Thứ năm, 25/04/2024 01:27 (GMT+7)

Siêu dự án Sông Hồng City sau 27 năm vẫn nằm... trên giấy

MTĐT -  Thứ ba, 07/09/2021 16:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án Sông Hồng City từng được kỳ vọng sẽ tạo nên một đô thị hiện đại, sầm uất hai bên bờ sông Hồng. Thế nhưng, sau 27 năm, siêu dự án này vẫn còn nằm trên giấy.

Mới đây, chủ đầu tư Sông Hồng City có văn bản gửi UBND TP Hà Nội bày tỏ nguyện vọng tiếp tục thực hiện dự án và cam kết triển khai ngay sau khi nhận được mặt bằng. Tuy nhiên, để triển khai dự án này sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn.

Quy hoạch “treo”

Gần 30 năm trước, khi nhà đầu tư Singapore có chủ trương đầu tư vào bất động sản (BĐS), thì Sông Hồng City là một trong các dự án BĐS lớn nhất trong giai đoạn đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Siêu dự án Sông Hồng City có mục tiêu xây dựng một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu nhà văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê tại Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Ba Đình với tổng diện tích 51.300 m2. Tổng vốn đầu tư tại thời điểm đăng ký là 240 triệu USD với tiến độ trong vòng 8 năm kể từ ngày 29/11/1994 và có thời hạn 45 năm từ ngày 29/11/1994.

6-9-Song-Hong-city-3326-1630924251.jpg
Dự án Sông Hồng City sau 27 năm vẫn nằm trên giấy. Hiện, để xây dựng dự án này gặp nhiều khó khăn do nằm trong Đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng đang được Hà Nội lập. (Ảnh: TL)

Tại thời điểm bắt đầu, để thực hiện dự án, Công ty Phát triển đô thị đã được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 1059/GP do Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp ngày 29/11/1994 và giấy phép đầu tư điều chỉnh số 1059/GPDC do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp ngày 19/8/1997. Dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 2767/QĐ-UB ngày 1/8/1995 của UBND TP Hà Nội.

Về tiến độ của dự án, theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, nhà đầu tư đã ký hợp đồng thuê đất ngày 18/4/1995 với thời hạn sử dụng 45 năm kể từ ngày 29/11/1994 - 29/11/2039.

UBND quận Ba Đình và Tây Hồ cũng đã thành lập Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng. Được biết, từ năm 2002, đơn vị đầu tư dự án đã ký hợp đồng liên kết giữ an ninh trật tự với Công an phường Yên Phụ và cho UBND phường Phúc Xá mượn một phần mặt bằng của dự án để làm sân thể thao và làm dịch vụ kết hợp bảo vệ.

Từ đó cho đến nay, 27 năm trôi qua, việc một dự án có quy mô lớn ngay tại địa bàn Hà Nội bị “treo” đang tạo ra rất nhiều hệ lụy xấu. Bởi, ngoài làm ảnh hưởng tới hình ảnh môi trường thu hút đầu tư của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, thì việc này còn ảnh hưởng tới người dân có đất trong quy hoạch không được cấp giấy chứng quyền sử dụng đất, không được cải tạo, sửa chữa nhà dù xuống cấp ở để ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, để có thể tiếp tục triển khai siêu dự án này, thì chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn vướng mắc cả về giải phóng mặt bằng, vốn, quy hoạch hiện tại…

Quy hoạch "chồng" quy hoạch

Mới đây, theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, liên danh thực hiện dự án Sông Hồng City (giữa nhà đầu tư nước ngoài - Antara Koh Development (V) Pte., Ltd và phía Việt Nam là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội đã có văn bản bày tỏ nguyện vọng tiếp tục thực hiện dự án và cam kết triển khai ngay sau khi nhận được mặt bằng.

Trước quy hoạch “treo” của dự án Sông Hồng City, UBND TP Hà Nội đã trả lời kiến nghị của cử tri và cho rằng dự án này bị treo do vấn đề quy hoạch đê điều, quy hoạch thoát lũ, quy hoạch phân khu qua các thời kỳ và khó khăn về tài chính.

Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 1997-2001, do ảnh hưởng và tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á, thị trường BĐS suy thoái, nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính dẫn đến dự án bị ngừng triển khai.

Bên cạnh đó, từ năm 2001, dự án bị ngừng triển khai do có sự thay đổi pháp luật Đê điều. Sau khi Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007, dự án thuộc quy hoạch thoát lũ và chưa phê duyệt quy hoạch phân khu hai bờ sông Hồng.

Vào tháng 2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; Hà Nội cũng đã lập quy hoạch phòng chống lũ chi tiết. Tuy nhiên, sau đó việc lập quy hoạch tạm dừng để xin ý kiến hướng dẫn đảm bảo phù hợp Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019).

Một lần nữa, số phận của Sông Hồng City lại “lênh đênh”, khi dự án này nằm trong vùng cảnh quan hai bên sông Hồng thuộc khu vực UBND TP đang triển khai lập quy hoạch phân khu R4 (khu vực dự án sông Hồng theo quy hoạch riêng). Bởi trước đó, tại văn bản số 5601/UBND-XD ngày 6/7/2011, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo trong thời gian chờ quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt không triển khai các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng mới có tính chất kinh doanh BĐS.

Hiện nay, Đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đang được Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội triển khai nghiên cứu lập theo nhiệm vụ Quy hoạch đã được UBND TP phê duyệt, dự kiến sẽ chính thức công bố vào cuối năm 2021.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập và dự kiến được phê duyệt vào cuối 2021 là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng kể trên của con sông này, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô./.

Bạn đang đọc bài viết Siêu dự án Sông Hồng City sau 27 năm vẫn nằm... trên giấy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Hải Sơn/vnbusiness.vn

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành