Thứ năm, 18/04/2024 07:40 (GMT+7)

Sáng kiến chống rác nhựa từ những bà nội trợ

PHAN NGÂN -  Chủ nhật, 11/08/2019 16:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bằng những sáng kiến hay và việc làm cụ thể, Chi hội Phụ nữ số 5, phường Xuân La đang tích cực triển khai các mô hình hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần nhằm chống rác thải nhựa.

Sáng kiến độc đáo của chi hội trưởng

Sáng nào cũng vậy, bà Nguyễn Thị Túc (phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) lại xách chiếc làn nhựa ra chợ gần nhà để mua thực phẩm. Những người bán hàng có lẽ đã vốn quen với việc không dùng túi nilon của cô. Chỉ khi mua thịt, cá hay tôm, đậu là phải đựng vào túi nilon mang về, còn lại rau củ, bà Túc hoàn toàn không sử dụng túi nilon mà sử dụng chiếc làn nhựa độc đáo của mình.

Chia sẻ về thói quen mang làn đi chợ, bà cho hay: “Dù đi làm hay đi chợ, tôi đều sử dụng chiếc làn nhựa để không phải dùng đến túi nilon, vừa gọn lại vừa góp phần bảo vệ môi trường, tôi thấy nó cũng rất đẹp".

Điều đặc biệt của chiếc làn này là quy trình sản xuất ra chúng. Chiếc làn được làm hoàn toàn bằng tay và sử dụng vật liệu tái chế là các dây nhựa buộc hàng bỏ đi của đại lý nước. Bà Túc chính là người khởi xướng ra ý tưởng độc đáo này từ gần 10 năm trước - khi cô bắt đầu nhận nhiệm vụ làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 5, phường Xuân La. 

Dù đi làm hay đi chợ, các bà nội trợ ở Chi hội phụ nữ số 5, phường Xuân La đều mang theo chiếc làn nhựa do chính tay mình làm.

"Sau khi nhận nhiệm vụ làm chi hội trưởng, tôi nhận thấy vấn đề môi trường rất quan trọng đối với tương lai sau này. Ngoài việc làm cho phố phường xanh - sạch - đẹp, nhưng túi nilon của người dân đi chợ sẽ rất nguy hiểm, ngoài việc tuyên truyền không sử dụng túi nilon thì còn rất nhiều giải pháp.

Rất may khi gần khu dân cư chúng tôi có đại lý nước, hàng ngày tôi đi qua đó thấy họ bỏ ra rất nhiều dây buộc hàng, tôi thấy rất lãng phí nhưng chưa nghĩ ra sẽ làm gì, mà dây này lại rất bền, đẹp nếu đan rổ rá thì người thành phố ít dùng.

Sau đó tôi đi chợ, thấy họ xách làn nhựa mua ở các cửa hàng, vậy nên từ đó mới xuất phát ý tưởng sử dụng làn nhựa từ dây buộc hàng" - bà tâm sự.

Từ nhận thức bảo vệ môi trường của người chi hội trưởng, các hội viên của Chi hội phụ nữ số 5 chung tay ra sức thực hiện mô hình sử dụng làn nhựa tái chế. Đến nay, hình ảnh những người phụ nữ xách làn nhựa đan từ dây buộc hàng đã trở nên quen thuộc đối với người dân nơi đây. Nhờ đó, lượng túi nilon sử dụng cũng giảm đi đáng kể.

Khắc phục những khó khăn

Mặc dù ý tưởng của bà Túc là một sáng kiến rất thiết thực, thế nhưng để tuyên truyền và vận động tất cả người dân, đặc biệt là các bà nội trợ học làm làn nhựa tái chế để sử dụng thay thế túi nilon là điều không đơn giản.

"Để làm nên những chiếc làn nhựa đủ sắc màu cũng không dễ, bởi dây nhựa buộc hàng thường rất cứng, sau khi thu gom dây nhựa về, chúng tôi đem ngâm xà phòng, giặt sạch, phơi khô, cắt bỏ những đoạn hỏng, xơ, gãy, rồi tính toán sao cho màu sắc khi đan xen hợp lý để tạo nên một chiếc làn vừa bền, vừa đẹp mắt" - bà Túc chia sẻ. 

Sản phẩm tái chế vô cùng bền đẹp.

Việc làm ra làn nhựa đã khó, việc phát động thay đổi hẳn tư duy sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần để gói, đựng thực phẩm còn khó hơn. Những ngày đầu, nhiều bà nội trợ vẫn quen thói quen cũ, nhưng lâu dần, nhờ sự tuyên truyền vận động, kết hợp gương mẫu thực hiện của chị em Chi hội phụ nữ số 5, nhiều bà nội trợ đã thực hiện tốt công tác giảm rác nhựa để bảo vệ môi trường. 

Bà Trần Thị Thúy Ái - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Xuân La cũng đánh giá rất cao về phong trào ở Chi hội phụ nữ số 5: "Thời gian qua, Chi hội Phụ nữ số 5 đã xây dựng được nhiều mô hình hạn chế sử dụng túi ni lông, tặng làn nhựa cho hội viên, nữ đảng viên chi bộ, phường, quận.

Đồng thời kết hợp với phương pháp tuyên truyền qua các tiểu phẩm để khuyến khích không sử dụng túi nilon. Vì vậy, trong nhiều năm liền Chi Hội Phụ nữ số 5 luôn được đánh giá là Chi hội xuất sắc".

Từ khi sử dụng làn nhựa tái chế để đi chợ, lượng túi nilon thải ra ở mỗi gia đình giảm đi rõ rệt. Số lượng dây nhựa buộc hàng vốn dĩ trước đây bị vứt bỏ, nay lại được tái sử dụng để trở thành sản phẩm bền đẹp và thân thiện với môi trường. Không ít chị em bày tỏ niềm vui vì một hành động nhỏ của mình đã góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn cuộc sống xanh - sạch - đẹp. 

Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phát động cuộc thi viết Nói không với rác thải nhựa. Cuộc thi nhằm nâng cao ý thức người dân về việc sử dụng rác thải nhựa, nói lên ảnh hưởng của loại rác thải này đối với sự phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt là môi trường.

Thể thức tham gia, các tác giả có thể gửi ý tưởng bằng bản viết tay, bản đánh máy, mô hình trực quan, sản phẩm về Ban tổ chức thông qua đường bưu điện, thư điện tử (email) hoặc tòa soạn, các Văn phòng đại diện của Tạp chí. Căn cứ vào các tác phẩm, Ban tổ chức sẽ tuyển chọn những ý tưởng, mô hình, sản phẩm thiết thực nhất, xuất sắc nhất để trao giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cho 3 hạng mục: Ý tưởng; Mô hình; Sản phẩm.

Thời gian tiếp nhận bài thi từ 15/8/2019 đến 15/2/2020. Ban tổ chức sẽ tiến hành chấm thi qua 2 vòng Sơ khảo và Chung khảo để chọn ra những tác phẩm đoạt giải. Dự kiến, lễ trao giải sẽ diễn ra vào 5/6/2020, đúng dịp kỷ niệm ngày Môi trường Thế giới.

Bạn đang đọc bài viết Sáng kiến chống rác nhựa từ những bà nội trợ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Biến xơ mướp thành nguyên liệu thời trang độc đáo
Nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ phí từ cây mướp, vốn rất dồi dào tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Loofaa đã có cách làm sáng tạo biến xơ mướp thành nguyên liệu “xanh” cho những sản phẩm thời trang độc đáo và thân thiện với môi trường.

Tin mới