Thứ năm, 28/03/2024 22:32 (GMT+7)

“Sạt lở mỹ quan” và đô thị “xấu hóa”

MTĐT -  Thứ ba, 13/04/2021 09:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sự cố sửa chữa làm tan nát nhà nguyện của tu viện cổ Franciscaines ở Đà Lạt mới đây (9.3), một lần nữa gióng lên tiếng chuông báo động “sạt lở di sản trong lòng đô thị” (*).

Tuy nhiên, trong khi các di sản kiến trúc hay, đẹp bị xóa bỏ hoặc hư hao không ngừng thì cùng lúc không ít các công trình xây dựng mới gây tổn hại mỹ quan chung, vẫn liên tục ra đời.

Nhiều cao ốc “lạ lùng” đã và đang xuất hiện dày đặc, làm biến đổi khung cảnh các khu phố từng làm nên hồn cốt các đô thị. Những năm gần đây, nhiều tòa nhà công cộng, tượng đài, công viên và ngay cả cầu đường có kiểu dáng kệch cỡm hay màu sắc dị dạng đã gây “bão dư luận” trong cư dân tại chỗ và với cả du khách.

Thẩm mỹ “trọc phú” và thực dụng

Trong các đô thị hiện tại, Đà Lạt là thí dụ tiêu biểu cho hình ảnh tương phản của hai loại “sạt lở” song hành nói trên. Ngoài tu viện Franciscaines, thành phố hoa đào có khá nhiều kiến trúc xưa với đường nét duyên dáng, hài hòa với thiên nhiên thơ mộng. Nổi bật là các dinh thự Bảo Đại, Dinh Tỉnh trưởng, trường Yersin, trường Couvent des Oiseaux, nhà thờ Con gà, khách sạn Palace và hàng trăm biệt thự đẹp. Vậy mà, vẻ kiều diễm đó đang trở nên xô bồ khi ngày càng có nhiều kiến trúc “mới bóc tem”, mang hình dáng thô kệch chen vào.

Chẳng hạn, đã có ba khối nhà công sở sơn trắng đồ sộ nghiễm nhiên mọc lên ở khu vực gần nhà thờ Con gà cùng nhiều trường học và biệt thự cổ. Nhìn từ xa, chúng giống như ba “thùng ổ cứng máy tính” thẳng đuột, còn đến gần thì giống “ba trái núi” vuông vức. Chúng mang dáng vẻ đối lập và cô lập hoàn toàn với các tòa nhà xinh xắn xung quanh. Hơn nữa, chúng không đem đến vẻ thân thiện cần có của một trung tâm hành chính!

Hiện trường tu viện Franciscaines khi tháo dỡ. Ảnh: Lâm Viên/Báo Thanh niên

Trong khi ấy, cách đó không xa, khung cảnh mỹ lệ của khách sạn Palace cũng đã bị xé toạc bởi hai kiến trúc “tân kỳ”. Đó là chiếc cổng chào khổng lồ - nhái kiểu La Mã che khuất lối lên xuống của những bậc thang rộng mở, hướng đến hồ Xuân Hương bát ngát. Nghe nói nhà đầu tư mới của khách sạn Palace cho xây cổng chào này vì lý do phong thủy (?). Song vì lý do nào đi nữa, chủ đầu tư - vô tình hay cố ý, đã hủy diệt hình ảnh mặt tiền quen thuộc của một tuyệt tác kiến trúc trên đồi, được định hình từ những năm 1920.

Không những thế, bằng một “phép màu” nào đấy, chủ đầu tư còn được xây thêm một tòa nhà bốn tầng với đường nét lạ lẫm, đặt song song với tòa nhà lâu đời. Phải chăng ngay ở những đô thị nổi tiếng về du lịch như Đà Lạt, chứ không phải đô thị tân lập, cái nhìn “trọc phú” và thực dụng bắt đầu lấn át quan điểm thẩm mỹ lịch lãm?

