Thứ sáu, 19/04/2024 20:59 (GMT+7)

Sự kiện giải phóng Phủ Yên Thế ngày 17/7/1945 trên vùng đất Nhã Nam

MTĐT -  Thứ bảy, 31/12/2022 07:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nằm ở trung tâm thị trấn Nhã Nam, Đồi Phủ cao chừng 20m và diện tích khá rộng, xưa là nơi đứng chân của 5 làng: Ngò, Chuông, Lã, Vàng, Cầu. Vốn ban đầu gọi là Đồi Đình vì trên đỉnh đồi của nó có một ngôi Đình của làng Chuông.

Nằm ở trung tâm thị trấn Nhã Nam, Đồi Phủ cao chừng 20m và diện tích khá rộng, xưa là nơi đứng chân của 5 làng: Ngò, Chuông, Lã, Vàng, Cầu. Nay gồm các Tổ dân phố Tiến Phan, Đoàn Kết ...vốn ban đầu gọi là Đồi Đình vì trên đỉnh đồi của nó có một ngôi Đình của làng Chuông.

tm-img-alt
Bia ghi dấu sự kiện cách mạng  8/1945 tại Đồi Phủ - Nhã Nam

Sau khi Thực dân Pháp lập Đồn Binh rồi đóng lị sở tại đây thì đình làng phải di chuyển về làng khoảng những năm cuối thế kỷ XIX. Khi Đồi Phủ trở thành thủ phủ của huyện Yên Thế, Đồi Đình đổi thành Đồi Phủ vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Có thể là như vậy.

Nhưng cũng có thể chậm hơn 1 chút. Từ khi xác lập đồn binh tại Nhã Nam khoảng những năm 1885 vùng đất Yên Thế không ngừng biến động, thực dân Pháp và tay sai vô cùng lúng túng trước Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế. Lúng túng ngay cả trong việc quản lý Yên Thế vì nó liên tục thay đổi. Năm 1891 toàn quyền Đông Dương ra Nghị định lập tại 4 đạo quan binh.

Huyện Yên Thế khi đó thuộc Tiểu Quân khu Thái Nguyên của Đạo Quan binh số 1. Năm 1895 toàn Quyền Đông Dương quyết định thành lập tỉnh Bắc Giang, huyện Yên Thế thuộc tỉnh Bắc Giang. Cũng trong năm đó y lại ra Nghị định thành lập Tiểu quân khu Yên Thế thuộc Đạo quan binh số 1 do giới Quân sự cai trị, Năm 1899 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định bãi bỏ Tiểu quân khu Yên Thế giao quyền cai trị cho dân sự.

Dù là Quân sự hay dân sự cai trị vùng đất Yên Thế thì khi đó Yên Thế vẫn là đơn vị hành chính cấp huyện: HUYỆN YÊN THẾ. Cho đến ngày 26.5.1909 Toàn quyền Đông Dương ra quyết định: Huyện Yên Thế được lập thành PHỦ YÊN THẾ. Cũng có thể Đồi Đình đổi thành Đồi Phủ trong khoảng thời gian này.

Hoàn cảnh lịch sử.

Để tìm hiểu về trận đánh chiếm phủ lỵ Yên Thế ngày 17.7.1945 nên trở về điểm xuất phát ban đầu của mốc son này. Thôn An Liễu, xã Lam Cốt, huyện Tân Yên, xưa là trại An Liễu thuộc Yên Lý.

Cụ Trần Đình Nhận là con trai của cụ Trần Đình Toại – Hội viên Việt Nam thanh niên cách mạng Đồng chí hội và là một trong những đảng viên đầu tiên của huyện Yên Thế xưa.

Cụ Nhận năm nay đã 96 tuổi và trên 70 tuổi đảng nhưng vô cùng minh mẫn, cụ cho biết: Xưa cả dải đất này thưa thớt dân cư và nhiều rừng rậm. Đây chính là lợi thế cho những người hoạt động cách mạng thời kỳ khó khăn đó. Tháng 8 năm 1940 Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang được thành lập.

Đồng chí Hà Thị Quế được phân công phụ trách Yên Thế. Ngày 5.5.1944 đồng chí Hà Thị Quế về ấp Yên Lý gây dựng cơ sở cách mạng. Sau đó tại Yên Lý mở nhiều lớp huấn luyện quân sự phong trào phát triển mạnh và lan rộng.

