, ông Trí kiến nghị Chính phủ cần có lộ trình cho việc hạn chế sử dụng tiền mặt ở mức tốt nhất, đặc biệt là trong xu hướng thanh toán trực tuyến hiện nay. Theo ông Trí, các hoạt động kinh tế phải minh bạch thì chống tham nhũng và thu hồi tài sản từ tham nhũng mới tốt được. “Nếu chúng ta có quyết tâm chính trị nhưng không có luật, vừa làm vừa lo, không thu thì không được, nhưng thu không đúng luật, người ta kiện thì rất khó”, ông Trí nói và cho rằng các cơ quan tiền tố tụng như thanh tra, kiểm tra muốn kê biên, phong tỏa nhưng muốn xác định đó có đúng là tài sản bất minh không thì phải có thời gian xác minh. “Trong quá trình chúng ta đang xác minh thì họ tẩu tán mất rồi”, ông Trí nêu hiện trạng, và cho rằng để thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả, cần giải quyết bằng các biện pháp đồng bộ, trong đó, căn cơ là phải có hành lang pháp lý.

Bịt những kẽ hở về pháp luật

Thời gian qua, hệ thống pháp luật của chúng ta còn quá nhiều kẽ hở, công tác quản lý cán bộ còn nhiều yếu kém là nguyên nhân dẫn tới tình trạng “lợi ích nhóm”, tiêu cực, tham nhũng ở nhiều lĩnh vực. Vừa rồi, ủy ban Kiểm tra T.Ư vừa kết luận, kỷ luật và đề nghị kỷ luật một loạt lãnh đạo từ các bệnh viện T.Ư lên tới  thứ trưởng, thậm chí là nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế.Trước đó, là một loạt lãnh đạo Cảnh sát biển VN, lãnh đạo ngành giáo dục... Điều đó cho thấy tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm” đã không còn chừa lĩnh vực nào, cấp bậc nào.

Để đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, trước hết cần phải rà soát để bịt những kẽ hở về mặt pháp luật, đặc biệt là quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nhạy cảm về kinh tế, đất đai. Chúng ta đã nói rất nhiều về việc này, nhưng làm chẳng bao nhiêu.

Thu hồi tài sản tham nhũng cần hiệu quả hơn

Công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có nhiều chuyển biến tích cực, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.Tuy nhiên, tới nay, vẫn còn hạn chế chưa khắc phục được là vấn đề thu hồi tài sản từ các đối tượng tham nhũng, tiêu cực còn rất thấp. Đây là vấn đề cần được mổ xẻ, tính toán thật kỹ.

Quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng cẩn phải sửa đổi làm sao để việc thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả, “đến nơi, đến chốn”. Cần có cơ chế để khuyến khích những đối tượng tham nhũng ăn năn, hối cải trả tài sản tham nhũng để được hưởng khoan hồng của pháp luật. Ngược lại, với những đối tượng ngoan cố, tìm cách tẩu tán tài sản thì phải xem xét như tình tiết tăng nặng. Trong phòng chống tham nhũng thì thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề người dân rất quan tâm. Nếu làm hiệu quả hơn công tác này sẽ tạo thêm lòng tin đối với người dân.

Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Thiệp “Tinh thần đổi mới đẩy lùi tham nhũng và tiêu cực”. Tạp chí Thanh niên 22/11/2021.
  2. Lê Quang Thưởng“Bịt những kẽ hở về pháp luật”.
  3. Phạm Văn Hoà“Thu hồi tài sản tham nhũng cần hiệu quả hơn”.
Bạn đang đọc bài viết Quyết tâm đẩy lùi tham nhũng tiêu cực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đắk Nông nhận Huân chương Độc lập hạng nhất
Tối 23/3, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 - 1/1/2024) gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Gia Nghĩa (23/3/1975 - 23/3/2024).
Ông Trần Hoàng Tuấn điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp và kết luận giao ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh.
Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thúy Lan
Sáng 21/3, tại kỳ họp bất thường lần thứ 6, khóa 15, Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; trong đó có việc xem xét bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.