Thứ tư, 24/04/2024 19:43 (GMT+7)

Sai phạm công viên nước Thanh Hà: Kiến nghị kỷ luật lãnh đạo quận

MTĐT -  Thứ tư, 27/05/2020 17:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thanh tra Hà Nội vừa ban hành kết luận thanh tra trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và quá trình xử lý cưỡng chế tại Công viên nước Thanh Hà tại khu đô thị Thanh Hà.

Công trình không phép, sai quy hoạch

Thanh tra Hà Nội vừa ban hành kết luận thanh tra trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và quá trình xử lý cưỡng chế tại Công viên nước Thanh Hà tại khu đô thị Thanh Hà do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 11/2018 và đến 10/6/2019 hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Ngày 6/12/2018, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hà Đông (Đội TTXD) phối hợp Phòng quản lý đô thị và UBND phường Phú Lương, quận Hà Đông kiểm tra, phát hiện Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 xây dựng công viên nước tại ô đất A2.2-CCĐT01 không có giấy phép xây dựng.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu dừng ngay mọi hoạt động thi công vi phạm. Tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành và tiếp tục xây dựng công viên nước, rồi đưa vào sử dụng.

Công viên nước Thanh Hà xây dựng không phép và chiếm dụng đất quy hoạch cây xanh, công cộng

Ngày 27/11/2019, UBND quận Hà Đông ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp buộc chủ đầu tư tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm tại ô đất A2.2 - CCĐT01.

Sau thời hạn 15 ngày, chủ đầu tư công viên nước Thanh Hà chỉ thực hiện tháo dỡ mái che của 4 hạng mục.

Đến ngày 24/12/2019, UBND quận Hà Đông tiếp tục ra văn bản đôn đốc chủ đầu tư tự tháo dỡ công trình vi phạm; ngày 30/12/2019, UBND phường Phú Lương cũng gửi văn bản “chốt” thời hạn cho chủ đầu tư tự khắc phục hậu quả đến hết ngày 10/1/2020.

Kết quả thanh tra cũng cho thấy, ngoài sai phạm về xây dựng không phép, Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 đã xây 19 hạng mục công trình trên diện tích hơn 31.000 m2 thuộc 3 ô đất đã được quy hoạch là đất công cộng, khu ở; đất cây xanh thể dục thể thao (A2.2 - CCĐT01; A2.2 - CXĐT01; một phần A2.1 CXĐT01) và một phần đường giao thông nội bộ khu đô thị.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, các ô đất nêu trên sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật phải bàn giao cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã ngang nhiên biến phần đất này thành dự án công viên nước. Thanh tra Hà Nội kết luận chủ đầu tư đã vi phạm Luật Đất đai năm 2013 và Luật Xây dựng năm 2014.

Quận thiếu trách nhiệm, phường cố ý để công trình vi phạm

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ trách nhiệm của chính quyền từ UBND phường Phú Lương, UBND quận Hà Đông và Đội TTXD.

Theo đó, Đội TTXD đã buông lỏng quản lý, không phát hiện và xử lý vi phạm của chủ đầu tư (xây dựng không có GPXD); không phát hiện công trình xây dựng không phù hợp quy hoạch, không đúng vị trí; không đề xuất UBND quận ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính khắc phục hậu quả…

Đội TTXD có dấu hiệu làm chiếu lệ, để công trình vi phạm được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng, sau này phải cưỡng chế phá dỡ, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý nhà nước” – Kết luật thanh tra nêu.

Đối với UBND phường Phú Lương đã không chủ động kiểm tra hoạt động xây dựng, không tiến hành đình chỉ xây dựng đối với chủ đầu tư theo chỉ đạo của quận dẫn đến hành vi vi phạm không bị xử lý, không bị năng chặn để công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng…

Theo Thanh tra TP, UBND phường đã cố ý không thực hiện chức trách nhiệm vụ, để công trình vi phạm được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, sau này phải cưỡng chế phá dỡ, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý nhà nước.

UBND quận Hà Đông đã có văn bản chỉ đạo Đội TTXD, UBND phường thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm và tổ chức lực lượng đình chỉ nghiêm túc đối với công trình nhưng các đơn vị không nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên UBND quận cũng không sát sao đôn đốc, không có biện pháp cương quyết buộc đội TTXD và UBND phường tiến hành ngăn chặn, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm dẫn đến vi phạm của chủ đầu tư không bị xử phạt, không bị ngăn chặn, công trình vi phạm vẫn được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, UBND quận đã thiếu trách nhiệm trong quản lý về quy hoạch xây dựng, đất đai dẫn đến không phát hiện và kịp thời xử lý hành vi chủ đầu tư xây dựng công viên nước không phù hợp quy hoạch, sử dụng đất không đúng mục đích.

Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân

Thanh tra TP kiến nghị UBND TP chỉ đạo quận Hà Đông tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tồn tại, sai phạm trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và tổ chức cưỡng chế công viên nước Thanh Hà, báo cáo thành phố kết quả thực hiện trong tháng 6/2020.

Trách nhiệm cá nhân thuộc về ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông phụ trách đô thị; ông Đào Quang Vinh Hiển - Phó trưởng Phòng quản lý đô thị quận. Chủ tịch UNBD quận Hà Đông cũng có phần trách nhiệm vì chưa xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ có liên quan đến xây dựng trái phép công viên nước…

Đồng thời, Thanh tra TP kiến nghị UBND TP giao Sở Tài nguyên Môi trường kiểm tra làm rõ việc các ô đất công cộng, cây xanh thuộc khu đô thị Thanh Hà sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật phải bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, báo cáo đề xuất UBND TP phương án xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó yêu cầu Cienco 5 Land nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời nghiêm khắc rút kinh nghiệm đối với các sai phạm.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Sai phạm công viên nước Thanh Hà: Kiến nghị kỷ luật lãnh đạo quận. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.