Thứ năm, 25/04/2024 00:39 (GMT+7)

Hôm nay 'khai tử' BOT thu giá: Trả lại tên cho em

MTĐT -  Thứ ba, 10/07/2018 09:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hôm nay (10/7) Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có văn bản chính thức về việc đổi tên từ trạm thu giá sang trạm thu phí gây tranh cãi dư luận suốt thời gian qua.

 Liên quan đến vấn đề đổi tên gọi “trạm thu giá” thành “trạm thu phí”, trao đổi với TTXVN chiều 9/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, hôm nay (10/7) Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có văn bản chính thức.

Thời gian qua, việc Bộ GTVT chuyển thuật ngữ thu phí BOT thành thu giá BOT đã gây ra những phản ứng trong dư luận, đa số các ý kiến đã bày tỏ sự không đồng tình với tên gọi mới này.

Từng lý giải về việc đổi tên này bên hành lang quốc hội chiều 22/5, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói việc đổi tên trạm thu phí BOT thành trạm thu giá BOT căn cứ quy định của Chính phủ. “BOT là sản phẩm của doanh nghiệp, sản phẩm đó do doanh nghiệp ấn định giá. Còn phí là mang tính Nhà nước, do quy định nghị định thôi”, ông Thể giải thích.

Theo người đứng đầu Bộ GTVT, việc điều chỉnh phí cần sự cho phép của HĐND, Quốc hội, còn giá là dịch vụ cung cấp của doanh nghiệp nên có thể điều chỉnh cho hợp lý tùy theo tình hình.

“Từ khi chuyển sang giá, chúng ta mới giảm giá cho cân đối tài chính, còn để thông qua các bộ thì rất chậm. Đây là cơ chế của Chính phủ để linh động”,  Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói. 

Trước một số ý kiến cho rằng khái niệm “trạm thu giá” khó hiểu, thậm chí không có nghĩa, ông Thể nói việc thay tên gọi không phải Bộ GTVT quyết định.

“Nghị định của Chính phủ quy định, không phải Bộ GTVT tự đặt ra”, ông Thể khẳng định.

Nhiều "BOT thu phí" đã đổi tên thành "BOT thu giá". Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, lập luận về việc đổi tên trạm thu phí BOT giao thông thành trạm “thu giá” của Bộ trưởng GTVT chưa làm người dân yên tâm.

Từng trao đổi với Zing, chuyên gia kinh tế Nguyễn Khắc Giang (Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, có thể phần nào hiểu được đề xuất đổi tên của Bộ GTVT. Theo đó, nếu quy định là phí thì trách nhiệm quản lý thuộc Bộ Tài chính. Việc thay đổi phí sẽ không linh hoạt, từ đó không thu hút được các nhà đầu tư khi tham gia dự án.

Khi thay đổi thành giá, Bộ GTVT có thể linh hoạt thay đổi giá mà không cần thông qua Bộ Tài chính, tạo cơ chế đấu thầu cạnh tranh, đàm phán được.

Tuy nhiên, ông Giang cho rằng gọi tên trạm thu phí hay thu giá không quan trọng lắm. Nếu cơ chế thị trường thì phải tự cho các cơ sở quyết định việc đặt tên như thế nào, không nhất thiết phải quy định là trạm thu giá hay trạm thu phí.

“Vấn đề chỉ là cái tên, không nhất thiết phải quy định là phí. Giống như vấn đề học phí không cần phải qua Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể quyết định. Việc bộ trưởng gọi là trạm thu giá lại tạo ra một từ mới, chưa bao giờ xuất hiện trong từ điển”, ông Giang nói.

Quan trọng hơn, ông Giang cho rằng việc gọi tên giá hay phí không giải quyết được câu chuyện bức xúc về BOT trong thời gian qua, chưa giải quyết được bản chất của BOT.

Còn chuyên gia giao thông Phạm Sanh (Đại học GTVT TP.HCM) cho rằng, về mặt ngôn ngữ, từ “thu giá” rất tối nghĩa. Ở nhiều nước trên thế giới, những đoạn đường có cơ chế đối tác công tư như BOT cũng dùng trạm thu phí, không dùng trạm “thu giá” như cách gọi của Bộ GTVT, ông Sanh cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia Đại học Fullbright Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam cần có Luật đối tác công tư (PPP) để làm rõ hơn việc xác định phí, hình thức thu phí của các loại hình PPP, trong đó có BOT.

Hôm nay sẽ có văn bản chính thức về tên gọi trạm thu phí gây tranh cãi suốt thời gian qua. Ảnh: Internet. 

Tại buổi trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sáng 4/6/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã chủ động nói về sự đổi tên của trạm “thu giá BOT”.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, dư luận xã hội, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo rà soát để thay đổi tên mới phù hợp.

Về vấn đề này, Theo VOV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, Bộ GTVT không cần nghiên cứu thêm. “Tôi thấy cứ trả về tên cũ là được, bây giờ đợi trình Chính phủ thì lâu lắm. Cái tên cũ thì cứ lấy lại thôi”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Và tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ hôm 2/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân, tiếp tục nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, không sử dụng tên “trạm thu giá”.

Sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có báo cáo đề xuất Bộ GTVT lấy ý kiến các bộ ngành và báo cáo Chính phủ cho đổi tên “trạm thu giá” dịch vụ sử dụng đường bộ thành “trạm thu phí” như trước đây.

Lý giải về điều này Tổng cục Đường bộ cho biết, việc đổi lại tên trạm thu phí (từ trạm thu giá) nhằm thống nhất tên gọi phù hợp, đơn giản, dễ hiểu, được người dân và doanh nghiệp chấp nhận.

Theo đó, tên gọi “trạm thu phí” đã được sử dụng từ khi có cơ chế thu phí sử dụng đường bộ, phù hợp với quy định tại Điều 51, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, với quy định: Trạm thu phí là nơi thực hiện việc thu phí phương tiện tham gia giao thông đường bộ, được xây dựng theo quy hoạch hoặc dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp với thói quen của người tham gia giao thông, được xã hội chấp thuận.

Theo thông tin từ Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ Giao thông Vận tải), hiện nay, cả nước có 88 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ; trong đó Bộ Giao thông Vận tải quản lý 73 trạm (56 trạm đang thu phí, 17 trạm chưa tiến hành thu phí), còn lại 15 trạm (11 trạm đang thu phí và 4 trạm chưa thu phí) do UBND các tỉnh quản lý.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hôm nay 'khai tử' BOT thu giá: Trả lại tên cho em. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành