Thứ sáu, 29/03/2024 13:06 (GMT+7)

Ăn gì để tăng sức đề kháng phòng chống Covid-19?

MTĐT -  Thứ hai, 09/03/2020 14:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các chuyên gia y tế, bên cạnh việc sử dụng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… cần bổ sung nhiều dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Tính đến nay, dịch Covid-19 đã lan ra 101 quốc gia trên thế giới với gần 110.000 người mắc và hơn 3.800 người tử vong. Tại Việt Nam, đã ghi nhận 30 trường hợp mắc Covid-19. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần sử dụng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, hạn chế tụ tập nơi đông người... Bên cạnh đó, việc bảo vệ cơ thể từ bên trong cũng không kém phần quan trọng.

Sức đề kháng được xem như thành trì bảo vệ sức khỏe khỏi sự tấn công từ các tác nhân bên ngoài. Sức đề kháng giúp cơ thể ngăn cản virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng… xâm nhập vào bên trong. Cơ thể khỏe mạnh sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh, đồng thời phục hồi nhanh nếu không may bị lây nhiễm.

Sức đề kháng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe nhưng nhiều người không thực sự quan tâm đến yếu tố này. Thay vì nâng cấp thành trì vốn có của cơ thể, nhiều người chỉ tận dụng đến khi cạn kiệt, khiến bộ máy không thể chống đỡ khi có sự xâm nhập của virus, vi khuẩn...

Vì vậy, trong thời điểm dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, việc chủ động tăng sức đề kháng được đánh giá là cấp thiết.

Tỏi, hành và hẹ

Tỏi không chỉ là gia vị không thể thiếu trong gian bếp của mỗi gia đình, nó còn là kháng sinh tự nhiên - vũ khí hữu hiệu chống lại rất nhiều bệnh như cảm cúm và viêm đường hô hấp; chữa tăng huyết áp, mỡ máu, giảm đường huyết, phòng chống ung thư...

Tỏi có chứa nhiều i-ốt và tinh dầu (giàu glucogen và chất kháng sinh allicin, fitonxit có công dụng diệt khuẩn, sát trùng, chống viêm nhiễm). Ngoài ra, tỏi còn chứa hàm lượng lớn vitamin A, B, C, D, PP, hydrat cacbon, polisaccarit, inulin, fitoxterin và các khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể như i-ốt, canxi, phốt pho, magiê, các nguyên tố vi lượng. Cách tốt nhất là ăn tỏi tươi. Nên ăn 3-5 tép tỏi tươi hoặc khô mỗi ngày hoặc chế biến thành dấm tỏi, rượu tỏi...

Hành và hẹ đã được chứng minh là làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cảm lạnh và cúm bằng cách tăng hoạt động của các tế bào miễn dịch tự nhiên của cơ thể người. Tương tự, hành tây có đặc tính làm tăng số lượng bạch cầu, rất cần thiết trong việc chống lại mầm bệnh.

Vitamin C

Vitamin C là chất dinh dưỡng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể bởi dưỡng chất này giúp làm tăng khả năng sản sinh của bạch cầu trong máu. Tuy nhiên, cơ thể con người lại không thể tự sản sinh hoặc tổng hợp vitamin C mà cần phải được cung cấp thông qua các loại thực phẩm để duy trì sức khỏe. Các loại trái cây họ cam quýt như bưởi, cam, chanh... là những nguồn rất giàu vitamin C. Uống thêm các loại nước ép khác cũng giúp bạn tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch.

Rau xanh

Rau xanh chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin C, E và chất chống oxy hóa hữu hiệu. Súp lơ, rau bó xôi, rau cải giúp tăng cường hệ thống miễn dịch khi bạn bị cúm hoặc các bệnh viêm nhiễm khác. Bí đỏ chứa nhiều dưỡng chất có ích như vitamin, muối khoáng, sắt và hàm lượng axit hữu cơ. Mặc dù không mang lại lợi ích ngay lập tức, rau xanh hay các loại thực phẩm khác vẫn có đặc tính kháng vi rút giúp ngăn ngừa, phòng chống bệnh tật.

Các loại thủy hải sản có vỏ

Là nhóm thực phẩm được nhiều người nghĩ đến nhất khi muốn tìm cách tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể bởi chúng thường có chứa rất nhiều kẽm. Kẽm là vi chất mà cơ thể chúng ta rất cần để các tế bào miễn dịch có thể hoạt động tối ưu.

Một số loài động vật có vỏ có chứa nhiều kẽm mà bạn nên thêm vào chế độ ăn là cua, sò, tôm hùm, hàu... Dù kẽm rất quan trọng nhưng mỗi ngày chỉ nên bổ sung một lượng vừa phải.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Ăn gì để tăng sức đề kháng phòng chống Covid-19?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới