Thứ năm, 28/03/2024 18:49 (GMT+7)

Sản phẩm làm từ tre thân thiện với môi trường

MTĐT -  Thứ tư, 22/07/2020 15:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Như chúng ta đã biết, rác thải nhựa mất đến hàng trăm năm để phân hủy, trong quá trình tồn tại ở ngoài môi trường nó đem lại rất nhiều mối nguy hại cho sức khỏe con người cũng như hệ sinh thái.

Bảo vệ môi trường từ hành động nhỏ nhất

Hưởng ứng lời kêu gọi chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và thực hiện kế hoạch số 4058/KH-UBND ngày 06/9/2019 của UBND tỉnh Quảng Trị về giảm thiểu sử dụng và phòng chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, từ năm 2018, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) đã hỗ trợ một số hộ dân ở các thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng), thôn Cù Bai (xã Hướng Lập) và thôn Tà Puồng (xã Hướng Việt), huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị sản xuất một số sản phẩm từ cây tre để cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Đây là một sáng kiến hướng đến cộng đồng góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, sang sử dụng các sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường, đồng thời tạo cơ hội phát triển sinh kế cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô ở tỉnh Quảng Trị.

Từ những khu rừng trên vùng núi cao Hướng Hóa - Quảng Trị, những cây tre, lồ ô, luồng, len xanh, đã trở thành những đồ dùng hữu ích, đồ lưu niệm xinh xắn, nhờ bàn tay khéo léo của những thanh niên người Vân Kiều. Đó là những chiếc ống hút, hộp đựng bút, ống đựng nến sáp và bộ dao, thìa, nĩa, hộp trà, hộp tăm, ly uống nước…nhỏ gọn, độc đáo gọi tên là sản phẩm KRƠNG AHO. Tất cả đều làm từ tre, vừa thân thiện với môi trường, vừa đảm bảo cho sức khỏe con người.

Sản phẩm KRƠNG AHO từ tre.

Cây Len xanh sau khi khai thác về, các hộ dân người Vân Kiều, Pa Cô sử dụng máy cắt do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam hỗ trợ, cắt từng đốt, luộc vô trùng trong 5 - 6 giờ đồng hồ với một ít muối và vôi. Sau khi luộc, len xanh được cạo hết lớp tinh trên bề mặt và chùi hết lớp phấn bám bên trong lòng ống, phơi nắng trong 2 - 3 ngày rồi mài nhẵn hai đầu ống và bó thành từng bó nhỏ để cung ứng cho thị trường. Sau khi thành phẩm, ống hút có mặt ngoài màu vàng sáng, nhẵn bóng, mặt trong được làm sạch, khi sử dụng có mùi thơm tự nhiên dễ chịu. Ống hút sử dụng để uống nước hay uống sinh tố, trà sữa, nước mía… 

Sở dĩ hiện nay sản phẩm ống hút tre chưa được người tiêu dùng trong nước sử dụng nhiều vì nhiều nơi cho rằng, chi phí cho loại ống hút bằng tre cao hơn so với sản phẩm bằng nhựa nên còn e ngại khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, với mức giá từ 1000 – 3000 đồng/ống hút và được sử dụng khoảng từ 2-3 lần (được vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng) thì chi phí sẽ không cao hơn so với sản phẩm nhựa, trong khi đó sản phẩm bằng tre, nứa hoàn toàn tự nhiên vừa tốt cho sức khỏe và bảo vệ được môi trường.

Việc sản xuất những sản phẩm này đòi hỏi sự tỉ mỉ, sáng tạo, tinh tế và sự chịu khó của người sản xuất. Bù lại, khi xuất hiện trên thị trường, những sản phẩm này được người tiêu dùng rất ưa thích và đánh giá cao, đặc biệt là với khách nước ngoài. Hiện nay, Hội An Roastery, một doanh nghiệp tại Quảng Nam là đơn vị bao tiêu những sản phẩm này để bán phục vụ khách nước ngoài đến tham quan du lịch tại Phố cổ Hội An.

Phát triển sinh kế cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số

Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, ống hút từ thân cây len xanh đã tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Hướng Phùng, hiện nay thôn Chênh Vênh có 10 hộ tham gia sản xuất ống hút từ cây len xanh. Các hộ dân trong thôn sản xuất trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, đạt sản lượng khoảng 50.000 ống, với giá thành từ 1000 – 3000 đồng/ống, các hộ dân đạt doanh số khoảng 100 triệu đồng/năm, 10 triệu đồng/hộ.

Nhìn những đôi tay chai sần đã quen với việc làm nương, làm rẫy nay miệt mài sáng tạo những sản phẩm từ tre, những gương mặt sạm nắng giãn ra với nụ cười vui mà trong lòng người viết dâng lên bao bồi hồi, xúc cảm. Ngày mai, các sản phẩm tre kia của bà con sẽ được chuyển về phố xá, ra nước ngoài, thu nhập của bà con sẽ khấm khá và đều đặn hơn nhiều lần những vụ mùa trên nương rẫy nhờ trời. Những sản phẩm từ cây tre đang thực sự góp phần thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô ở miền núi Quảng Trị.

