Thứ sáu, 29/03/2024 03:27 (GMT+7)

Ăn chuối dấm bằng hương có độc không?

MTĐT -  Thứ sáu, 05/05/2017 14:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mỗi ngày có hàng nghìn nải chuối được bán ra thị trường, nếu tất cả đều được ủ bằng hương (theo lời những người bán hàng), lượng khí độc để ủ chín số chuối đó sẽ là rất lớn.

Lo ngại trước thực tế nhiều loại hoa quả trong đó có chuối thúc chín bằng hoá chất độc hại, nhiều người quay sang lựa chọn mua chuối được ủ chín bằng hương (nhang). Sự lựa chọn này có thực sự an toàn khi trên thị trường đa phần là loại hương tẩm hoá chất có hại cho sức khoẻ?

Người bán chuối khẳng định an toàn tuyệt đối

Chuối là loại quả chứa nhiều vi chất dinh dưỡng có lợi cho sức khoẻ như kali, vitamin, chất xơ nên được nhiều người ưa thích.

Có nhiều phương pháp dấm chuối truyền thống như sử dụng đất đèn, hương, vôi bột… Tuy nhiên, hiện nay do đất đèn và vôi bột sử dụng để dấm chuối rất bất tiện, không an toàn nên người ta chuyển qua dấm chuối bằng hương.

Thông thường, sau khi cắt rời từng nải khỏi buồng, phơi cho ráo nhựa trong một ngày, người ta xếp vào chum, hoặc thùng phuy. Giữa chum hoặc thùng chừa chỗ để cắm nhang, rồi đậy kín lại. Nhiệt độ từ cây nhang sẽ kích thích làm chín chuối sau 3-4 ngày. Số lượng hương tuỳ thuộc vào số lượng chuối và nhiệt độ ngoài trời.

Chị Lê Thị L. bán chuối tại chợ Nghĩa Tân (Hà Nội) cho biết mỗi ngày cửa hàng của chị bán trung bình 300-350 nải chuối, ngày cao nhất gần 500 nải, tất cả đều được ủ bằng hương.

Cách ủ của chị là để cả buồng hoặc cắt thành từng nải, sau đó xếp vào thùng phuy to, mỗi thùng khoảng vài chục nải, cắm 4 que hương vào cuống một nải chuối úp ngược xuống đáy thùng, đậy kín miệng thùng. Sau 3-4 ngày lấy chuối ra khỏi thùng. Mỗi ngày gia đình chị dấm 7 thùng chuối như vậy.

“Từ trước tới nay, mọi người toàn làm như vậy mà có sao đâu. Ủ chuối bằng hương an toàn 100%” - đó là câu trả lời của những người bán hàng khi được hỏi ủ chuối bằng hương có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ không?

Cách ủ chuối bằng hương.

Hương hóa chất hại người có tốt khi ủ chuối?

Hương sạch được làm từ các loại bột gỗ có mùi thơm (trầm, quế) và tăm tre ngâm. Khi đốt khói hương toả ra mùi hương đặc trưng của các loại gỗ hoà quyện với nhau tạo cảm giác thư thái, thoải mái. Tuy nhiên, ngày nay do gỗ trầm khan hiếm cộng với thị hiếu người tiêu dùng chuộng loại hương có tàn uốn cong với niềm tin sẽ có nhiều lộc nên người sản xuất vì lợi nhuận đã sử dụng mùn cưa với các loại hương liệu và hoá chất độc hại để sản xuất hương gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người sản xuất hương cũng như người đốt hương.

TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, khoa Xét nghiệm và Phân tích của Viện đã tiến hành kiểm nghiệm 5 mẫu hương lấy ngẫu nhiên trên thị trường. Kết quả cho thấy trong thành phần bột và tăm hương của tất cả các mẫu xét nghiệm đều có chứa các chất hoá học: lưu huỳnh, axit photphoric...

Kết quả xét nghiệm khói hương cho thấy, khi đốt 3 nén hương trong thời gian 40 phút khói hương sinh ra các loại khí độc như SO2 (lưu huỳnh đioxit), CO (cacbon oxit), NO2 (nitơ đioxit). Khi hít phải khí CO ở nồng độ thấp có thể gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ở nồng độ cao có thể tử vong. Ngoài ra, tiếp xúc với SO2 và NO2 khi đốt hương có thể làm giảm khả năng lao động, ảnh hưởng tim mạch, gây hại đường hô hấp…

Mỗi ngày có hàng nghìn nải chuối được bán ra thị trường, nếu tất cả đều được ủ bằng hương (theo lời những người bán hàng), thì lượng khí độc để ủ chín số chuối đó sẽ là rất lớn. Và trong môi trường hẹp kín (thùng phuy, chum) thì lượng khí khó mà bay hơi ra ngoài, liệu chúng có “ủ” trong những quả chuối. Vậy ăn chuối được ủ bằng “hương độc” có nguy hiểm cho sức khỏe?

Ăn chuối chín ủ “hương độc” có hại không?

Chị Trần Thị Hoa (Trần Cung - Hà Nội) cho biết gia đình chị có 6 người ai cũng thích ăn chuối nên mỗi lần đi chợ phải chọn lựa rất kĩ, chị thường chọn chuối được ủ bằng hương vì an toàn, chị thường chọn những nải quả chín không đều, vỏ chuối lác đác có đốm đen, nắn thấy mềm.

Làm chín chuối bằng hương là phương pháp truyền thống đã được sử dụng bao đời nay. Tuy nhiên, với phương pháp và nguyên liệu làm hương như hiện nay thì ủ chuối bằng hương khó an toàn như những người bán hàng khẳng định.

Khói hương chứa nhiều khí độc nguy hiểm cho sức khoẻ con người, liệu dùng hương để làm chín chuối trong không gian hẹp, kín thì khí độc từ hương có thể “ngấm” trong chuối, trong khi chuối là loại quả dễ sử dụng, sau khi mua về thường được sử dụng luôn chứ không rửa nước. Với những quả chuối bị nứt hoặc dập vỏ thì nguy cơ nhiễm khí độc càng cao, người dùng nên loại bỏ để bảo đảm an toàn.

Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, người tiêu dùng nên mua chuối xanh về nhà để chín tự nhiên hoặc mua ở những cửa hàng có uy tín. Bên cạnh đó, những người kinh doanh nên sử dụng các biện pháp như để chuối chín tự nhiên, coi đó là trách nhiệm với cộng đồng, với sức khỏe người tiêu dùng.

Kinh nghiệm bà con cho biết muốn chuối đẹp mã tốt nhất là dấm bằng lò. Lò dấm chuối cũng được xây kín như là thúc mầm lúa xuân, có lỗ thông hơi, có chỗ để theo dõi nhiệt độ trong lò. Trên nóc lò là các móc sắt có thể treo cả buồng chuối khi dấm. Chặt chuối về được 2 ngày mới đốt lò.

Giữa nền của lò đốt một đống trấu, khi đã cháy gần hết, dùng tro sạch (sàng bỏ rác rưởi) phủ kín lên đám than trấu. Sau đó quạt khói trong lò ra mới cho chuối vào lò và đóng kín các cửa lại. Mùa hè dấm 2-3 ngày thì chín, mùa đông phải 5-7 ngày. Người dấm chuối giỏi là phải tùy vào điều kiện thời tiết để quyết định thời gian mở lò, vì nếu mở lò mà chuối chưa chín thì sau dấm lại rất khó khăn, quả xấu mã…

                                                                                        Theo Sức khỏe Đời sống

Bạn đang đọc bài viết Ăn chuối dấm bằng hương có độc không?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.