Thứ bảy, 20/04/2024 12:58 (GMT+7)

Rừng Amazon bị cháy, đẩy nhanh quá trình nóng lên của Trái Đất

MTĐT -  Thứ hai, 26/08/2019 17:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đã hai tuần qua trôi qua, đến thời điểm này, rừng Amazon - khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và được mệnh danh là lá phổi của hành tinh vẫn đang oằn mình trong lửa.

Việc xảy ra những đám cháy ở rừng Amazon không phải là hiện tượng lạ. Tuy nhiên, hiện tượng này năm nay diễn ra vô cùng bất thường với gần 73.000 đám cháy chỉ trong chưa đầy tám tháng đầu năm, nhiều gần gấp đôi tổng cộng 40.000 đám cháy của cả năm 2018.

Nhiều chuyên gia môi trường đã lên tiếng quy một phần lớn trách nhiệm cho việc xảy ra cháy kinh hoàng ở rừng Amazon là vì chính phủ Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro không những không có chính sách bảo tồn môi trường mà còn làm lơ cho hành động phá rừng.

Trước áp lực của người dân và cả cộng đồng quốc tế, ngày 26/8, người đứng đầu chính phủ Brazil đã đưa máy bay vận tải cơ có số hiệu C-130 Hercules mang 12.000 lít nước mỗi lần cất cánh để tham gia chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã ra lệnh điều động lực lượng quân đội ở 7 bang đối phó với cháy rừng Amazon, đáp lại yêu cầu hỗ trợ từ các chính quyền địa phương, một phát ngôn viên chính phủ cho biết ngày 25/8.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh các lãnh đạo G7 đang họp tại Pháp và bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình cháy rừng Amazon ở Brazil. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua cho hay G7 sắp đạt được một thỏa thuận nhằm cung cấp "hỗ trợ tài chính và kỹ thuật" tới những quốc gia bị ảnh hưởng bởi cháy rừng.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi: “Rừng Amazon cần phải được bảo vệ bằng mọi giá”, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu chưa có những giải pháp hữu hiệu thì thế giới không thể chịu thêm những tổn thất đối với nguồn cung cấp oxy và đa dạng sinh thái. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng khẳng định cháy rừng Amazon là một "cuộc khủng hoảng quốc tế", đồng thời kêu gọi các quốc gia phát triển nhất thế giới chung tay giải quyết vấn đề này bởi "ngôi nhà chung của chúng ta đang cháy".

Trong ngày 24/8, trên toàn thế giới đã nổ ra hàng loạt cuộc biểu tình vì môi trường nói chung và vì rừng Amazon nói riêng. Những người biểu tình ôn hòa tập trung xung quanh đại sứ quán Brazil của nhiều nước trên thế giới với khẩu hiệu: “Hành tinh này xứng đáng được đối xử tốt hơn”.

Nhiều ngôi sao và các nhà hoạt động vì môi trường có tầm ảnh hưởng trên thế giới cũng đã lên tiếng về sự việc. Trên trang cá nhân chính thức của mình, Leonardo DiCaprio đã chia sẻ những hình ảnh của rừng Amazon với thông tin về các vụ hỏa hoạn cũng như những điều mà người hâm mộ của anh có thể làm để cứu lấy Amazon và chống biến đổi khí hậu.

“Nữ hoàng nhạc Pop” Madonna cũng chia sẻ hình ảnh về vụ cháy trên trang cá nhân của mình với dòng trạng thái: “Các đám cháy tiếp tục hoành hành tại Amazon. Đây là sự tàn phá đối với Brazil, người dân bản địa và các loại thực vật, động vật cũng như sự đa dạng sinh học quan trọng của khu rừng”.

Ít nhất 228 triệu tấn CO2 thải ra từ các vụ cháy tại Amazon

Được biết, cháy rừng tạo ra khói bụi và khí carbon lan rộng khắp lục địa. Từ đâu năm 2019, có ít nhất 228 triệu tấn CO2 thải ra từ các vụ cháy tại Amazon. Các nhà khoa học khẳng định rừng Amazon đóng vai trò quan trọng để điều hòa quá trình biển đổi khí hậu. Giờ rừng mất đi, trái đất sẽ nóng lên nhanh chóng. Ông Adriano Karipuna thuộc nhóm lãnh đạo bộ tộc da đỏ Karipuna cho biết: "Nếu tiếp tục mất rừng, sông Amazon cũng sẽ cạn khô".

"Lá phổi" hành tinh đang lâm nguy. 

Về phần nguyên nhân rừng Amazon bị cháy, các nhà môi trường học cho rằng trách nhiệm phần lớn thuộc về Tổng thống Brazil, ông Bolsonaro. Kể từ khi ông lên nắm quyền với các chinh sách muốn khai phá tiềm năng kinh tế của Amazon, tốc độ chặt phá rừng đã tăng đến 278%.

Các chuyên gia môi trường cho rằng vào mùa khô hằng năm vẫn thường xảy ra các vụ cháy ở rừng Amazon, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11, song số lượng và mức độ các đám cháy rừng trong năm nay tăng bất thường là một vấn đề đáng báo động.

Chuyên gia Paulo Moutinho thuộc Viện Nghiên cứu môi trường Amazon (IPAM) cho rằng số các vụ cháy rừng tăng đột biến trong năm nay chủ yếu là do tốc độ phá rừng của người dân địa phương để mở rộng diện tích trồng trọt và chăn nuôi. Theo các tổ chức bảo vệ môi trường, đây là "mặt trái" của chính sách khuyến khích khai phá tiềm năng rừng Amazon mà Tổng thống Jair Bolsonaro theo đuổi từ khi lên nắm quyền.

Con người phải trả giá đắt

Quy mô cháy rừng Amazon đe dọa nghiêm trọng tới môi trường sống của con người, đẩy nhanh quá trình nóng lên của Trái Đất và trực tiếp nhất là sự da dạng sinh thái của khu vực luôn được biết đến dưới cái tên “Lá phổi xanh của hành tinh”. Nhà nghiên cứu môi trường Roberto Palmieri cho rằng rừng Amazon sẽ phải mất nhiều thập niên để có thể khôi phục được hệ sinh thái bị hủy hoại do cháy rừng, thậm chí một số loại thực vật có thể mất cả thế kỷ cho quá trình hồi phục và chưa chắc đã có được lại sự đa dạng như trước đây.

Trong khi đó, kỹ sư nông nghiệp Gabriel Ribeiro Castellano thuộc trường Đại học Sao Paulo đánh giá, khu rừng Amazon có cấu trúc và các loài thực vật với chức năng sinh thái khác nhau. Các cây cổ thụ đem lại bóng mát cho các loài thực vật khác nếu bị tàn phá sẽ phải mất cả nghìn năm để có lại được. Không những vậy, các loài động vật sinh sống ở Amazon cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hàng nghìn con vật bị chết cháy vì không thể thoát khỏi các đám lửa. Số khác có thể thoát được nhưng với việc môi trường sống bị hủy hoại thì chúng cũng có thể sẽ bị diệt vong vì nhiều loài chỉ có thể tồn tại ở vùng rừng Amazon.

Những hình ảnh ám ảnh về những vụ cháy rừng ở Amazon.

Các chuyên gia cũng cho rằng với vai trò quan trọng trong việc điều tiết nhiệt độ và độ ẩm của Trái Đất, việc phá hủy rừng Amazon sẽ làm biến đổi cảnh quan và cơ chế mưa trong khu vực, làm gia tăng phát khải thí gây hiệu ứng nhà kính với những hậu quả khôn lường mà loài người sẽ phải trả giá nếu không có những giải pháp hữu hiệu cụ thể. Đây là bể chứa khí carbon dioxide lớn nhất thế giới và được xem là "tấm khiên sống" bảo vệ Trái Đất trước sự nóng lên toàn cầu. Nhà khoa học Carlos Nobre cảnh báo rằng trong kịch bản xấu nhất, các vụ cháy rừng Amazon có thể khiến 200 tỷ tấn carbon dioxide đổ vào bầu khí quyển, khiến mục tiêu giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2 độ C càng khó thực hiện.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Rừng Amazon bị cháy, đẩy nhanh quá trình nóng lên của Trái Đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