Thứ sáu, 19/04/2024 20:40 (GMT+7)

Cử tri vẫn lo về an toàn thực phẩm

MTĐT -  Thứ ba, 20/12/2016 08:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cần quy định rõ trách nhiệm từng cấp, ngành, người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP, kiểm duyệt được thực phẩm từ khâu sản xuất, lưu thông mới mong giảm bớt nỗi lo thực phẩm bẩn.

Đây là kiến nghị của cử tri với đại biểu HĐND thành phố trong các cuộc tiếp xúc trước và sau kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố khóa XV.
Sạch - bẩn lẫn lộn

Trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND mới đây, cử tri các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Chương Mỹ… đều bày tỏ lo lắng về chất lượng thực phẩm ở các chợ truyền thống, thậm chí cả trong một số siêu thị. Người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn. Ông Phạm Năng Cương (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) cho biết, thành phố đã quan tâm chỉ đạo phát triển nhiều vùng rau an toàn ở các huyện ngoại thành để cung cấp cho nội thành, song kiểm soát các khâu vẫn chưa xuyên suốt, khép kín, nên có tình trạng rau không an toàn gắn mácan toàn. 

Cử tri huyện Thường Tín cho rằng, hiện nay trên 70% người tiêu dùng vẫn mua thực phẩm từ các chợ dân sinh và chợ cóc, chợ tạm, chỉ có 30% người tiêu dùng giao dịch tại siêu thị. Qua thông tin đại chúng cho thấy, tại các siêu thị cũng diễn ra tình trạng thực phẩm gắn mác sạch nhưng thực chất lại không sạch, đặc biệt là thực phẩm nhập khẩu. Thực tế, chưa có sự liên kết ràng buộc vững chắc từ sản xuất, lưu thông đến tiêu thụ, nên dù được gắn mác rau an toàn nhưng người tiêu dùng cũng vẫn chưa thấy yên tâm vì “sạch - bẩn” không minh bạch. Vì thế, cử tri mong chờ các cơ quan chức năng của thành phố vào cuộc quyết liệt để kiểm soát được thực phẩm ở các chợ và siêu thị.

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam, lo lắng của cử tri hoàn toàn có cơ sở, vì qua giám sát thực tế của HĐND thành phố, ở các vùng quê ngoại thành, vẫn có tình trạng nông dân trồng rau cho gia đình ăn riêng, trồng rau mang đi bán riêng. Tuy có lực lượng chuyên ngành bảo vệ thực vật ở cơ sở, nhưng trách nhiệm quản lý, giám sát, báo cáo, đề xuất giải pháp thể hiện rất mờ nhạt, chưa rõ ràng. 

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thừa nhận, thực tế cũng vẫn có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau vượt ngưỡng cho phép. Qua kiểm tra 110 cơ sở sản xuất rau thời gian gần đây, đã phát hiện 11 mẫu có dư lượng vượt giới hạn.

Tăng cường quản lý theo chuỗi

Theo thống kê, Hà Nội có 7,5 triệu người, 20 trung tâm thương mại, 12 siêu thị, 460 chợ truyền thống, 454 chợ dân sinh. Mỗi ngày, nhu cầu của người dân Hà Nội khoảng 800-1.000 tấn thịt, 350-400 tấn thủy hải sản, 2.500 tấn rau quả... nhưng sản xuất của thành phố mới đáp ứng được 60% nhu cầu thực phẩm, 18% rau quả tươi, phần còn lại phải lấy từ các tỉnh và nhập khẩu. Thời gian qua, công tác kiểm soát trong chăn nuôi, trồng trọt cũng được thành phố chú trọng chỉ đạo, thực hiện, song không đáp ứng yêu cầu đặt ra. 

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố mới xây dựng được 60 chuỗi liên kết sản xuất, chăn nuôi an toàn... Năm 2017, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra công tác chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện nghiêm các chế tài xử lý; đồng thời hướng dẫn, giám sát quy trình trong chăn nuôi từ khâu sản xuất giống... Đặc biệt, Sở sẽ công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng, cơ sở thu mua được biết để tẩy chay sản phẩm không an toàn. 

Trên địa bàn thành phố có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 15 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, có 4 cơ sở giết mổ thủ công, có hơn 1.050 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Phần lớn điểm giết mổ nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư chưa được kiểm soát. Sở sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác giết mổ, tuyên truyền vận động doanh nghiệp, cá nhân thực hiện giết mổ theo quy định.

Chú trọng đến công tác quản lý an toàn thực phẩm, năm 2017, UBND TP Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo kiểm soát xuất xứ nguồn gốc hàng hóa. Toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối đến tay người tiêu dùng cũng sẽ được kiểm soát đúng quy chuẩn. Đối với 5.200ha rau an toàn ở các huyện, UBND thành phố chỉ đạo Sở NN&PTNT bảo đảm kiểm soát đầu vào sản xuất, cấp giấy xác nhận cơ sở đủ điều kiện. Đối với chăn nuôi, giết mổ tập trung, nhỏ lẻ, nếu không đủ điều kiện sẽ không cung cấp tem an toàn thực phẩm.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, thời gian tới, để đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, UBND thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; chỉ đạo kiện toàn bộ máy làm công tác này tại các xã, phường, thị trấn và tăng cường việc chứng nhận thực phẩm an toàn, các cơ sở bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, thành phố sẽ quản lý chặt các chợ đầu mối; nâng cao vai trò của các đoàn kiểm tra liên ngành về bảo đảm an toàn thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố và sử dụng hiệu quả 3 xe chuyên dụng test nhanh về an toàn thực phẩm.

Cử tri mong rằng, những quyết tâm và giải pháp của các ngành, các cấp của thành phố sớm đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực để người dân không còn lo lắng trước mỗi bữa ăn hằng ngày.
Theo Hà Nội Mới
Bạn đang đọc bài viết Cử tri vẫn lo về an toàn thực phẩm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Suy gan do uống thuốc không rõ nguồn gốc
Ngày 17/4, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...