Thứ sáu, 29/03/2024 15:00 (GMT+7)

Sống trong sợ hãi

MTĐT -  Thứ hai, 23/10/2017 10:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại huyện Nhà Bè, quận 7, quận Thủ Đức (TPHCM) có hàng trăm gia đình đang sống trên những bờ sông có nguy cơ sạt lở cao (phía dưới bị hàm ếch), di dời chưa được, mà ở cũng không yên.

Những căn nhà nằm trên bờ sông đang sạt lở ở khu phố 1, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức

Lo xảy ra tai họa
Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), cho biết: “Mùa này nước triều lên cao và khi nước ròng thì càng kiệt. Trong điều kiện thời tiết thất thường này, bờ sông có nguy cơ sạt lở cao, nên cán bộ phường luôn có mặt, canh chừng các điểm nóng. Mỗi dấu hiệu bất thường dưới sông, trên tường rào, hay vết nứt mới trên tường nhà dân đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ để có biện pháp xử lý kịp thời. Ban ngày canh kỹ, đêm khuya nghe tiếng điện thoại là giật mình. Nhiều tháng nay, không chỉ những người dân sống trên “hàm ếch” phải thao thức lo âu, mà cán bộ phường cũng không có giấc ngủ ngon, vì lo xảy ra tai họa nhà dân sạt xuống sông”. 
Khúc bờ sông phía quận Thủ Đức từ cầu Bình Phước đến cầu Bình Lợi thường xuyên xảy ra sạt lở. Đã có nhiều căn nhà, vườn cây, hàng ngàn mét vuông đất sạt xuống sông. “Hàm ếch” dễ dàng nuốt chửng cả căn biệt thự xây dựng kiên cố trong nháy mắt. Hiện nay hàng chục căn nhà, hàng quán ở ven sông thuộc khu phố 1, phường Hiệp Bình Chánh đang bị nước gặm dần. Nhiều điểm đã sập bờ tường, hàng rào. Cư dân ở đây đang sống trong cảnh bất an, vì chưa biết nhà sập xuống sông lúc nào. Nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn không thể tìm nơi ở khác, đành liều sống trong tình thế nguy hiểm. Những hôm triều cường, họ phải thức trắng để canh chừng động tĩnh.  
Nhiều hộ dân ở xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) cũng đang đối mặt với sạt lở. Cách nay chưa lâu đã xảy ra vụ sạt lở bờ sông Kinh Lộ (địa bàn tổ 4, ấp 3). Chỉ trong nháy mắt, con nước đã kéo hàng loạt ngôi nhà đổ xuống sông, nhiều hộ rơi vào tình cảnh trắng tay, mất đất, mất nhà. Ông Đỗ Minh Toàn, Chủ tịch UBND xã Hiệp Phước, cho hay: “Trong vụ sạt lở đó, mất nhà cửa nhưng may mắn giữ được người. 14 hộ dân đã được bố trí tạm cư. Trên địa bàn xã hiện có 6 điểm nguy cơ sạt lở cao, 59 hộ đang sống trong cảnh bất an. Ai cũng biết nguy hiểm, nhưng di dời đi nơi khác cũng khó trăm bề, nên đành bất chấp rủi ro, cố bám trụ”.  
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trên địa bàn TP đang có đến 45 điểm sạt lở bờ sông nghiêm trọng, tập trung ở huyện Nhà Bè, quận Thủ Đức, quận 7. Trong thời gian gần đây, tình hình biến đổi khí hậu có nhiều bất thường, triều cường ngày một cao, dòng chảy sông rạch thay đổi khó lường đã làm tăng thêm các điểm sạt lở nguy hiểm, số hộ dân bị ảnh hưởng ngày một nhiều hơn. 
Bao giờ được an cư
An toàn cho người dân sống trên các điểm có nguy cơ sạt lở cao là nhiệm vụ cấp bách đối với chính quyền các cấp. Với mục tiêu không để xảy ra thiệt hại về nhân mạng và hạn chế tối đa thiệt hại tài sản, nhà cửa của người dân, TPHCM đã lên phương án xây dựng 33 công trình chống sạt lở, tổ chức di dời để đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Theo đó, ngày 1-1-2018, những quận - huyện có các điểm nguy cơ sạt lở phải bàn giao mặt bằng để thi công công trình chống sạt lở. 
Tạo chỗ ở ổn định cho 14 hộ tạm cư và di dời gần 59 hộ dân đến nơi ở mới để tránh sạt lở đang là bài toán khó đối với chính quyền xã Hiệp Phước. Qua khảo sát ban đầu, nhiều hộ đang ở nhà thuê, giấy tờ nhà đã thế chấp ở ngân hàng, nhà không nguồn gốc hợp pháp. Như vậy sẽ có không ít hộ không đủ điều kiện để được đền bù cũng như bố trí đất nền tái định cư. Cuộc sống của nhiều hộ rất khó khăn, sẽ khó tạo lập được chỗ ở mới nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền. 
Để bảo đảm an toàn cho người dân, nhiều công trình xây dựng, bờ kè được đầu tư xây mới. Trong điều kiện cấp bách, việc khởi công xây dựng hàng loạt công trình chống sạt lở đang gặp nhiều trở ngại. Cùng với khó khăn do kinh phí hạn hẹp, thiếu mặt bằng, còn có khó khăn về kỹ thuật thi công. Các công trình xây dựng bờ kè đều đang phải thi công trong điều kiện thủy văn, địa chất phức tạp. Mỗi công trình dù lớn hay nhỏ đều phải có thời gian để khảo sát, thiết kế và thi công. Đã có trường hợp vì chạy đua với thời gian, đơn vị thi công đã làm bờ kè chống sạt lở không bảo đảm kỹ thuật, công trình đầu tư hàng tỷ đồng, chưa làm xong đã đổ ập xuống sông.
Bạn đang đọc bài viết Sống trong sợ hãi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Sài gòn giải phóng

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.