Thứ sáu, 29/03/2024 12:31 (GMT+7)

'Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của thế giới!'

Khánh An -  Thứ hai, 18/06/2018 15:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo PGS. TS Trương Mạnh Tiến, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của thế giới.

“Thực trạng đáng lo ngại của môi trường Việt Nam hiện nay cho thấy, vấn đề quản lý chưa thật sự chặt chẽ, tạo kẻ hở cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp “lách luật” và có những hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” - đây là những nhận định của PGS. TS Trương Mạnh Tiến (Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, TBT Tạp chí Kinh tế Môi trường).

Theo PGS. TS Trương Mạnh Tiến: Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của thế giới. Ví dụ như những bãi xử lý tàu cũ để lấy nguyên liệu sản xuất thép đều trở thành những vùng đất chết. Bởi chất thải, dầu mỡ két lại của một số con tàu đã hoạt động sau ít nhất 40 – 50 năm, rất nhiều chất độc hại, nếu là tàu chở nguyên liệu hạt nhân, quặng chứa nguyên tố hạt nhân thì càng nguy hiểm. Nếu không quản lý được thì chắc chắn nước ta sẽ bị lợi dụng đưa rác thải về đây.

“Mặc dù có nhiều giải pháp, đầu tiên là các văn bản pháp luật, cao nhất là Luật bảo vệ Môi trường. Luật bảo vệ Môi trường đầu tiên năm 1993 có điều khoản rất chặt chẽ về việc cấm nhập khẩu rác. Năm 2005 chúng ta có Luật Bảo vệ Môi trường lần 2 gồm 136 điều. Đến năm 2014 có Luật Bảo vệ Môi trường lần thứ 3. Rồi dưới các Luật ấy là các nghị định, thông tư liên tịch,…

Như vậy là bước đầu tiên xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chúng ta đã làm rất chặt rồi, nhưng lại không hiệu quả. Bởi lẽ các điều khoản tuy chặt chẽ nhưng còn nằm trên giấy tờ, thực tế vẫn chưa được triển khai để đi vào cuộc sống” – Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhận xét.

PGS. TS Trương Mạnh Tiến phát biểu tại Buổi Hội nghị Ban chấp hành mở rộng Trung ương Hội kinh tế Môi trường Việt Nam.

PGS. TS Trương Mạnh Tiến cho biết thêm: “Dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, các công ty, tổ chức lấy danh nghĩa nhập một loại hàng hóa gì đó rồi xin cấp phép, nhưng thực chất trong đó là rác thải. Các nước họ phải bỏ tiền ra để xử lý, vậy mà ta lại “ôm” về đây.

Rất nhiều năm chúng ta đã phải xử lý những container rác bị giữ lại ở các cảng rồi. Lúc thuyết minh để được cấp phép nhập thì hăng hái lắm, điều kiện kho bãi lưu giữ, công nghệ xử lý đều có cả, nhưng thực tế lại không xử lý được.

Ví dụ điển hình, Formosa chưa đi vào hoạt động mà đã có những vấn đề rất nghiêm trọng về môi trường. Trên thực tế có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ở trong tình trạng như thế.

Đấy là tôi nói đến rác thải nhập về, còn rác tải trong nước mới khủng khiếp. Chỉ nói riêng về rác thải công nghiệp, tất cả các dự án nước ngoài, trong nước…đã khoanh ra tập trung thành khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Quy định rõ phải đảm bảo tất cả các điều kiện về xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, khí thải… mới được thải ra môi trường. Nhưng có làm được đâu”.

Theo PGS. TS Trương Mạnh Tiến, để xảy ra tình trạng lộn xộn như thế, xét cho cùng là do quản lý không chặt. Ngay cả các đơn vị có chức năng xử lý rác, được cấp phép hẳn hoi tức là phải có đủ năng lực để xử lý rác, nhưng rồi chính họ lại đi thuê tư nhân để làm việc đó. Tư nhân làm gì có điều kiện để xử lý!

Hoặc lại có hiện tượng rác thu về để chôn thì chỉ phủ sơ sài không xử lý, không có lớp lót để tránh nước rỉ rác… làm thành những vùng, những nguồn ô nhiễm sau mưa và nước thải ngấm sâu xuống các tầng nước dưới đất. Quản lý phải làm thật chặt và phải xử phạt như thế nào để người ta sợ, chứ nếu thấy mức xử phạt không đáng kể thì họ vẫn không sợ, vẫn bất chấp.  

Hiện tại có rất nhiều ý kiến chưa hài lòng với việc quản lý của ngành tài nguyên môi trường hiện nay. Tuy đã nỗ lực rất nhiều, thực hiện nhiều việc nhưng rõ ràng với thực tế còn xa mới đáp ứng được.

Từ 10/5/2018 theo Nghị định của Chính phủ, Tổng cục Môi trường được tăng cường lực lượng với 3 Cục bảo vệ môi trường phía Bắc, miền Trung – Tây Nguyên, và phía Nam. Hy vọng với cơ cấu tổ chức mới này sẽ làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Luật Bảo vệ môi trường 2014 cũng đang được Quốc hội đồng ý xem xét để hoàn thiện, bổ sung sửa đổi ngay, làm thế nào trong giai đoạn hiện nay quản lý được tốt hơn nữa. Thông điệp của chúng ta rất mạnh mẽ: Không hy sinh môi trường cho phát triển kinh tế!

Bạn đang đọc bài viết 'Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của thế giới!'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới