Siêu vi khuẩn kháng thuốc có thể giết chết khoảng 40 triệu người vào năm 2050
Một nghiên cứu mới gần đây cho biết số ca tử vong trên thế giới do siêu vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh có thể tăng gần 70% vào năm 2050, qua đó cho thấy mối nguy hiểm của cuộc khủng hoảng siêu vi khuẩn đang diễn ra toàn cầu.
Theo một phân tích toàn cầu, các ca nhiễm siêu vi khuẩn có khả năng gây ra cái chết cho gần 40 triệu người trong 25 năm tới. Các nhà khoa học đang kêu gọi những hành động mạnh mẽ nhằm ngăn chặn viễn cảnh đáng sợ này.
Siêu vi khuẩn – là các chủng vi khuẩn hoặc mầm bệnh đã kháng thuốc kháng sinh, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn – hiện được coi là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Đây là nghiên cứu đầu tiên theo dõi tác động của siêu vi khuẩn trong một khoảng thời gian dài và đưa ra dự đoán về các kịch bản trong tương lai.
Theo tạp chí The Lancet, hơn 1 triệu người chết mỗi năm do các siêu vi khuẩn – vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh (AMR) – trên toàn cầu từ năm 1990 đến 2021.
Số ca tử vong do siêu vi khuẩn ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm hơn 50% trong ba thập kỷ qua nhờ các biện pháp phòng chống và kiểm soát nhiễm trùng. Tuy nhiên, khi trẻ mắc phải những loại siêu vi khuẩn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Ngược lại, số người trên 70 tuổi tử vong do nhiễm khuẩn đã tăng hơn 80% trong cùng thời kỳ, do dân số già trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các bệnh nhiễm khuẩn.
Nghiên cứu cũng cho thấy số ca tử vong do MRSA – một loại vi khuẩn tụ cầu vàng kháng methicillin – đã tăng gấp đôi, lên 130.000 ca vào năm 2021 so với 30 năm trước.
Dựa trên các mô hình dự đoán, các nhà nghiên cứu ước tính rằng nếu không có biện pháp can thiệp hiệu quả, số ca tử vong trực tiếp do kháng kháng sinh sẽ tăng 67%, đạt gần 2 triệu ca mỗi năm vào năm 2050.
Ngoài ra, AMR dự kiến sẽ dẫn đến 8,2 triệu ca tử vong hàng năm, tăng gần 75% so với hiện tại. Theo diễn biến này, trong vòng 25 năm tới, AMR có thể trực tiếp gây ra cái chết của 39 triệu người và liên quan đến tổng cộng 169 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội để tránh viễn cảnh này. Nếu thế giới cải thiện việc điều trị các ca nhiễm trùng nghiêm trọng và mở rộng nghiên cứu thuốc kháng khuẩn, có thể sẽ cứu được khoảng 92 triệu người vào năm 2050, các nhà khoa học nhận định.
"Những kết quả này cho thấy rằng AMR đã là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe toàn cầu trong nhiều thập kỷ, và mối đe dọa này vẫn đang gia tăng", ông Mohsen Naghavi, đồng tác giả nghiên cứu từ Viện Đo lường Sức khỏe Mỹ, phát biểu.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích 22 loại mầm bệnh, 84 kết hợp giữa thuốc và mầm bệnh, cùng với 11 hội chứng nhiễm trùng, bao gồm viêm màng não. Dữ liệu được thu thập từ 520 triệu hồ sơ cá nhân trên toàn cầu.
Báo cáo sẽ được công bố trước thềm cuộc họp cấp cao về AMR tại Liên Hợp Quốc, dự kiến diễn ra vào ngày 26/9 tới.
Kháng kháng sinh là một quá trình tự nhiên, nhưng việc lạm dụng và sử dụng sai thuốc ở con người, động vật và cây trồng đã làm vấn đề này trở nên trầm trọng hơn.
Hải Đăng (T/h)