Thị hiếu bê tông hóa và “hàng chợ”

Năm rồi, những người yêu Đà Lạt trên cả nước đã lên tiếng phản đối dự án phá bỏ Dinh Tỉnh trưởng và biến cải Đồi Dinh thành một trung tâm mua sắm và nghỉ dưỡng. Trong dự án này, có những phương án thiết kế phác họa các tòa nhà bọc kính vĩ đại bao bọc khắp ngọn đồi, lấy đi mảng xanh lớn cuối cùng của khu trung tâm Đà Lạt. Mai đây, chắc chắn “thành phố ngàn thông” sẽ hóa thành một Hồng Kông chen chúc “rừng nhà” cao tầng trên núi cao nếu khuynh hướng “thương mại hóa” và “bê tông hóa” tiếp tục thắng thế trong quy hoạch và xây dựng!

Không riêng Đà Lạt, nhiều đô thị khác cũng đang bị “nén” vào những khối bê tông lạnh lùng và thị hiếu “hàng chợ” nóng bỏng! Tại TP.HCM, những cao ốc “thùng ổ cứng máy tính” và những tòa nhà kiểu dáng hộp khăn giấy (tissue - box building), đang lan ra hàng loạt ở các khu Khánh Hội, đại lộ Võ Văn Kiệt, Tân Cảng và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cái kiểu dáng công nghiệp trần trụi đó hoàn toàn trái ngược và phản cảm với khung cảnh sông nước êm đềm, các kiến trúc di sản và những dãy phố dưới tàng cây, đã được xếp đặt ổn định trên dải đất này từ thế kỷ trước.

Hình ảnh đối lập của tòa nhà hình hộp đặt máy thông khí cho đường hầm Thủ Thiêm (trái) và tòa nhà Ngân hàng Nhà nước trên đường Võ Văn Kiệt (Bến Chương Dương cũ) tại TP.HCM (ảnh chụp 18.2.2021)

Đáng chú ý, dọc đại lộ Võ Văn Kiệt (Bến Chương Dương cũ), có tòa nhà hùng vĩ - trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khai sinh năm 1930. Gần một trăm năm nay, bờ kênh Bến Nghé trước cửa tòa nhà được để trống, song từ năm 2011, xuất hiện lừng lững một kiến trúc hình hộp sơn màu xám trắng. “Chiếc hộp” năm tầng này là nơi đặt các thiết bị thông khí cho đường hầm Thủ Thiêm, được xây dựng vội vã, không tính đến yếu tố mỹ quan chung quanh. Giờ đây, đoạn đường trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước trở thành nơi “triển lãm” hai kiến trúc đối nghịch: một bên là phong cách kiến trúc Đông Dương tài hoa, một bên là khối bê tông thô thiển.

Toàn thành phố, không chỉ có một điểm “triển lãm” cách làm quy hoạch và triển khai xây dựng vụng về như vậy!

Những không gian lô xô, hụt hẫng

Khu vực trụ sở UBND TP.HCM (1910) và quảng trường Nhà hát Thành phố (1900) là hai không gian thoáng đãng tuyệt đẹp đang bị xâm lấn. Vào đầu những năm 1990, một tòa cao ốc văn phòng phủ sơn đen trên đường Pasteur khi mới xây dựng xong, đã được một bài viết trên báo Sài Gòn Giải Phóng, gọi là “tòa nhà kỳ dị”. Bài viết cho rằng cao ốc này làm xấu đi hậu cảnh của trụ sở UBND thành phố.

Sau nhiều cuộc tranh luận, văn phòng Kiến trúc sư trưởng và chủ đầu tư lúc ấy đồng ý sơn lại cao ốc với màu xanh nhạt, tiệp với da trời. Thế nhưng, 20 năm sau, một “rừng cao ốc” lô xô đủ kiểu và đủ màu đã mọc lên chung quanh trụ sở UBND thành phố. Trong đó, tòa tháp đôi Vincom - khu căn hộ cao cấp và shopping center 26 tầng (2012), trông như hai “robot” kềnh càng, vọt lên bên trên, làm thay đổi cảnh quan của cả một khu vực lớn.

Tại quảng trường Nhà hát Thành phố gần đấy, không gian nơi đây đang trở nên hụt hẫng, mất cân đối. Khách sạn Caravelle có hai kiến trúc đối lập chan chát, bao gồm tòa nhà cũ 10 tầng yêu kiều (1959), đứng khập khiễng bên cạnh tòa nhà mới khổng lồ 24 tầng (1998). Tòa nhà mới - bề thế và cao kều còn nằm ở vị trí áp sát phía bên trái của Nhà hát (1900), làm cho kiến trúc Nhà hát trở thành một chú lùn đáng thương. Trong khi ấy, may mắn phía bên phải Nhà hát vẫn còn tòa nhà khách sạn Continental 4 tầng (1905). Càng may mắn, phía sau Nhà hát, khách sạn hiện đại Park Hyatt (2005) được xây dựng chỉ có 8 tầng và mang kiểu dáng hài hòa với Nhà hát và khách sạn Continental.

Với các công cụ pháp luật hiện hành, chính quyền các cấp và các nhà quản lý quy hoạch, kiến trúc và xây dựng hoàn toàn có thể ra tay nhanh chóng ngăn chận tình hình “sạt lở mỹ quan” và “xấu hóa đô thị”.   

Trong hai thập niên trở lại đây, một loạt cao ốc chọc trời đua nhau mọc lên quanh các trục đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Lý Tự Trọng và công trường Mê Linh. Chúng nhanh chóng bóc dần những không gian xanh rộng mở tại trung tâm Sài Gòn - nơi người Pháp đã quy hoạch từ những năm 1870. Hầu hết các cao ốc này đều có kiểu dáng na ná như những chiếc hộp đơn điệu đang xuất hiện đầy rẫy ở các đô thị mới phát triển. Nếu không cảnh báo, rất có khả năng hai bên bờ dải đất Bến Nghé và Thủ Thiêm, cho dù đô thị mới hay đô thị cũ, đều chỉ có những cao ốc lô xô, phố phường “mặc đồng phục tân thời”. Phải chăng, đô thị chỉ cần tăng tốc kinh tế chứ không cần các yếu tố mỹ thuật và mỹ quan? Đô thị trên đường nảy nở chỉ cần giàu và phú quý chứ không cần đẹp và nhân văn?

Xây dựng và kiểm soát thẩm mỹ đô thị bằng luật

KTS-TS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quy hoạch chung của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, thẳng thắn trả lời “không” với câu hỏi trên! Theo ông, về lý thuyết, thẩm mỹ là một yếu tố căn bản hàng đầu trong thiết kế đô thị, thiết kế kiến trúc và xây dựng công trình. Trong thực tế nhiều nước tiên tiến đã đặt ra yêu cầu kiểm soát thẩm mỹ công trình và thẩm mỹ không gian. Công cụ kiểm soát bao gồm quy định quản lý không gian kiến trúc và cảnh quan, các hướng dẫn (guide line) về thiết kế kiến trúc và xây dựng.

Ngoài ra, còn có quy trình thẩm định và xét duyệt các đồ án quy hoạch và đồ án kiến trúc, xây dựng. Qua đấy, một công trình xây dựng muốn được cấp phép, cần phải xem xét nhiều chi tiết cụ thể như phong cách kiến trúc, kích thước, khoảng lùi công trình, vật liệu, màu sắc, cảnh quan xung quanh…

Tại Việt Nam, theo TS. Tuấn, công trình dân dụng hay nhà ở tư nhân ở quy mô nhỏ muốn xây dựng đều phải qua cấp quận xét duyệt. Còn các công trình công cộng, công trình xây dựng có ý nghĩa quan trọng sẽ phải qua xét duyệt của cấp thành phố. Nhiều công trình phải lấy ý kiến của Hội đồng kiến trúc - quy hoạch hoặc tổ chức thi tuyển trước khi được cấp phép xây dựng. Thế nhưng, vẫn có khá nhiều “con lạc đà đi qua được lỗ kim”.

Ông Tuấn cho biết các quy định thực hiện “xem ra vẫn còn chung chung, chưa đầy đủ và thực sự hiệu quả”, dẫn đến tình trạng thẩm mỹ đô thị chưa được tôn trọng đúng mức. KTS. Văn Phụng Hiếu Minh đang tu nghiệp tại đại học Cambridge (Anh) cho rằng muốn có công trình đẹp, đô thị đẹp dĩ nhiên phải có tiền và “bây giờ còn phải có cả công nghệ nữa!”. Tuy nhiên, anh nhất trí, việc giáo dục cái đẹp và luật hóa các nguyên tắc thẩm mỹ đô thị là việc làm cần thiết và phải làm ngay.

