Thứ ba, 23/04/2024 17:26 (GMT+7)

Rác thải lấn biển, “nhấn chìm” đảo

MTĐT -  Thứ tư, 08/07/2020 16:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quá tải các bãi rác không chỉ là vấn đề nóng ở các đô thị lớn, mà đã thành vấn nạn nhức nhối ở cả vùng nông thôn, biển, đảo.

Rác thải ngập ngụa ở bãi biển Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Thanh Chung

Rác bủa vây danh thắng

Hơn 1km bờ biển xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) ngập tràn rác thải khó phân hủy vứt vô tội vạ. Theo cư dân địa phương, chính quyền xã Tam Hải rất ý thức được tác hại của rác thải nên thường xuyên phát động phong trào dọn rác. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, rác lại chất đống, bủa vây danh thắng ở xã đảo.

Ông Phạm Văn Giao (64 tuổi, xã Tam Hải) cho biết: “Không chỉ có rác từ ngoài biển, khu vực này còn là hạ nguồn của con sông Trường Giang, do đó một lượng rác không nhỏ trôi theo con nước rồi cũng tấp vào đây. Sông dài, chạy song song với biển, qua ít nhất 8 xã vùng cát Quảng Nam. Nên dân hạ lưu chúng tôi cũng không biết rác có địa chỉ cụ thể nơi nào. Lâu ngày, bờ biển chẳng khác nào bãi tập kết rác thải. Chúng tôi đang lo ô nhiễm đe dọa  nguồn lợi thủy sản ven bờ…“.

Nơi hạ nguồn sông Thu Bồn, thuộc xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên cũng ngập ngụa rác thải, môi trường bị “bức tử”. Theo người dân địa phương, ô nhiễm tồn tại ở cảng cá An Lương (xã Duy Hải) suốt cả chục năm nay. Rác từ thượng nguồn xuôi theo dòng nước tấp vào cảng, cộng  lượng rác do những người vô ý thức thải ra khiến khu vực ven bờ kè chẳng khác nào bãi tập kết rác thải.

Hằng ngày chứng kiến lượng rác ngồn ngộn tra tấn bầu không khí cảng cá, người dân sống ven bờ kè An Lương ngao ngán, bịt mũi kín mít vì bầu không khí ô nhiễm. Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải - cho biết, việc giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại cảng cá An Lương là cực kỳ khó. Hiện, công nhân môi trường chỉ thu gom rác thải được tập kết cố định ven các tuyến đường dân sinh; đối với rác thải dưới cảng cá, đặc biệt là ven tuyến bờ kè An Lương, thỉnh thoảng xã mới thuê người dân thu gom rồi đưa đi xử lý...

Tại Nha Trang, Khánh Hòa, nhiều rạn san hô đã và đang chết dần do biển ô nhiễm bởi rác thải, nguyên nhân có thể kể đến là các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, ý thức của người dân kém, sự phát triển rầm rộ của ngành du lịch biển nhưng không quan tâm đến việc bảo vệ môi trường thiên nhiên...

Hướng dẫn viên lặn biển, thợ lặn Nguyễn Hà Minh Trị (Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, hàng ngày anh cùng các thợ lặn vẫn thường xuyên dọn rác dưới đáy biển. “Những người thợ lặn như chúng tôi, mỗi khi nhặt được vài cọng rác, vài bịch nylon, vài vỏ chai và lon nước cũng chỉ là “nhặt từng hạt bụi trong sa mạc“, không thể nào làm sạch hết đáy biển”. Anh Trị và các thợ lặn ở Nha Trang cùng chung quan điểm: “Biển không cần con người giải cứu, nếu con người không xâm hại đến biển”. 

Khảo sát của PV tại cảng cá phường Vĩnh Trường (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa): Rác thải nhựa nổi lềnh bềnh khắp nơi trên biển, chủ yếu là thùng xốp, hộp đựng thức ăn, bình nhựa… Một người dân phường Vĩnh Trường cho biết, vùng biển ở đây ô nhiễm là do ý thức của ngư dân và người dân địa phương. Thay vì đưa rác vào bờ, cho vào thùng rác, để công nhân môi trường thu gom thì ngư dân “xả thẳng xuống biển”.