Ngày 15/7/1944, Ban Cán sự tỉnh Đảng bộ đã họp và đề ra chủ trương mở rộng Mặt trận Việt Minh để thu hút những hào lý có ý thức và tinh thần dân tộc.

tm-img-alt
Với cái tên "Tướng Việt Minh đàn bà", bà Hà Thị Quế năm 24 tuổi đã nổi tiếng cả vùng Bắc Giang, làm quân lính, tổng lý thời Pháp thán phục kính nể.
Trong ảnh: Bà Hà Thị Quế (đứng giữa) trong buổi gặp mặt kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Ảnh TL

Đồng chí Hà Thị Quế đã về chỉ đạo trực tiếp và trao đổi với ông Đỗ Văn Kham (Chỉ Kham) tổ chức cuộc họp các hào lý trong vùng. Ông Chỉ Kham đã mời các hào lý tới nhà của ông để họp, nghe đồng chí Hà Thị Quế phổ biến chủ trương của Mặt trận Việt Minh.

Như vậy, Phủ Yên Thế đã có tổ chức Hội Hào lý cứu quốc, đây là chủ trương sáng tạo nhằm tập hợp đông đảo tầng lớp hào lý tham gia vì họ có trình độ học vấn, lại có uy tín trong Nhân dân, dễ che mắt địch, đồng thời ủng hộ vật chất và tinh thần cho cán bộ Việt Minh.

Đầu năm 1945, nhiều gia đình ở Nhã Nam được tuyên truyền và giác ngộ đã là cơ sở cách mạng vững chắc. Như thế, hoạt động của Mặt trận Việt Minh đã lan rộng và có ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trong vùng.

Tháng 9/1944, tại thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn và thôn Đồng Điều, xã Tân Trung đã diễn ra sự kiện thành lập Chi bộ Đảng phủ Yên Thế, đồng chí Hà Thị Quế làm Bí thư 2 Chi bộ này, Ở Nhã Nam có đồng chí Nguyễn Sinh vinh dự được kết nạp vào Đảng.

Những tập dượt đầu tiên

Đêm 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, ngay đêm 9/3 Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp đề ra chủ trương tranh thủ thời cơ, phát động phong trào kháng Nhật và ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Ngày 16 và 17 tháng 3 năm 1945 Ban cán sự tỉnh Bắc Giang đã họp quán triệt Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, đề ra những giải pháp nhiệm vụ để thực hiện tốt khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” đưa phong trào cách mạng của tỉnh tiến lên.

Tại Yên Thế, cơ sở cách mạng được mở rộng sang khu vực phía Đông và Nam. Song song với việc xây dựng lực lượng chính trị, là xây dựng lực lượng vũ trang. Ngày 15-3-1945, tự vệ Lữ Vân phá kho thóc của Hàn Lân, lấy hơn 100 tấn thóc chia cho nhân dân. Những ngày sau đó, các kho thóc của địch ở Nhã Nam, Khánh Giàng,

Lục Liễu cũng bị phá tung, thóc được lấy ra chia cho nhân dân thiếu đói. Lực lượng tự vệ các địa phương trong phủ đập tan các băng đảng trộm cướp, đảng phái phản động lợi dụng tình hình Nhật đảo chính Pháp để cướp phá, gây rối. Ngày 18/3/1945, lực lượng tự vệ trong phủ đánh đồn Bố Hạ.

Ngày 20/3/1945 tự vệ Canh Nậu, Đồng Vương, Đồng Hưu tiến sang Võ Nhai phối hợp đánh đồn Đình Cả, sông Đào. Cuối tháng 3 năm 1945, tự vệ khu vực kè Lữ Vân chặn đánh đoàn thuyền chở dầu và thóc của Nhật, lấy thóc chia dân, còn thuyền và dầu đốt tại chỗ.

Ngày 15/4/1945 lợi dụng lúc địch đang sơ hở, được lệnh của cấp trên lực lượng tự vệ Yên Lý, Nhã Nam, Đồng Điều phối hợp đánh vào phủ Yên Thế lần thứ nhất. Địch không kịp trở tay, ta đã tước được 17 súng, 2 máy chữ, đốt hết giấy tờ sổ sách của chính quyền địch.