Tháp Rùa - trái tim Hồ Gươm đang có nguy cơ chìm nghỉm giữa các khối bê tông lô nhô phía sau và dự án xây dựng khách sạn Oriental Luxury hotel sát cận Hồ Gươm trải dài gần 90m, cao trên 30m (Hà Nội, ảnh chụp sáng 17.3.2021)

Quả thật, các văn bản pháp luật ở Việt Nam liên quan thẩm mỹ đô thị  tuy chỉ mới ra đời gần đây nhưng cũng tạo ra những cơ sở cần thiết để duy trì và tôn tạo cái đẹp, thông qua kiến trúc và cảnh quan. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Luật Xây dựng năm 2014 mặc dầu chưa nêu các yếu tố thẩm mỹ công trình và thẩm mỹ không gian trong xây dựng nhưng đã nói đến các yếu tố bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo (điều 10). Mặt khác, luật này còn yêu cầu quy hoạch xây dựng phải bảo đảm “đồng bộ về không gian kiến trúc” (điều 14). Đặc biệt, Luật Xây dựng quy định các đồ án quy hoạch xây dựng phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, cá nhân và tổ chức trước khi thực hiện  (điều 16 và 17).

Trong khi đó, Luật Kiến trúc năm 2019 đã nêu lên nhiều nguyên tắc quan trọng liên quan yếu tố mỹ thuật và mỹ quan. Chẳng hạn, phần b điều 11 của Luật yêu cầu sử dụng màu sắc, vật liệu, trang trí mặt ngoài của công trình kiến trúc phải bảo đảm mỹ quan, không tác động xấu tới thị giác, sức khỏe con người, môi trường và an toàn giao thông. Ngoài ra, điều 11 còn yêu cầu các công trình nhà ở, công trình  tiện ích đô thị, công trình giao thông và ngay cả tượng đài, công trình quảng cáo, trang trí cũng phải đáp ứng các yêu cầu thẩm mỹ công cộng và phù hợp với tổng thể kiến trúc của khu vực.

Gần đây, Nghị định 85/2020-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc đối với nhiều công trình quan trọng, điểm nhấn của đô thị. Nghị định cũng nêu ra các quy định đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù, bao gồm những kiến trúc phản ánh quá trình lịch sử phát triển và góp phần tạo nên bản sắc riêng cho đô thị (điều 8, phụ lục 2). Mặt khác, Nghị định quy định nhiều tiêu chuẩn cụ thể để giám sát việc xây dựng công trình có đảm bảo đúng yêu cầu về kinh tế cũng như mỹ quan.

Rõ ràng, với các công cụ pháp luật hiện hành như trên, chính quyền các cấp và các nhà quản lý quy hoạch, kiến trúc và xây dựng hoàn toàn có thể ra tay nhanh chóng ngăn chận tình hình “sạt lở mỹ quan” và “xấu hóa đô thị”. Dư luận xã hội, nhất là báo chí, các hội đoàn chuyên môn và quần chúng sẵn sàng góp tiếng nói và cần được tôn trọng. Đã đến lúc, pháp luật cần quy định việc chế tài, phạt nặng những ai gây ra hoặc tiếp tay làm “sạt lở di sản”, “sạt lở mỹ quan”. Pháp luật cần buộc họ phải bồi thường và sám hối vì đã làm hư hỏng, xuống cấp môi trường sống và không gian hay, đẹp của cả đô thị và nông thôn! 

10 thành phố xấu xí

Theo Ucityguide.com, 10 thành phố sau được coi là Ugly City – thành phố xấu xí:  Guatemala City, Mexico City (Mexico), Amman (Jordan), Caracas (Venezuela), Luanda (Angola), Chisinau (Moldova), Houston (Mỹ), Detroit (Mỹ), São Paulo (Brasil), Los Angeles (Mỹ). Các biểu hiện của “đô thị xấu xí” là “rừng cao ốc” bằng bê tông hay nhà kính, tình trạng khói bụi và rác bẩn, đường sá lộn xộn, nhà cửa và các khu vực không được quy hoạch, các xóm nhà lụp xụp…

Bài và ảnh: Phúc Tiến/Người đô thị

___________________

(*) Xem "Sạt lở di sản trong lòng đô thị" của cùng tác giả, Người Đô Thị số 103. Ngày 18.12.2020 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ ngành, địa phương liên quan nghiên cứu nội dung phản ánh trong bài báo.

Bạn đang đọc bài viết “Sạt lở mỹ quan” và đô thị “xấu hóa”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.