Thứ tư, 24/04/2024 16:35 (GMT+7)

Sơn La: Liên tiếp 7 trận động đất, có liên quan gì đến hồ thủy điện?

MTĐT -  Thứ ba, 28/07/2020 10:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng nay (28/7), trên địa bàn huyện Mộc Châu (Sơn La) tiếp tục xảy ra 2 trận động đất. Như vậy, kể từ 12 giờ trưa ngày hôm qua huyện Mộc Châu đã xảy ra 7 trận động đất.

Cụ thể, theo thông tin từ Viện Vật lý địa cầu, trận mới đây nhất là vào hồi 01 giờ 26 phút42 giây (giờ GMT) ngày 28/7 tức 08 giờ 26 phút 42 giây (giờ Hà Nội) ngày 28/7 một trận động đất có độ lớn 4.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (20.922 độ vĩ Bắc, 104.737 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 12.1 km.

Đây là trận động đất thứ bảy kể từ 12 giờ trưa ngày hôm qua.

Cách đó ít giờ, vào hồi 23 giờ 17 phút 20 giây (giờ GMT) ngày 27/7 tức 06 giờ 17 phút 20 giây (giờ Hà Nội) ngày 28/7 một trận động đất có độ lớn 3.3 xảy ra tại vị trí có tọa độ 20,924 độ vĩ Bắc, 104,698 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Động đất đã làm nứt, lún tường 127 nhà dân.

Trước đó, trong ngày 27/7, trên địa bàn này đã xảy ra 5 trận động đất, trận đầu tiên cũng là trận động đất mạnh nhất là xảy ra lúc 12 giờ 14 phút với độ lớn 5.3 độ richter.

Trận động đất muộn nhất xảy ra đêm qua là vào 23 giờ 23 phút 01 giây (giờ Hà Nội), có độ lớn 2,6 xảy ra tại vị trí có tọa độ 20,916 độ vĩ Bắc, 104,691 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 9,1 km.

Động đất đã làm nứt, lún tường 127 nhà dân và trụ sở UBND xã, trường học ở Mộc Châu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi công điện yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả động đất ở Sơn La.

Đây là lần đầu tiên huyện Mộc Châu xảy ra nhiều trận động đất trong một thời gian ngắn, điều này khiến người dân vô cùng bất an.

Chia sẻ với VOV, anh Ngô Hải Dương, người dân ở tiểu khu 3, thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Tôi thấy gia đình chúng tôi và mọi người xung quanh rất hoảng loạn. Ngay từ chiều, gia đình chúng tôi và những người hàng xóm cách tâm chấn khoảng 3km đã chủ động các phương án ứng phó.

Chúng tôi có bố trí người túc trực thường xuyên và chủ động đảm bảo an toàn nhất cho mọi người trong gia đình và những người hàng xóm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lo lắng thấp thỏm”.

Trao đổi với VTCNews về vấn đề này, PGS.TS Cao Đình Triều - nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, những trận động đất vừa xảy ra ở các tỉnh Tây Bắc là điều bình thường, phù hợp với quy luật và không có đột biến.

Theo ông Triều, hoạt động động đất có chu kỳ nhất định, thường trong một khu vực sẽ có một thời gian không xảy ra động đất được gọi là thời kỳ yên tĩnh động đất. Đây là thời ký tích lũy năng lượng trong vỏ Trái đất, khi năng lượng tích luỹ đến mức tối đa sẽ chuyển sang khoảng thời gian có động đất liên tục, được gọi là thời kỳ động đất tích cực.

"Khu vực Tây Bắc nước ta cũng vậy, có thời gian yên tĩnh và thời gian hoạt động mạnh. Và từ năm 1996, sau trận động đất Mường Luân đến nay cho thấy đã bắt đầu vào giai đoạn hoạt động tích cực", ông Triều nói.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cũng cho biết, thực chất các trận động đất thời gian qua không hẳn là các trận động đất khác nhau ở cùng một nơi mà chỉ có một trận động đất chính, các trận động đất tiếp theo sau đó được coi là các dư chấn của trận động đất chính.

Về ý kiến cho rằng, ảnh hưởng của mưa lũ, việc tích nước ở các hồ chứa thủy điện có thể là yếu tố dẫn đến các trận động đất, theo ông, các trận động đất vừa rồi không có khả năng liên quan đến mưa lũ và các hồ chứa, đập thuỷ điện mà chỉ là các trận động đất tự nhiên.

"Khu vực Lai Châu, Sơn La nằm trên đứt gãy sông Đà, khu vực được các chuyên gia khoanh vùng và dự báo là có nguy cơ xảy ra động đất cao, không liên quan đến các hồ chứa.

Thực tế lượng nước tích ở các thuỷ điện vùng Tây Bắc hiện nay cũng không lớn đến mức có thể gây ra động đất kích thích. Các trận động đất vừa qua hoàn toàn chỉ là động đất tự nhiên", ông Triều nhận định.

Trước đó, từ ngày 13/6 - 2/7 trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng xảy ra tới 7 trận động đất. Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho rằng, những trận động đất này là hoạt động có tính quy luật. Theo đó, động đất khác với các loại hình thiên tai khác ở chỗ đây là hoạt động tích lũy năng lượng nhiều năm, thậm chí là hàng trăm năm chứ không có tính chu kỳ.

Ông Xuân Anh khẳng định Tây Bắc là nơi có tính động đất cao. Số liệu về những trận động đất được ghi nhận trong quá khứ cũng cho thấy hoạt động động đất mạnh ở khu vực này.

"Chúng tôi đánh giá khu vực Tây Bắc như Điện Biên, Tuần Giáo, Lai Châu, Sơn La,… có thể phải chịu đựng những chấn động cấp 8-9 trong tương lai", Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Sơn La: Liên tiếp 7 trận động đất, có liên quan gì đến hồ thủy điện?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.