Ngày 15/6/1945, các đồng chí lãnh đạo phong trào cách mạng phủ Yên Thế tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng ở Mỏ Trạng có hàng trăm tự vệ các địa phương tham dự.

Ngày 13/7/1945 đồng chí Hà Thị Quế tổ chức lực lượng xuất quân từ Yên Lý đi đánh phủ Yên Thế nhưng tình thế bất lợi, được tin tên Tuần Trang đi công tác trên đường từ Bố Hạ về Nhã Nam, đội vũ trang đã tổ chức lực lượng thành 3 nhóm trong đó có 5 tự vệ của Nhã Nam mai phục ở Dốc Đanh.

Khi Tưởng Văn Trang cùng với binh lính đi tới, lực lượng mai phục đã đổ ra nổ súng bắn chết tại chỗ 1 lính, bắn Tưởng Văn Trang bị thương, những tên còn lại vội vàng đầu hàng. Ngay đêm đó lực lượng cách mạng đã đưa Tưởng Văn Trang ra trước quần chúng để vạch tội và tử hình cùng với tên Lục Sự.

Việc giết Tưởng Văn Trang và tay sai đã gây tiếng vang lớn trong toàn phủ Yên Thế. Khí thế của Mặt trận Việt Minh đã vang dội tới từng người dân. Đây có thể coi như những cuộc tập dượt đầu tiên, qua đó rèn luyện và khâu nối trong phối hợp thực hiện cho nhiệm vụ sau này.

Công cuộc giải phóng phủ Yên Thế 17/7/1945

Sau khi bắt được toán lính và xử tử tri phủ Trang, tình hình địch rất hoang mang. Lợi dụng tình hình ấy, bà Quế tung tin Việt Minh sắp đánh phủ Yên Thế. Thanh niên, học sinh viết nhiều truyền đơn ca ngợi Việt Minh và thanh thế của cách mạng, nêu rõ sự sụp đổ của Pháp, sự tàn ác của Nhật.

Các truyền đơn được viết tay, cuộn tròn như tổ sâu, buộc dây có hòn sỏi ném vào đồn địch. Trước sức mạnh của phong trào cách mạng, từ sự phân tích tình hình thuận lợi, khó khăn tại Phủ Yên Thế. Nhận thấy thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở Yên Thế đã chín muồi.

Đồng chí Hà Thị Quế đã quyết định tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ngay trong đêm 16/7/1945. Tại khu căn cứ cách mạng Yên Lý sôi động hẳn lên, đồng chí Hà Thị Quế đã tập trung các lực lượng vũ trang tại đình Yên Lý đi đánh Phủ Yên Thế lần thứ ba để giành chính quyền tại Phủ lị được thắng lợi, hạn chế thương vong, đổ máu không cần thiết, đội tự vệ, cán bộ Việt Minh đã họp bàn kế hoạch đánh Phủ, trong đó coi trọng công tác vận động, giác ngộ bộ phận lính, bộ phận phục vụ trong Phủ là hết sức cần thiết.

Không ngại nguy hiểm, bà Quế nhiều lần bí mật hẹn gặp và thuyết phục đội Cương hàng phục quân cách mạng. “Trưa 15/7/1945, chúng tôi quyết định thử một lần nữa xem Đội Cương có thực sự theo ta hay không, bằng cách mời Đội Cương đến ăn cơm để dò hỏi tình hình binh lính, chúng tôi nhận định: Nếu Đội Cương không thật tâm thì hắn sẽ không đi một mình” (trích hồi ký).

Đội Cương đã đến một mình, bà Quế cùng một tiểu đội du kích có súng kíp, súng lục vũ trang ra gặp Đội Cương, Bà nói với Đội Cương: “Anh phải theo lệnh của tôi, một ngày gần đây chúng tôi sẽ đánh phủ Yên Thế.

Nếu anh không theo chúng tôi, tôi sẽ thông báo với Nhật là anh đã tiếp xúc với Việt Minh. Như vậy nếu anh phản bội chúng tôi thì Nhật cũng sẽ giết anh”. Sau nhiều lần trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền giáo dục với những khó khăn gian nan, căng thẳng cán bộ Việt Minh mà cụ thể là đồng chí Hà Thị Quế đã thuyết phục được Đội Cương, Viên đội chỉ huy lính Bảo An trong phủ và 2 lính Bảo An theo kế hoạch của ta.

Cán bộ Việt Minh bày mưu cho Đội Cương tổ chức một toán lính đi tuần từ phủ Yên Thế ra cầu Trắng cách đó 1 km và hậu thuẫn để cho Việt Minh cướp súng của binh lính.

Đêm ngày 16 rạng ngày 17 tháng 7 năm 1945, theo kế hoạch do ta đề ra, viên đội chỉ huy lính dẫn theo một tiểu đội đi tuần, bị ta tước vũ khí ở Cầu Trắng.

Sau đó buộc chúng phải dẫn lực lượng vũ trang của ta vào chiếm Phủ Yên Thế. Kết quả ta bắt sống tên Tri phủ Phùng Đình Ân, 23 tên lính khố xanh, chiếm giữ kho vũ khí thu 23 khẩu súng đạn cùng các chiến lợi phẩm khác.

Các hồ sơ, giấy tờ, bản án của chế độ thực dân phong kiến kết tội nhân dân Yên Thế đã bị tiêu hủy. Sau đó quần chúng nhân dân ở các địa phương khác trong huyện Yên Thế đã vùng dậy giành chính quyền.

Cuộc khởi nghĩa từng phần giành chính quyền trong toàn huyện Yên Thế đã thành công. Ách thống trị của thực dân phong kiến bị xóa bỏ, quần chúng nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của mình.

Sau khi giành chính quyền thành công, để ổn định tình hình đồng chí Hà Thị Quế đã giao cho đồng chí Nguyễn Sinh về Nhã Nam tuyên bố xóa bỏ chính quyền phong kiến, thực dân.

Ủy ban cách mạng lâm thời ở Phủ Yên Thế được thành lập do đồng chí Đỗ Xuân Thư làm Chủ tịch. Mặt trận Việt Minh phủ Yên Thế do đồng chí Nguyễn Văn Giảng làm Chủ tịch.

Cần xây dựng Tượng đài chiến thắng trên Đồi Phủ.

Sự kiện ngày 17/7/1945 Chiến thắng giải phóng Phủ Yên Thế giành chính quyền về tay nhân dân được coi là sự kiện lịch sử quan trọng không chỉ với nhân dân Nhã Nam mà còn với nhân dân tỉnh Bắc Giang và nhân dân cả nước. Với sự kiện lịch sử giải phóng Phủ Yên Thế (17/7/1945) nhanh nhất, ít tổn thương nhất.

Phân tích tình hình một cách khoa học quân ta đã chọn cách đánh lấy phủ một cách hiệu quả nhất theo lối: Mưu phạt tầm côn, không đánh mà người chịu khuất. Chỉ trong một đêm cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở phủ Yên Thế đã hoàn toàn thắng lợi mà không hề phải đổ máu. Kể từ đây nhân dân Yên Thế bắt tay vào việc củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng và xây dựng chế độ mới.

Nói về Đồi Phủ, theo quan niệm của dân gian, Đồi Phủ có hình thế “sư tử vờn cầu”, đồ rằng đây là thế đất đẹp, chân mệnh Đế vương có ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng đất xung quanh do đó Thầy Tầu đã từng về đây cho đào 5 giếng nước: Giếng Phan, Giếng Ngò, Giếng Vàng, Giếng Lã và Giếng Cầu quanh đồi để trấn yểm. Hệ thống giếng này nay vẫn còn, nhưng ý đồ thâm sâu của lũ thổ phỉ tầu thì lại thất bại và bị đánh đuổi khỏi mảnh đất này.

Từ khi có đồn binh, rồi trở thành thủ phủ huyện Yên Thế, cư dân các nơi kéo về làm ăn, hình thành phố Nhã Nam bên Đồi Phủ, chợ Nhã Nam cũng ra đời, phát triển làm cho khu vực này khi đó thành trung tâm lớn của Yên Thế. Trong Khởi Nghĩa Nông dân Yên Thế, thực dân Pháp chọn Đồi Phủ là nơi đặt đại bản doanh.

Nơi đây còn là địa điểm tập kết của các cuộc hành binh vào các vùng ngoại vi. Đồi Phủ cũng là nơi chứng kiến kết quả của hai cuộc hoà hoãn giữa Pháp và Đề Thám (lần 1 thời gian 1894-1897 và lần 2 thời gian 1897-1909) với các sự kiện tiêu biểu: Đề Thám bắt Sécnay, Đề Thám 2 lần ra Nhã Nam với tinh thần của một nhà yêu nước chống kẻ thù xâm lược.

