Thứ sáu, 29/03/2024 01:45 (GMT+7)

Siêu dự án chuyển nước trên thế giới với các vùng hạn hán ở Việt Nam

MTĐT -  Thứ sáu, 27/08/2021 14:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nước là nguồn tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống và duy trì hệ sinh thái. Việc phân phối nước ngọt không đồng đều, nhu cầu sử dụng tăng cao, biến đổi khí hậu toàn làm tăng nguy cơ hạn hán, thiếu nước

Điểm đầu của tuyến chuyển nước phía Đông (Trung Quốc).

Các siêu dự án chuyển nước đa mục tiêu

Thống kê cho thấy, đến năm 2018, thế giới đã có 34 siêu dự án chuyển nước với tổng chiều dài 13.049 km và khoảng cách chuyển nước trung bình là 358 km. Trong tương lai, sẽ có 76 dự án lớn khác với tổng chiều dài 80.396 km và khoảng cách chuyển nước trung bình là 482 km.                    

Hiện các dự án này đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (hoặc) đã hoàn thành giai đoạn lập kế hoạch (hoặc) đang triển khai xây dựng, chủ yếu ở Bắc Mỹ (34), Châu Á (17) và Châu Phi (9) với tổng vốn đầu tư 2,7 nghìn tỷ USD, riêng Châu Á đã có 17 dự án lớn chuyển 321 tỷ m3 nước, khoảng cách 28.631 km, với tổng vốn đầu tư là 532 tỷ USD (chủ yếu ở Trung Quốc, với 150 tỷ USD).

Như vậy, với tổng số 110 dự án lớn hiện có và trong tương lai sẽ góp phần vận chuyển 1.910 tỷ m3 mỗi năm, với tổng chiều dài khoảng 94.000 km, trong đó có 15 dự án chuyển nước xuyên biên giới, 25 dự án chuyển nước dài hơn 1.000 km. Lớn nhất hiện nay là siêu dự án “Sông nhân tạo vĩ đại” của Libya (dài 2.820 km), tiếp đó dự án nước của Bang California, Hoa Kỳ (1.128 km), trong tương lai, lớn nhất là dự án “Liên kết nước quốc gia” của Ấn Độ (14.900 km), tiếp đến là dự án NAWAPA, Bắc Mỹ (10.620 km).

Hầu hết siêu dự án chuyển nước đều là các dự án đa mục tiêu, như phát triển nông nghiệp kết hợp cấp nước cho khu công nghiệp. Hằng năm, riêng nhu cầu nước tưới cho nông nghiệp chiếm đến 70% (tương ứng 2.710 tỷ m3), nguồn nước chủ yếu đến từ việc khai thác nước mặt (bằng công trình thủy lợi) và các tầng nước ngầm (giếng đào). Hạn hán, thiếu nước là những yếu tố chính dẫn đến suy thoái đất và giảm năng suất của các loại cây trồng. Do vậy, có đến 54/110 siêu dự án chuyển nước có mục tiêu cấp nước tưới phục vụ nông nghiệp.

Công trình đường ống của dự án đường ống Quốc gia Israel.

Giải pháp chuyển nước cho Việt Nam

Ở Việt Nam, do nắng nóng và thiếu hụt lượng mưa trong thời gian dài đã khiến cho mực nước trên các sông xuống thấp, mực nước một số hồ chứa ở dưới mực nước chết, tình trạng hạn hán và thiếu nước thường xuyên diễn ra trong những năm gần đây ở miền Trung và Tây Nguyên, khan hiếm nước ở các vùng miền núi, ven biển...; xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Đông bằng Sông Cửu Long.

Theo nghiên cứu của Viện Quy hoạch Thủy lợi, dự báo đến năm 2030, để cung cấp đủ nước cho dân sinh và các ngành kinh tế theo các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các ngành, các địa phương, đáp ứng yêu cầu chủ động ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu… Việt Nam cần từ 98 – 116 tỷ m3 nước, và đến năm 2050 cần từ 106 – 131 tỷ m3 nước; với khả năng chuyển dẫn, điều tiết cấp nước hiện có, Việt Nam sẽ thiếu từ 8,5 – 12,7 tỷ m3 nước năm 2030, và thiếu từ 10,7 – 16,7 tỷ m3 năm 2050.

Giải pháp chuyển nước liên vùng và liên hồ chứa

Khu vực Bắc Trung Bộ: Ngoài dự án chuyển nước từ lưu vực sông Rào Trổ sang lưu vực hồ Sông Trí, cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp chuyển nước từ hồ Cửa Đạt sang Sông Mực, sau đó chuyển sang các hồ nhỏ khác như hồ Khe Sanh, hồ Hao Hao, ... để cấp cho khu kinh tế Nghi Sơn, đồng thời từ hồ Cửa Đạt nghiên cứu, xây dựng 1 đường ống chuyển nước lớn cho các hồ chứa nhỏ ven đường Hồ Chí Minh để cấp nước cho nông nghiệp và sinh hoạt cho khu vực này. Tương tự như vậy đối với hồ Sông Sào, Thác Muối, Ngàn Trươi, Tả Trạch, Vực Tròn … (hoặc) liên kết nguồn nước các hồ Kẻ Gỗ, Sông Rác, Thượng Tuy nhằm nâng cao năng lực điều hòa, phân phối nước trong khu vực.

