Sìn Hồ (Lai Châu): Biến chất thải rắn thành cát
Trong những năm qua, vấn đề xử lý rác y tế, nhất là các dụng bằng thủy tinh luôn là thách thức với cơ quan chức năng vùng sâu vùng xa.
Thế nhưng, trong khó khăn thiếu thốn, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã nảy sinh sáng kiến tái chế loại rác thải rắn thành cát nhân tạo sử dụng làm vật liệu xây dựng bể cá, nhà kho…
Đốt và nghiền
Bác sỹ chuyên khoa I Hoàng Việt Bắc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho biết, bình quân hàng năm, Trung tâm xả, thải khối lượng lớn rác thải y tế. Tuy nhiên, với điều kiện hiện có, trung tâm chỉ có thể xử lý các loại rác thải thông thường dễ phân hủy, riêng rác thải thủy tinh thì lâu nay trung tâm khá lúng túng.
Sau khi thu gom các loại chai lọ thủy tinh, nhân viên chỉ đóng thành các bao và lưu trữ trong kho. Tồn tích qua các năm, số lượng rác thải thủy tinh không ngừng tăng, kho không đủ chỗ chứa. Rác thải lưu cữu dù thường xuyên được phun diệt khuẩn, nhưng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và khả năng lây các bệnh truyền nhiễm vẫn rất cao.
Điều này đòi hỏi Trung tâm Y tế cần có biện pháp xử lý rác thủy tinh càng sớm càng tốt. Thế nhưng, nếu mua hệ thống xử lý rác thải như các bệnh viện lớn thì trung tâm không đủ kinh phí. Đào hố chôn lại không bảo đảm an toàn, vì vẫn có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Trong điều kiện khó khăn đó, năm 2020 nhóm cán bộ, y, bác sỹ của Trung tâm đã hiến kế giải pháp hủy vật liệu thủy tinh đựng thuốc. Sáng kiến do Dược sỹ Tẩn A Oái cùng các đồng nghiệp nghiên cứu, và sau một thời gian vận hành thử nghiệm, đến nay đã được Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ chính thức áp dụng để xử lý rác thải y tế.
Chia sẻ về quy trình xử lý rác thải thủy tinh, Dược sỹ Tẩn A Oái cho biết: Sau khi được phân loại, bộ phận chuyên môn sẽ gom ống thuốc thủy tinh đưa vào lò đốt, dưới tác động của nhiệt độ cao sẽ làm vỡ vụn ống thuốc; Đây cũng được xem như một giải pháp khử khuẩn hữu hiệu.
Kết thúc công đoạn 1, sau khi chờ rác thải nguội bớt, sẽ đưa vào máy nghiền cùng với cát thành hỗn hợp cát nhân tạo. Tỷ lệ cát trộn để xay được là 1 phần cát, 4 phần thủy tinh. Sau khi rác thải thủy tinh được nghiền vụn, có thể sử dụng như cát phục vụ cho xây dựng dân dụng.
Nhân rộng mô hình
Đánh giá về mô hình xử lý rác thủy tinh y tế, bác sỹ Hoàng Việt Bắc cho biết, mô hình này rất đơn giản, lại không tốn kém. Lò đốt rác thì Trung tâm có thể tận dụng ngay lò có sẵn, đơn vị chỉ cần mua thêm máy nghiền (loại máy nghiền thức ăn cho gia súc bán trên thị trường với giá 7 - 10 triệu đồng/chiếc).
Hơn nữa, sau khi tái chế rác thủy tinh, Trung tâm đã tận dụng thành phẩm là cát nhân tạo để xây dựng các công trình như bể cá, nhà kho, bồn kho và đúc một số cọc bêtông.
“Những công trình được xây dựng từ cát nhân tạo trở nên ý nghĩa hơn. Bởi ngoài công năng sử dụng, các công trình này còn mang giá trị bảo vệ môi trường, từ đó tạo nguồn cảm hứng cho cán bộ, nhân viên và người dân khi đến Trung tâm”, Bác sỹ Bắc nhấn mạnh thêm.
Bác sỹ Hoàng Việt Bắc cũng cho biết thêm, sáng kiến xử lý rác thải y tế là vật liệu thủy tinh đựng thuốc của Trung tâm Y tế Sìn Hồ đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện Sìn Hồ công nhận, áp dụng rộng rãi. Hiệu quả của sáng kiến đã thấy rõ, cơ bản xử lý nguy cơ ô nhiễm môi trường, giảm chi phí tiêu hủy, xử lý vật liệu thủy tinh, không cần đầu tư kho lưu chất thải rắn.
Từ sáng kiến biến rác thải thủy tinh y tế thành cát của nhóm y dược sĩ ở Sìn Hổ cho thấy mô hình đơn giản dễ áp dụng. Do đó, các cơ sở y tế trên địa bàn miền núi nên tham khảo, có thể áp dụng tại đơn vị mình; qua đó góp phẩn giảm thiểu ảnh hưởng của rác thải y tế tới môi trường sống và hạn chế nguy cơ lây nhiễm khuẩn trong cộng đồng.
Theo Báo Dân tộc