Nhã Nam cũng từng chứng kiến nhiều tướng, tá Pháp đã đặt chân đến và điên đầu vì không có được một kế hoạch đánh dẹp nghĩa quân Yên Thế, mà ngược lại chúng phải ra đi lần lượt rồi chuốc lấy hết thất bại này đến thất bại khác. Cũng chính tại Đồi Phủ đã ghi lại sự kiện cuối cùng về sự hy sinh của Hoàng Hoa Thám.

Từ năm 1943-1945, Đồi Phủ đã chứng kiến các hoạt động của lực lượng cách mạng Yên Thế nhằm phá bỏ thủ phủ của chính quyền thực dân, phong kiến trên miền đất Yên Thế, nổi bật là sự kiện nổi dậy giải phóng Phủ Yên Thế tháng 7 năm 1945 giành chính quyền về tay cách mạng, lật đổ chính quyền thực dân phong kiến cũ của Pháp và bè lũ tay sai, kết thúc 60 năm ngự trị của một đội quân lấy Đồi Phủ làm đại bản doanh.

Đồi Phủ là nơi chứng kiến và cũng là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại với cả vùng Tân Yên và Yên Thế. Hiện nay, xung quanh đồi Phủ đậm đặc các di tích LSVH và LSCM. Phía Đông Đồi Phủ có ngôi chùa Nam Thiên hay còn gọi là chùa Phố, Đình Nam Sơn, Điện Nam Thiên. Đình Chuông, Phía Bắc Đồi Phủ có Đền thờ Cả Trọng, con trai Hoàng Hoa Thám.

Phía đối diện Đồi có nghĩa địa Pháp (nơi mà thực dân Pháp dùng để chôn những tên sỹ quan, binh lính Pháp, Việt bị chết trong các trận đánh với nghĩa quân Yên Thế. Phía Nam đồi có Đền Gốc Khế, xế xuống chân đồi Phủ là Ao ông Chấn Ký đều đã xếp hạng Di tích QG đặc biệt, xa hơn một chút là chùa Tứ Giáp và Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy CAND, đền Đề Truật, Đình Hả xã Tân Trung, thành Tỉnh Đạo xã Quang Tiến.

Có thể nói, Đồi Phủ với một hệ thống dày đặc di tích lịch sử quan trọng và ở Tân Yên, đây là nơi có nhiều di tích nhất, nhiều câu chuyện để kể nhất, tiềm năng tạo nên một điểm du lịch đặc biệt của huyện Tân Yên. Là địa điểm ghi dấu những sự kiện quan trọng trong Khởi nghĩa nông dân Yên Thế.

Dấu son đỏ trong cuộc đánh đổ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng Yên Thế năm 1945, và những sự kiện sau đó trong 9 năm kháng chiến chống Thực dân Pháp.

Những sự kiện lịch sử và quan trọng này đều đã được lập bia lưu dấu. Tất cả sự kiện đã diễn ra quanh ngọn đồi lịch sử này cho thấy: Nhã Nam là vùng trọng địa không chỉ với huyện Tân Yên.

Cần nói thêm, về địa lý Đồi Phủ ở vào vị trí quá đẹp, đủ cao và là giao hội của các con đường từ Bắc Giang lên Phú Bình, Cầu Gồ, Bố Hạ sang Lạng Giang, lại có trục đường thẳng từ ngã 4 Nhã Nam chạy đến chân đồi. Theo thiển ý của tôi: Nên qui hoạch và xây dựng một Tượng đài Kỷ niệm Giải phóng đồi Phủ. Một nhà Bia ghi dấu ấn, một đồi cây xanh trên đồi Phủ và khu vực Nghĩa địa Pháp, Di tích này xứng đáng và đủ điều kiện để chúng ta suy nghĩ về điều đó.

Trấn Đình Dũng
Phó Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện Tân Yên
Châu Giang
Trung tâm Văn hóa Thông tin- Thể thao

Bạn đang đọc bài viết Sự kiện giải phóng Phủ Yên Thế ngày 17/7/1945 trên vùng đất Nhã Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước
Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.
Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...