Khu vực Nam Trung Bộ: Đầu tư các hồ chứa lớn theo quy hoạch để tạo nguồn; đầu tư xây dựng hồ La Ngà phục vụ đa mục tiêu, chuyển nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, cấp nước cho ven biển Bình Thuận, vùng hạ du sông La Ngà, sông Đồng Nai; triển khai kết nối nguồn nước giữa các hồ chứa nước, hệ thống thủy lợi để đưa nước ra vùng ven biển; nâng cấp, sửa chữa, hoàn thiện kênh mương.

Khu vực Tây Nguyên: Ngoài ra, trên cơ sở tiềm năng nguồn nước và khả năng điều tiết từ các công trình thủy điện tại Tây Nguyên có thể xem xét phương án chuyển nước bằng đường ống để cấp cho các vùng khô hạn, thiếu nước tại vùng Nam Trung Bộ, đặc biệt là Nam Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; chuyển nước lưu vực sông Sê San cấp cho sinh hoạt, sản xuất và một số vùng thường xuyên hạn hán, thiếu nước ở Gia Lai, Đăk Lăk.

Chuyển nước, kết nối nguồn nước xuyên Quốc gia

Theo Ủy hội sông Mê Công, các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công đã hoàn thành và tiếp tục xây dựng nhiều hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên cả dòng chính và dòng nhánh, với tổng dung tích trữ lên đến hàng chục tỷ m3 nước (tương đương 20% tổng lượng dòng chảy), cùng với đó là kế hoạch cấp nước để tăng diện tích tưới và chuyển nước ra ngoài lưu vực.

Trường hợp các quốc gia thượng nguồn không thống nhất cơ chế chia sẻ và sử dụng hợp lý nguồn nước trên các dòng sông liên quốc gia, thì Việt Nam chắc chắn phải đối mặt với nguy cơ khan hiếm nước, có khả năng sẽ xảy ra khủng hoảng nước, đe dọa đến sự phát triển ổn định về kinh tế, xã hội và an ninh lương thực của toàn vùng đồng bằng. Như vậy, ngoài những khu vực hạn hán, thiếu nước như Trung Bộ và Tây Nguyên, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ phải giải quyết các vấn đề tương tự cho khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và Sông Hồng.

Miền Trung Việt Nam có địa hình chủ yếu dốc theo hướng từ Tây sang Đông, thuận lợi để tạo các trục liên kết nguồn nước dọc theo sườn vùng núi phía Tây, cấp nước cho các vùng có tiềm năng phát triển kinh tế ven đường Hồ Chí Minh và khu vực ven biển.

Nhìn tổng thể trên phạm vi cả nước, lợi dụng địa hình trên có thể tính đến phương án chuyển nước từ các kho nước lớn ở khu vực phía Bắc, Trung Bộ, nơi có lượng mưa và nguồn nước khá dồi dào để điều hòa vào các vùng sa mạc, bán sa mạc, thiếu nước ở Trung Bộ, Tây Nguyên bằng hệ thống liên hoàn các công trình thủy lợi như trạm bơm, đường ống, đường hầm, kênh dẫn, hồ chứa theo cách mà các quốc gia như Trung Quốc, Israel, Hoa Kỳ, … đã làm. Sau đó kết nối với nguồn nước sẵn có của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ tiến tới hình thành một Mạng lưới chuyển nước xuyên quốc gia dọc trục Bắc – Nam.

Mạng lưới chuyển nước xuyên quốc gia của Việt Nam lấy các điểm kết nối chính là những hồ chứa nước có dung tích lớn của từng tỉnh, từng khu vực nằm ở sát sườn phía núi phía Tây của đất nước. Các hồ chứa này ngoài chức năng đảm bảo tích trữ, cân đối, điều hòa nguồn nước giữa các mùa, vùng, lưu vực sông của riêng từng vùng còn phải đảm bảo dung tích tăng thêm phục vụ nhiệm vụ chuyển nước. Dọc trục chuyển nước cần nghiên cứu quản lý, khai thác sử dụng cũng như phương án bổ sung lượng nước cần thiết từ các sông, hồ chứa khác để bảo đảm lưu lượng vận chuyển không bị thiếu hụt, ngắt quãng, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các vùng, miền trên cả nước.

Xây dựng mạng lưới chuyển nước xuyên quốc gia là một quá trình dài hạn với các mục tiêu liên thế hệ, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, vì lợi ích hiện tại và tương lai của đất nước, đặc biệt khi biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa nghiêm trọng về hạn hán, thiếu nước đối với các khu vực miền Trung, Tây Nguyên, và đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, siêu dự án này cũng đòi hỏi đất nước phải có sự chuẩn bị nguồn lực đầu tư lớn.

Tác giả: GS. TS. Nguyễn Văn Tỉnh, TS. Lê Hùng Nam, TS. Nguyễn Đức Việt

Theo Tổng cục Thuỷ lợi

Bạn đang đọc bài viết Siêu dự án chuyển nước trên thế giới với các vùng hạn hán ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.