Sóc Trăng: Phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Đại Ngãi
Khu vực lập quy hoạch thuộc xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch là 196,30 ha.
Ngày 25 tháng 7 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 1680/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, tỷ lệ 1/2.000. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2024.
Khu vực lập quy hoạch thuộc xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, gồm các khu chức năng chính như: Khu đất sản xuất công nghiệp, kho bãi; khu hành chính dịch vụ; khu các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật; khu đất giao thông, bến bãi; Khu cây xanh, cây xanh cách ly. Phía Đông giáp Quốc lộ 91B và một phần giáp Sông Hậu; Phía Tây cách bờ kênh Bà Sẫm khoản 65m; Phía Nam giáp mép đường nông thôn dọc kênh Bao Biển; Phía Bắc cách tim đường dự kiến nối với cầu Đại Ngãi khoảng 55m.
Quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch là 196,30 ha, bao gồm: diện tích thực hiện dự án khu công nghiệp Đại Ngãi 196,0 ha; đất hạ tầng đối ngoại 0,3 ha (bao gồm các diện tích đất hạ tầng đối ngoại 0,04 ha và diện tích đất hạ tầng giao thông 0,26 ha).
Đây là khu công nghiệp đa ngành, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp dệt may, da giày, chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp, các ngành cơ khí, các ngành tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa và một số lĩnh vực khác đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường theo định hướng của tỉnh, định hướng thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp dệt may, da giày…; Công nghiệp cơ khí, chế tạo máy móc, động cơ, trang thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp, nuôi trồng, khai thác biển và các ngành kinh tế biển khác...; Chế biến nông sản, thủy sản; Sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản; Sản xuất vật liệu xây dựng; Sản xuất đồ gỗ, thiết bị nội thất,...; Sản xuất bao bì các loại và các ngành công nghiệp bổ trợ phục vụ sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; Một số lĩnh vực khác đảm bảo vệ sinh môi trường theo định hướng của tỉnh. Hạn chế các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nặng cho môi trường như: tái chế, mua bán chất phế thải: giấy, nhựa, kim loại, dầu nhớt cặn; tẩy, nhuộm, hồ, in trên các sản phẩm vải sợi, dệt, may, đan; luyện cán cao su; thuộc da; xi mạ điện,...