Thứ sáu, 29/03/2024 19:05 (GMT+7)

Sau vụ sập giàn giáo ở Đại Mỗ: Lộ chuyện dân kêu cứu vì bị mất đất?

Yến Oanh- Triệu Nhất -  Thứ ba, 30/01/2018 09:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên quan đến dự án bãi đỗ xe và cây xanh trong quá trình thi công bị sập giàn giáo khiến 3 người tử vong, nhiều hộ dân quanh khu vực đã viết đơn kêu cứu vì cho rằng mức đền bù không thỏa đáng.

Được biết, dự án do Công ty CP phát triển đầu tư và dịch vụ Việt Nhật làm chủ đầu tư 14/11/2017 được quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cấp phép xấy dựng số 1538/GPXD-UBND, công ty CP đầu tư xây dựng số 1 Hà Nội là đơn vị thi công.

Dự án trên kể từ khi được cấp phép đến hiện tại đã vướng phải các lùm xùm như chậm thi công phải xin gia hạn thêm, căng thẳng trong giải phóng mặt bằng khiến nhiều hộ gia đình gửi đơn khiếu nại. Nghiêm trọng nhất là sự cố sập giàn giáo khiến 3 người chết và nhiều người bị thương vào ngày 17/1 vừa qua.

“Đất từ thời cha mẹ tôi để lại mà họ nói đất của phường”

Ngay sau khi sự việc sập dàn giáo tại công trình xảy ra, nhiều người dân đã gửi đơn phản ánh tới tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử.

Theo đơn thư phản ánh của người dân, 7 hộ gia đình có đất tại dự án trên phường không chấp nhận mức bồi thường nên họ chưa nhận tiền. Công ty Việt Nhật dùng chính quyền phường Đại Mỗ và UBND quận Nam Từ Liêm áp đảo, cưỡng chế đất của dân khi tất cả các hộ dân không nhận tiền bồi thường bố thí là 201nghìn/m2 cho đất có nguồn gốc sử dụng từ 1956 đến nay của hộ cá thể và đất theo Nghị định 64 của Chính phủ là đất nông nghiệp. Ngoài ra còn đất khai hoang từ 1992 của hộ gia đình ông Huyền do tổ chức PAM hỗ trợ.

Giấy xác nhận giao đất của xã Đại Mỗ năm 1991 và phiếu lấy ý kiến dân cư, xác nhận hộ gia đình ông Huyền sử dụng đất ổn định lâu dài không tranh chấp.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đắc Huyền cho biết: “Năm 1991, gia đình tôi được chính quyền xã giao cho mảnh đất tại phường Đại Mỗ để trồng cây với diện tích là 408m2. Trong quá trình sử dụng, gia đình đã tự bỏ tiền để cải tạo, san lấp mặt bằng để trồng cây ăn quả và cây cảnh”.

Chị Nguyễn Thị Mai và bà Nguyễn Thị Hoàn (Tổ dân phố 2, Ngọc Trục, Đại Mỗ) trao đổi với PV.

“Hiện tại, tổng diện tích đất thực tế sử dụng của gia đình là khoảng 6000m2, đều sử dụng từ 1991, là đất sản xuất nông nghiệp và không có tranh chấp hay vi phạm. Vậy mà khi có dự án của công ty Việt Nhật, phường lại cho là đất thủy lợi do phường quản lý nên chỉ được bồi thường số cây trên đất.

Gia đình tôi bỏ nhiều công sức tiền của để khai hoang, tôn tạo gần 6000m2 đất trên nên việc chỉ đền bù số cây là không hợp lý. Hiện, tôi đã khiếu nại lên quận nhưng không đạt kết quả nên tiếp tục khiếu nại lên thành phố. Hiện tại, thành phố đang thụ lý”. Người dân cho biết thêm.

Đại diện các hộ gia đình trong đơn thư, chị Nguyễn Thị Lan (Tổ dân phố 2, Ngọc Trục, Đại Mỗ) cho biết: “Ban đầu công ty họ về tận nhà các hộ dân để thỏa thuận trả mức 1,2 triệu/m2 nhưng dân không đồng ý. Sau thời gian thương thỏa thì dân nhận được thông tin sẽ áp đúng theo giá từ trên quận theo kiểu dự án Nhà Nước thu hồi đất, giá chỉ từ khoảng từ 1-2 trăm nghìn đồng/m2.”

Bà Nguyễn Thị Hoàn- một gia đình chính sách cũng bày tỏ: “ Tôi có 82m2 đất được giao từ năm 1981, là ruộng ngoài sổ đỏ do ủy ban cấp. Tôi sử dụng lâu dài, cấy lúa hàng năm đến thời điểm chưa có dự án, tôi vẫn đóng thuế đầy đủ. Vậy mà họ trả 101 nghìn/m2. Vì già rồi nên tôi đành chấp nhận lấy số tiền 8,2 triệu đồng”.