Rác thải ở bến cá An Lương xã Duy Hải. Ảnh: Thanh Chung

Cần có quy định nghiêm ngặt hơn

Ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, rác thải không còn là câu chuyện của riêng một địa phương,  phải tích cực vận động người dân ý thức chung tay bảo vệ môi trường. Hiện, tỉnh đã yêu cầu các huyện, các đoàn thể tích cực vận động tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Riêng đối với xã Tam Hải, việc vận chuyển rác từ đảo qua đất liền để xử lý gặp nhiều khó khăn. Theo ông Bửu, tỉnh đang xúc tiến đưa ra những quy chế để xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở Quảng Nam và đang nghiên cứu các giải pháp vận chuyển, xử lý rác ở đảo.

“Hiện, ở đảo Cù Lao Chàm, cuộc vận động không sử dụng túi nilon đã góp phần to lớn trong bảo vệ môi trường biển ở đây, người dân ý thức được tác hại và phân rác tại nguồn. Nhưng để làm được như Cù Lao Chàm cần rất nhiều thời gian, không phải một sớm một chiều là làm được” - ông Bửu nói.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tỉnh đã giao Sở TNMT xây dựng Đề án phân loại xử lý chất thải tại nguồn, hạn chế thấp nhất việc xả chất thải khó phân hủy ra môi trường. Hy vọng Luật bảo vệ môi trường sửa đổi mà Quốc hội mới thông qua sẽ có quy định nghiêm hơn về vấn đề này”.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng Ban quản lý (BQL) vịnh Nha Trang cho biết, hiện, Nha Trang còn một số khu vực vùng ven công ty môi trường đô thị chưa trực tiếp thu gom nên các xã, phường giao các tổ tự quản thu gom. Môi trường biển các khu vực này không đảm bảo thì trách nhiệm là của chính quyền sở tại. “BQL vịnh Nha Trang thường xuyên kiểm tra tại các khu du lịch và tour tuyến vận chuyển khách trên vịnh, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm tập kết rác đúng nơi quy định, hợp đồng thu gom rác với công ty môi trường đô thị” - ông Thái nói.

Đối với các tàu du lịch, đội vệ sinh môi trường của BQL vịnh Nha Trang và đoàn thanh niên các xã, phường ven biển tổ chức tour cùng đi với du khách, để vớt rác, nhằm nâng cao ý thức của du khách đối với môi trường biển Nha Trang. BQL vịnh Nha Trang đã phát vợt cho các tàu du lịch để khi có rác, họ và du khách cùng vớt rác đưa vào bờ. Tuy vậy, hướng dẫn viên lặn biển Nguyễn Hà Minh Trị cho rằng, tình hình rác thải nhựa dưới biển hiện nay vẫn vậy, chưa cải thiện được bao nhiêu. 

Trên vịnh Nha Trang, một nguồn rác thải nhựa khác là các bè nổi đón khách tự phát, không đảm bảo an toàn. Khi lên bè ăn uống, du khách vô tư xả rác thải xuống biển và không có một chế tài khắt khe nào để ngăn chặn.

Cách đây 2 năm, UBND tỉnh Khánh Hòa có chủ trương chấm dứt hoạt động bè nổi phục vụ khách du lịch ăn uống trên vịnh biển. Thế nhưng, chủ trương này dường như không đủ sức ngăn cản các nhà hàng nổi mọc lên. Ngay tại cửa biển Hòn Rớ (gần cầu Bình Tân, xã Phước Đồng, Nha Trang), những nhà hàng nổi vẫn công nhiên tồn tại, trong khi TP Nha Trang đã yêu cầu tháo dỡ từ cuối năm 2019. Những nhà hàng này không chỉ trái quy hoạch mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, cản trở tàu thuyền ra vào cảng Hòn Rớ...

Theo Thanh Chung - Nhiệt Băng/Báo Lao động

Bạn đang đọc bài viết Rác thải lấn biển, “nhấn chìm” đảo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới