Thứ sáu, 26/04/2024 00:44 (GMT+7)

An toàn thực phẩm trong bữa ăn học sinh: Vẫn nỗi lo cũ!

MTĐT -  Thứ sáu, 09/09/2016 16:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đầu năm học mới, bên cạnh nỗi lo về các khoản học phí, bữa ăn ở trường của con trước bối cảnh thực phẩm “bẩn” tràn lan như hiện nay cũng khiến các bậc phụ huynh “đau đầu”.

Tại hội nghị đánh giá công tác an toàn thực phẩm (ATTP) 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2016 diễn ra ngày 8-9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, thời gian tới phải đặc biệt tập trung vào vấn đề thực phẩm trong trường học, bởi đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ tương lai của đất nước.

Thực phẩm “bẩn” vẫn có thể len lỏi vào trường học 

Theo báo cáo kết quả ATTP 8 tháng đầu năm của UBND TP Hà Nội, thành phố hiện có hơn 59.000 cơ sở thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức 1.440 đoàn thanh, kiểm tra và thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP. Qua kiểm tra gần 80.000 lượt cơ sở, phát hiện hơn 12.000 cơ sở vi phạm ATTP, xử phạt 4.100 cơ sở với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng, trong đó chuyển điều tra xử lý hình sự 3 vụ, đồng thời tiêu hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm an toàn.

Riêng đối với lĩnh vực ATTP của Ngành Nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2016, Ngành đã thanh, kiểm tra hơn 6.800 lượt cơ sở, phát hiện 725 cơ sở không đạt yêu cầu (chiếm 10,62%), trong đó có 301 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Các lỗi chủ yếu là: Không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y; không công bố hợp quy, phù hợp ATTP; vi phạm nhãn hàng hóa; không bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất; hàng hóa không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng…

Theo quy định của Ngành Y tế, các bếp ăn trong nhà trường phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; dụng cụ, phương tiện chế biến, phân phối thức ăn phải đúng quy định; có phương tiện bảo quản lạnh thực phẩm; có sổ sách theo dõi nhập, xuất thực phẩm, các hợp đồng cung cấp thực phẩm… Tuy nhiên, trên thực tế, hợp đồng mua bán thực phẩm giữa các trường với các đơn vị cung ứng chỉ là hình thức. 

Ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, trên địa bàn quận có 80 trường học. Qua kiểm tra cho thấy, một số trường học có ký hợp đồng mua bán với hơn 10 cơ sở cung cấp thực phẩm. Thế nhưng sau đó, họ lại mua thực phẩm không rõ nguồn gốc từ các chợ. Vì thế, thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc vẫn có nhiều cơ hội len lỏi vào các bếp ăn nhà trường. Ngay trước thềm năm học mới, quận đã siết chặt lại vấn đề ATTP tại các trường học. Rà soát lại các đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường học. Sau đó, yêu cầu các trường phải ký cam kết thực hiện đúng quy định, bảo đảm nhập thực phẩm của các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận ATTP...

Không có "vùng cấm" trong xử lý vi phạm ATTP

Đánh giá công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn Thủ đô 8 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác bảo đảm ATTP thời gian qua, song Hà Nội vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực ATTP. Thời gian tới, công tác quản lý ATTP sẽ tiếp tục được tăng cường, đặc biệt, tập trung vào vấn đề ATTP trong trường học.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho rằng, tất cả các trường học đều phải mua rau, thực phẩm của các cơ sở an toàn, đừng nói giá cao, tiền vốn tự chủ mà tại sao lại đi mua bên ngoài để không bảo đảm an toàn. Hiệu trưởng các trường phải cam kết làm nghiêm, loại bỏ ngay tình trạng nhân viên tiếp phẩm, đầu bếp của trường câu kết với các cơ sở cung cấp thực phẩm để nhập thực phẩm không an toàn. 

Bàn về các giải pháp tăng cường quản lý ATTP thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTP theo Chỉ thị 13 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm, nhân rộng thanh tra chuyên ngành ATTP đồng loạt tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn giống như 5 quận, huyện và 10 xã, phường, thị trấn đang triển khai thí điểm.

Theo đó, các xã, phường, thị trấn dù chưa có cán bộ chuyên trách nhưng phải cử ra một cán bộ để phụ trách chuyên trách về ATTP. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn mỗi tuần phải đi kiểm tra 1 lần thay vì “đút chân gầm bàn” chỉ đạo về ATTP. Khi phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm, không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm về ATTP, kể cả phải xử lý hình sự, phải làm mạnh vì sức khỏe của nhân dân, vì sức khỏe của con em chúng ta. Thành phố sẽ khen thưởng đột xuất, khen thưởng hoạt động sản xuất tốt của người sản xuất, việc làm tốt của cơ quan chức năng.

Công bố đường dây "nóng" tiếp nhận phản ánh vi phạm về ATTP

Cục ATTP vừa chính thức thiết lập đường dây "nóng" tiếp nhận phản ánh vi phạm về ATTP. Theo đó, các cá nhân và đơn vị khi phát hiện nguy cơ gây mất ATTP có thể gọi điện đến đường dây "nóng" qua số điện thoại: 04.32321556 hoặc địa chỉ email: [email protected]. Trước đó, Hà Nội cũng thiết lập đường dây "nóng" tiếp nhận phản ánh vi phạm về ATTP. Cụ thể: Số điện thoại đường dây nóng của Sở Công Thương là: 1900585826; Sở NN&PTNT: 04.33800115 và Sở Y tế: 04.39985765.


Theo Hà Nội Mới

Bạn đang đọc bài viết An toàn thực phẩm trong bữa ăn học sinh: Vẫn nỗi lo cũ!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.