Phụ nữ Vân Kiều, Pa Cô gia công ống hút tre

Chị Hồ Thị Xăng, một thành viên trong nhóm sản xuất ở thôn Chênh Vênh cho biết việcđược hỗ trợ sản xuất ống hút tre mang đến niềm hy vọng đổi thay về kinh tế. Chị Xăng bảo, trước đây, hai vợ chồng ngoài đi làm rẫy, đi rừng thì ai kêu gì làm nấy. Đầu tắt mặt tối cả ngày nhưng không đủ ăn. Con cái nhỏ nên chị phải ở nhà chăm con, gánh nặng dồn lên vai chồng, chuyện thiếu đói thường xuyên diễn ra. “Tuy việc làm ống hút tre khá công phu, đòi hỏi tuân thủ các bước để đảm bảo đẹp, vệ sinh, đúng kích thước, nhưng làm nhiều rồi thành quen. Giờ chỉ cần siêng năng thì tháng nào cũng kiếm ra tiền từ việc làm ống hút tre”, chị Xăng bộc bạch.

Cách làm ăn mới không chỉ giúp những người phụ nữ như chị Xăng tìm ra phương kế đổi thay đời sống kinh tế mà còn giúp “kéo” nhiều người đàn ông ra khỏi bàn rượu, lên rừng chặt tre về sản xuất ống hút.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Điều phố viên dự án của Văn phòng Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tại Quảng Trị, để tạo điều kiện cho các hộ dân thôn Chênh Vênh tham gia mô hình, ngoài hỗ trợ toàn bộ hệ thống nhà xưởng, máy móc, tập huấn về các kỹ năng, kỹ thuật sản xuất ống hút len xanh, Ủy ban Y tế Hà Lan còn chủ động liên hệ với doanh nghiệp Hội An Roastery ở Hội An, tỉnh Quảng Nam thu mua, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân.

Trong tương lai gần, MCNV tiếp tục giúp các nhóm sản xuất tăng cường kết nối đến các thị trường trong nước và ngoài nước. Hiện nay, song song với hoạt động sản xuất, các hộ cũng chú trọng đến việc phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt là trồng thêm cây len xanh ở các khu vực đồi núi gần nhà. Hiện đã có 20 hộ gia đình ở 3 xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập tham gia sản xuất các sản phẩm từ tre. Đây là giải pháp thiết thực, vừa giúp bà con tăng thu nhập, vừa góp tích cực cho thị trường sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. “Thời gian tới, chúng tôi giúp bà con phát triển vùng nguyên liệu tre, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện năng suất sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng liên kết thị trường”, một cán bộ dự án của MCNV cho biết thêm.

Nhóm bạn trẻ người dân tộc Vân Kiều đang gia công sản phẩm từ tre

Đặc biệt sản phẩm tre KRƠNG AHO còn là thực hiện Dự án tạo công ăn việc làm cho các bạn thanh niên người dân tộc Vân Kiều (tỉnh Quảng Trị) do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tài trợ. Được thành lập từ cuối năm 2018, đến nay đã có 3 nhóm sản xuất sản phẩm tre với 3 cơ sở sản xuất lần lượt tại thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng), thôn Tà Puồng (xã Hướng Việt) và thôn Cù Bai (xã Hướng Lập). Mang trong mình khát khao vượt qua cái nghèo đói, vượt qua phong tục lạc hậu,… các nhóm đều có tay nghề cao và được trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động sản xuất, đảm bảo tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Càng ngày, sản phẩm KRƠNG AHO càng khẳng định được vị thế của mình khi liên tục xuất hiện trong các Hội thảo về Quản lý rừng bền vững do Uỷ ban Y tế Hà Lan (MCNV) và Hội Chứng chỉ rừng tỉnh Quảng Trị, Hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Quảng Trị vào ngày 29/6/2020 tại Sepon Resort (Cửa Việt, Quảng Tri), Hội trại Sa Mù ngày 4-5/7/2020, v.v..

Những sản phẩm tinh tế làm từ tre mới đây đã theo chân những bạn trẻ Vân Kiều góp mặt tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch tại thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị). 
Những sản phẩm tinh tế làm từ tre mới đây đã theo chân những bạn trẻ Vân Kiều góp mặt tại Hội trại Sa Mù ( Hướng Hóa- Quảng Trị)

Sản phẩm tre KRƠNG AHO của các bạn trẻ người dân tộc Vân Kiều đã được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng góp phần quan trọng lan tỏa phong trào “Nói không với rác thải nhựa”, “Sống xanh” bảo vệ môi trường sạch đẹp hơn.

 Tác giả: Lê Thị Thu Thanh

Địa chỉ: Đội 2 - Bích Khê - Triệu Long - Triệu Phong - Quảng Trị

Email: [email protected]

Mobiel: 0949694135

Bạn đang đọc bài viết Sản phẩm làm từ tre thân thiện với môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giải bài toán rác thải ở Bắc Ninh
Theo kế hoạch từ 2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.
Thú quý trở về và thông điệp xanh
Thời gian gần đây, ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác, người dân liên tiếp phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm như voọc Hà Tĩnh, lửng lợn Đông Dương, mang Trường Sơn, gà lôi trắng, khỉ mốc, rùa sa nhân...

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.