Thứ sáu, 19/04/2024 05:15 (GMT+7)

Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải: Chậm trễ đến bao giờ?

Văn Chương -  Thứ hai, 11/02/2019 14:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày cao điểm, sân bay Tân Sơn Nhất đón khoảng hơn 142.000 hành khách. Việc tắc nghẽn diễn ra cả ở trên trời, đường băng và ga hành khách.

Chậm, hủy chuyến như “cơm bữa” vì quá tải từ trên trời xuống dưới đất

Việc quy hoạch, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đã được Bộ GTVT bàn bạc, mổ xẻ từ lâu. Bởi cứ đến ngày cao điểm như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, sân bay Tân Sơn Nhất lại quá tải. Tình trạng chậm, hủy chuyến xảy ra thường xuyên như cơm bữa.

Vào cuối tháng 8 năm 2018, Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, quy hoạch vẫn đang nằm trên giấy thì thực tế, phi trường này phải gồng mình để phục vụ số lượng hành khách, chuyến bay tăng nhanh.

Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải từ trên trời xuống dưới đất. Ảnh Zing.vn.

Theo số liệu của Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) dự kiến từ ngày 20/1 đến 19/2 (15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng), sân bay sẽ phục vụ hơn 4 triệu lượt khách. Trung bình mỗi ngày có hơn 134.200 người đi và đến sân bay, tăng khoảng 17.500 lượt so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, tần suất bay trung bình đạt 820 lượt chuyến mỗi ngày, tăng 70 chuyến so với Tết năm 2018. Các hãng hàng không trong nước cũng ước tính tăng 8-10%. Đây là một gánh nặng lớn đối với sân bay vốn đã quá tải này.

Theo đại diện Cảng vụ Hàng không Miền Nam, ngày 2/2 (28 tháng Chạp), có đến 900 lượt máy bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày mùng 6 Tết (20/2), cũng có đến gần 900 lượt máy bay cất  hạ cánh. Tình trạng chậm, hủy chuyến trước đây vốn đã phức tạp thì nay càng trở nên căng thẳng hơn.

Hệ lụy chắc hẳn nhiều người có thể mường tượng ra, trung bình tại sân bay Tân Sơn Nhất có gần 90 chuyến bay bị trễ giờ mỗi ngày. Trong đó, trung bình VietJet Air 51 chuyến/ngày; Jetstar 20 chuyến/ngày, VNA 16 chuyến/ngày.

Một chuyên gia hàng không nói: “Vẫn biết sau này sân bay Long Thành sẽ “chia lửa” với Tân Sơn Nhất nhưng không biết Long Thành bao giờ mới xong. Để Tân Sơn Nhất tắc từ trên trời xuống dưới đất như thế này không biết Bộ GTVT có sốt ruột. Chứ người dân thì khổ lắm rồi”.

“Đốt” hàng trăm tỷ vì bay chờ trên trời

Còn nhớ, năm 2016, sự quá tải tại các sân bay, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất - TP.HCM đã làm tăng giờ bay thực tế của Vietnam Airlines lên khoảng 1.392 giờ so với kế hoạch, đẩy chi phí khai thác của hãng này tăng thêm khoảng 188 tỷ đồng.

Một cựu phi công khẳng định nếu giảm được 5 phút bay/chuyến thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, nghịch lý hiện nay là mỗi chuyến bay đang phải tăng thời gian lên 15 phút do quá tải tại Tân Sơn Nhất, do đó chi phí “đội” lên sẽ tăng gấp 3 lần chi phí “tiết kiệm” được.

Đơn cử như đối với đường bay trục Hà Nội – TP.HCM, thời gian bay trung bình là 1 tiếng 30 phút, nhưng do mất thời gian chờ trước khi khởi hành và bay chờ ở trên trời trước khi hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất đã kéo dài thời gian khai thác một chuyến bay lên 1 tiếng 45 phút hoặc 2 tiếng.

Khi phải bay chờ trên trời, tùy loại máy bay mà chi phí vận hành sẽ tăng lên từ 8.000 - 12.000 USD/giờ. Ảnh Zing.vn.

Theo tính toán, khi phải bay chờ trên trời, tùy loại máy bay mà chi phí vận hành sẽ tăng lên từ 8.000 - 12.000 USD/giờ, trong khi đó lượng dầu sẽ tiêu hao thêm khoảng 2-3 tấn dầu/chuyến bay.

Vậy, thời gian qua, các hãng hàng không đã “đốt” bao nhiêu tiền vì bay chờ trên trời do sân bay Tân Sơn Nhất quá tải. Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là điều cần kíp, phải gấp rút thực hiện. Hiện đã là trung tuần tháng 2/2019, nếu theo đúng lộ trình sẽ phải hoàn thành nhà ga T3 vào năm 2020. Tuy nhiên, không hiểu sao ngành giao thông vẫn chậm trễ và chưa thực hiện các phương án tối ưu để xây dựng, mở rộng Tân Sơn Nhất.

Người dân đặt câu hỏi đến bao giờ sân bay Tân Sơn Nhất mới được “giải cứu”, đến bao giờ người dân thoát khỏi nỗi khổ chậm, hủy chuyến?

Tổng diện tích đất của CHK Tân Sơn Nhất theo quy hoạch điều chỉnh 791,00 ha (không bao gồm diện tích đất quốc phòng trực tiếp quản lý), trong đó: diện tích đất CHK Tân Sơn Nhất hiện hữu là 545,10 ha, diện tích đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ 19,79 ha, diện tích đất quốc phòng liên danh vói hàng không dân dụng 18,80 ha, diện tích đất quy hoạch bố sung phía Nam 35,66 ha, diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Bắc 171,65 ha.

Bạn đang đọc bài viết Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải: Chậm trễ đến bao giờ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.