Thứ bảy, 20/04/2024 04:57 (GMT+7)

Sản xuất vải thiều ở Bắc Giang: Tuân thủ quy trình, thuận đầu ra

MTĐT -  Thứ ba, 15/02/2022 09:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để vải thiều đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, cùng với hỗ trợ, phối hợp người trồng vải thực hiện đúng quy trình chăm sóc, cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương tích cực rà soát, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Cán bộ bám mã, nông dân bám vườn

Hơn chục ngày nay, ngày nào anh Vũ Văn Mến, thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) cũng có mặt tại vườn vải của gia đình để cắt tỉa cành, theo dõi tình hình sâu bệnh.

Được biết, ngay khi có kế hoạch cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, anh Mến cùng 6 hộ khác ở xã Quý Sơn đăng ký và được cấp mã số 9 với tổng diện tích 10,8 ha.

Bắc Giang, tuân thủ, quy trình, vải thiều, hỗ trợ, cơ quan, địa phương
Lãnh đạo UBND xã Phúc Hòa (Tân Yên) kiểm tra tình hình chăm sóc vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản.

Toàn bộ 2,3 ha vải thiều của gia đình được chăm sóc theo đúng quy trình của đối tác, mọi công đoạn được ghi lại đầy đủ thông qua sổ nhật ký. Đồng hành cùng gia đình, cán bộ khuyến nông xã thường xuyên đến tận vườn kiểm tra, hướng dẫn quy trình chăm sóc, kịp thời khuyến cáo sử dụng các loại thuốc khi có dấu hiệu sâu bệnh.

“Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên vụ vải thiều trước, gia đình tôi đã có sản phẩm xuất sang thị trường Nhật Bản với giá bán khá cao, số còn lại cũng được tiêu thụ thuận lợi. Năm nay gia đình thí điểm sản xuất 0,8 ha vải thiều theo hướng hữu cơ và có liên kết bao tiêu”, anh Mến nói.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có hơn 28 nghìn ha vải thiều, trong đó có hơn 50% đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu. Trong đó, thị trường Trung Quốc 135 mã với tổng diện tích hơn 15 nghìn ha; thị trường Nhật Bản 30 mã (230 ha) và thị trường Mỹ, EU có 18 mã (218 ha).

Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương nắm bắt quá trình phát triển, diễn biến của sâu bệnh, cử cán bộ phụ trách từng địa phương. Cán bộ chuyên môn của huyện, khuyến nông xã bám vườn, kịp thời hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các quy trình.

Tại xã Phúc Hòa (Tân Yên), cùng với hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho người trồng vải, UBND xã giao cán bộ khuyến nông hỗ trợ nông dân mua thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục được phép sử dụng theo yêu cầu của phía Nhật Bản, tránh tình trạng sử dụng thuốc khác làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm.

Được biết, toàn xã có khoảng 630 ha vải thiều sớm, trong đó 15 ha trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Để tăng sản lượng vải thiều đi Nhật, xã đề nghị cấp thêm 10 ha, đồng thời kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

“Mạnh tay” giữ chất lượng sản phẩm

Thực tế, để quản lý chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương đã đưa ra các giải pháp “mạnh tay”. Ví như UBND xã Phúc Hòa yêu cầu thành viên trong các mã vùng cam kết thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, hộ nào vi phạm buộc phải ra khỏi mã vùng trồng.

Hay như tại huyện Lục Ngạn, khắc phục tình trạng cho mượn, trao đổi, dùng chung mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong quá trình xuất khẩu, UBND huyện đang tính toán, bố trí kinh phí in tem để cấp cho cơ sở đóng gói. Mỗi cơ sở chỉ nhận được số tem tương ứng với diện tích vùng trồng đã được cấp phép. Cùng đó yêu cầu các cơ sở kinh doanh thùng xốp sản xuất đúng, đủ số lượng cho các cơ sở đóng gói.

Toàn tỉnh có hơn 28 nghìn ha vải thiều, trong đó có hơn 50% đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, trong đó, thị trường Trung Quốc có 135 mã với tổng diện tích hơn 15 nghìn ha; thị trường Nhật Bản có 30 mã (230 ha) và thị trường Mỹ, EU có 18 mã (218 ha). Cùng đó, toàn tỉnh hiện có 300 cơ sở đóng gói đáp ứng quy định xuất khẩu, tập trung ở huyện Lục Ngạn (237 cơ sở), còn lại ở các huyện: Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên và TP Bắc Giang.

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Việc cấp tem sẽ chấm dứt tình trạng có doanh nghiệp xuất khẩu số lượng lớn, vượt quá sản lượng theo mã vùng đã được cấp, bảo đảm công bằng cho các đơn vị khác.

Trong khi đó việc giao chỉ tiêu sản xuất thùng xốp sẽ bảo đảm đủ lượng thùng xốp cho các mã vùng trồng, ngăn ngừa tình trạng găm hàng, tăng giá khi bước vào “cao điểm” thu hoạch”.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện tỷ lệ vải thiều sớm ra hoa đạt gần 100% diện tích, vải chính vụ đạt khoảng 75%.

Để chủ động cho vụ vải thiều, nhất là vải thiều xuất khẩu, mới đây Tổ công tác kiểm tra, cảnh báo những tồn tại trong quản lý mã vùng trồng, cơ sở đóng gói của Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành kiểm tra thực tế tại các địa phương.

Qua đó phát hiện một số tồn tại, hạn chế như: Tại nhiều vườn, trưởng mã, chủ hộ thực hiện chưa nghiêm các quy định của nước nhập khẩu; việc cập nhật sổ nhật ký canh tác cũng chưa nghiêm; một số cơ sở đóng gói chưa thống nhất quy trình vận chuyển từ vườn đến nhà xưởng.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nói: “Để vải thiều rộng đường xuất khẩu, cùng với nhắc nhở, hướng dẫn bà con tuân thủ yêu cầu của các nước ngay tại vườn, ngành đang tính toán đề xuất Cục Bảo vệ thực vật điều chỉnh các mã vùng trồng cho phù hợp, bảo đảm mỗi mã chỉ từ 50-100 ha. Khi đó việc quản lý sẽ thuận lợi hơn, mỗi thành viên trong các mã cũng sẽ trách nhiệm hơn trong quản lý, bảo vệ mã vùng của mình” .

Bạn đang đọc bài viết Sản xuất vải thiều ở Bắc Giang: Tuân thủ quy trình, thuận đầu ra. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo baobacgiang.com.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...