Ngoài ra, các hộ còn lại đều cho biết họ thuộc hộ cá thể sử dụng đất nông nghiệp từ năm 1956 cha ông để lại, nay phường cho đất hành lang đê nên áp giá vô cùng thấp khiến họ bức xúc và cho rằng vô lý, không căn cứ.

Phường không cung cấp đủ giấy tờ liên quan?

Để có thông tin khách quan, PV đã đến đặt lịch làm việc tại Phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ông Nguyễn Minh Giảng -Chủ tịch phường cho biết:  Dự án này là dự án Nhà nước thu hồi đất chứ không phải dự án thỏa thuận giữa chủ đầu tư với người sử dụng đất.

“Đất ở đây chủ yếu là đất ruộng để cấy lúa, hộ gia đình ông Huyền lại thuộc đất đê và nằm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi nên cũng không được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất vì nó nằm trong quy hoạch hành lang đê.

Thời điểm  1997, người ta theo nghị định 64 được giao đất và sử dụng ổn định đến bây giờ”….

Một số hộ khác sử đụng đất ruộng để cấy lúa nhưng nằm trong hành lang đê, không được cấp giấy chứng nhận đất vì nằm trong quy hoạch.”

UBND Phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội- Nơi tiếp PV.

Khi PV đề nghị được cung cấp các văn bản liên quan đến nguồn gốc đất của các hộ trong đơn thuộc dự án trên như hồ sơ địa chính, sổ mục kê, bản đồ địa chính, bản đồ quy hoạch…để phản hồi cho dân hiểu thì ông Giảng cùng ông Trần Gia Dũng- cán bộ địa chính cho biết sẽ cung cấp và sớm gửi cho báo.

Thế nhưng, 2 hôm sau PV lên phường để lấy các giấy tờ như đã hẹn thì trong tập hồ sơ lại thiếu những giấy tờ vừa kể trên.

PV lần nữa đề nghị được cung cấp để có thông tin phản hồi lại cho người dân thì vị chủ tịch nói sang phòng địa chính.

Trao đổi qua điện thoại, ông Dũng- cán bộ địa chính lớn tiếng trả lời PV bằng giọng cáu gắt rằng: “Bảo họ viết đơn gửi lên phường thì tôi cung cấp, người ta còn chả biết nhà người ta ở đâu đòi cái gì mà đòi, đất sông Nhuệ mà lại còn lắm chuyện!” rồi tắt máy một cách bất lịch sự.

Quay trở lại phòng chủ tịch, PV cho biết đồng chí địa chính không cung cấp nên mong ông chỉ đạo thì vị này nói: “Không phải cái gì cũng cung cấp cho PV được, có những thứ cung cấp được có những thứ thì không?!”. PV hỏi một số vấn đề trong đơn dân gửi thì ông Giảng nói: “Đơn thì người ta muốn viết gì là việc của người ta…”.

Về biên bản cuộc họp ngày 5/1 và 12/1/2017 (người dân ký không đồng ý giao đất cho công ty Việt Nhật) quận đã gửi về phía phường nhưng khi PV xin được cung cấp, chủ tịch phường cũng từ chối và yêu cầu PV lên quận.

Câu hỏi đặt ra là, dù liên quan đến đơn thư vụ việc và để có thông tin khách quan nhưng lãnh đạo của phường Đại Mỗ lại gây khó dễ với PV, không cung cấp tài liệu để có thông tin khách quan, như vậy đã đúng luật hay chưa? Vì sao không cung cấp trong khi trước đó hai ngày đã đồng ý? Thái độ của hai vị lãnh đạo trên đã đúng chuẩn mực hay chưa?

Bà Nguyễn Thị Bích cho biết công ty đã đến tận nhà bà thỏa thuận trả 6 triệu đồng/m2, sau đó công ty xin lại 20 triệu đồng.

Chữ ký xác nhận của Bà Nguyễn Thị Bích và ông Nguyễn Văn Tạo về việc công ty đến thương lượng với mức giá cao.

Điều đáng nói, mặc dù được coi là dự án Nhà nước thu hồi đất nhưng bà Nguyễn Thị Bích cho biết, công ty đã đến tận nhà bà thỏa thuận trả 6 triệu đồng/m2 và 1 hộ khác 1,2 triệu/m2 (đều có xác nhận của chủ hộ).

Tuy nhiên, theo văn bản PV có được thì số tiền này thể hiện trên văn bản lại chỉ là mức áp giá khoảng  200 nghìn đồng, phía công ty hoàn toàn phủ nhận.

Để rộng đường dư luận, PV đã đặt lịch làm việc với quận Nam Từ Liêm nhưng nhiều ngày chưa nhận được phản hồi. Tìm gặp phía công ty Việt Nhật thì nhận thấy có sự thiếu rõ ràng về địa chỉ trụ sở. 

Hiện người dân đã viết đơn gửi phường đề nghị cung cấp hồ sơ như yêu cầu.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Sau vụ sập giàn giáo ở Đại Mỗ: Lộ chuyện dân kêu cứu vì bị mất đất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới