Thứ sáu, 29/03/2024 18:00 (GMT+7)

Sinh kế bền vững cho cư dân vùng ven biển Việt Nam (Kỳ 1)

Nguyệt Minh -  Thứ tư, 06/12/2017 09:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sự gia tăng các rủi ro từ BĐKH đang là một trong những áp lực làm tăng khả năng bị tổn thương của những sinh kế dựa vào các nguồn TNTN tại các cộng đồng ven biển.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử xin trân trọng giới thiệu nội dung trình bày của GS.TS.Trần Thọ Đạt - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân với chủ đề: Sinh kế bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sự gia tăng các rủi ro từ biến đổi khí hậu đang là một trong những áp lực làm tăng khả năng bị tổn thương của những sinh kế dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại các cộng đồng ven biển. Do vậy, xây dựng các sinh kế bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng ven biển là một nhu cấp cấp bách hiện nay trong bối cảnh khí hậu ngày càng biến đổi bất thường và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên sinh kế của người dân ven biển.

Loạt bài viết này phân tích một số nội dung về khung sinh kế bền vững với biến đổi khí hậu, khả năng bị tổn thương và năng lực thích ứng của sinh kế ven biển trước tác động của biến đổi khí hậu và một số vấn đề thực tiễn về biến đổi khí hậu và sinh kế ven biển ở Việt Nam. PV Nguyệt Minh lược thuật.

Kỳ 1: Khả năng bị tổn thương của sinh kế nông nghiệp

Hoạt động nông nghiệp, chủ yếu là trồng trọt, luôn gắn liền với việc sử dụng đất, do đó là sinh kế bị tổn thương nhiều nhất trước tác động của biến đổi khí hậu, được thể hiện trên các khía cạnh chủ yếu sau:

Thứ nhất, tình trạng ngập lụt làm mất đất canh tác.

Ngập lụt sẽ làm mất đất canh tác ở hai khu vực nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng vì khoảng 30% diện tích đồng bằng sông Hồng và 80% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có độ cao dưới 2,5 m so với mực nước biển.

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi ngập lụt vì thời gian ngập úng ở khu vực này thường kéo dài từ 4 đến 5 tháng trong những năm có lũ lớn và làm cho khoảng 40% diện tích đồng bằng bị nhấn chìm nếu mực nước biển dâng thêm 1m vào cuối thế kỷ 21.

Nhiều địa phương ở vùng đồng bằng này sẽ bị chìm trong nước, đặc biệt là Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long,… Đối với vùng đồng bằng sông Hồng, mực nước biển dâng 1m sẽ gây ngập lụt từ 0,3-0,5 triệu ha trong tổng số 1,3 triệu ha của vùng (tức bị ngập từ 23% đến 38% diện tích của vùng). Tính trên phạm vi cả nước, Việt Nam sẽ bị mất đi khoảng hơn 2 triệu ha đất trồng lúa trong khoảng 4 triệu ha đất trồng lúa hiện nay nếu mực nước biển dâng thêm 1m. Mất đất canh tác trong nông nghiệp sẽ đặt ra những thách thức và đe dọa đối với đời sống của nông dân cũng như vấn đề xuất khẩu gạo và đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia.

Thứ hai, tình trạng xâm nhập mặn làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp.

Sự xâm nhập mặn do mực nước biển dâng khiến cho nhiều vùng đất không còn khả năng canh tác. Do ảnh hưởng của nước biển nên đất ven biển thường là đất cát hoặc đất pha cát, bị nhiễm mặn, đặc biệt là khi bị tác động mạnh bởi nước biển xâm nhập vào những thời gian có bão.

Bên cạnh đó, nguồn nước ngọt cho vấn đề tưới tiêu ở các vùng này cũng rất hạn chế. Vì vậy, hoạt động trồng trọt ven biển thường có năng suất thấp. Tình trạng xâm nhập mặn cũng làm cho người dân phải mất nhiều chi phí hơn trong việc khắc phục, đặc biệt là chi phí rửa đầm và các chi phí cải tạo đất, ví dụ như phân bón.

Sự gia tăng mực nước biển sẽ làm xấu thêm tình trạng xâm nhập mặn ở các vùng ven biển. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn vì 2 đồng bằng này đều là những vùng đất thấp so với mực nước biển.

Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Ngập mặn sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 1,77 triệu ha sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở đồng bằng sông Cửu Long và ước tính rằng, có khoảng 85% người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cần được hỗ trợ về nông nghiệp.

Thứ ba, nhiệt độ tăng sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, năng suất, thời vụ gieo trồng.

Bên cạnh ngập úng, lũ lụt, xâm nhập mặn, hạn hán và bão, sản xuất nông nghiệp cũng sẽ chịu ảnh hưởng của nhiệt độ bình quân tối thiểu tăng lên. Số ngày có nhiệt độ dưới 20oC sẽ giảm xuống (từ 0–50 ngày vào năm 2070) và số ngày có nhiệt độ trên 25oC tăng lên (0-80 ngày vào năm 2070). Điều này sẽ ảnh hưởng đến thời gian sinh trưởng, lịch gieo cấy, sự phân bố cây trồng, tình trạng cây trồng nhiệt đới di chuyển lên vùng phía bắc 100-200 km và đến những vùng có độ cao 100-500 m so với mực nước biển để thay thế những cây trồng ôn đới, bán nhiệt đới.

Một số loài cây trồng sẽ bị tuyệt chủng do thời tiết thay đổi. Năng suất lúa xuân ở vùng đồng bằng sông Hồng có thể giảm 3,7% vào năm 2020 và giảm tới 16,5% vào năm 2070; năng suất lúa mùa sẽ giảm 1% vào năm 2020 và giảm 5% vào năm 2070 nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Bạn đang đọc bài viết Sinh kế bền vững cho cư dân vùng ven biển Việt Nam (Kỳ 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới