Thứ sáu, 29/03/2024 01:59 (GMT+7)

Dùng thuốc cam đánh tưa lưỡi, bé 4 tháng tuổi ngộ độc chì nặng

MTĐT -  Thứ sáu, 30/06/2017 15:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thấy con bị nấm miệng, bố mẹ đã tự ý mua thuốc cam ở chợ về pha đánh tưa lưỡi cho trẻ hàng ngày. Kết quả khiến trẻ ngộ độc chì nặng.

Các bác sĩ cho biết, đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu vì sử dụng thuốc cam.

Thông tin từ BV Nhi Trung ương cho biết, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 6, khoa Cấp cứu chống độc của BV đã tiếp nhận 8 trẻ nhập viện với những biểu hiện rối loạn nặng về thần kinh và tiêu hóa do sử dụng thuốc cam. Ước tính mỗi năm, BV tiếp nhận hàng chục trường hợp trẻ em ngộ độc chì từ thuốc cam do sự thiếu hiểu biết của người lớn.

Nhiều trẻ ngộ độc chì nặng

Được bác sĩ tại một BV tư nhân kê đơn điều trị viêm mũi họng, nhưng sợ thuốc tây khó uống có thể khiến con nôn trớ, người nhà bé Nguyễn Văn H. (7 tháng tuổi, ở Ninh Bình) đã mua thuốc cam dùng cho con. Một tuần sau khi dùng thuốc, cháu bé bắt đầu xuất hiện nôn kèm co giật, gia đình vội đưa con vào BV Sản Nhi Ninh Bình.

Tại BV Sản Nhi Ninh Bình, các bác sĩ đã tiến hành siêu âm thóp và chẩn đoán bé bị giãn não thất. Sáng 19/6, bé được chuyển lên BV Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị. Tiếp nhận bệnh nhân trong trạng thái co giật, li bì, các bác sĩ BV Nhi Trung ương đã tiến thăm khám, xét nghiêm và hành mổ đặt ống dẫn lưu nhằm giảm áp lực nội sọ.

Quan sát biểu hiện của bệnh nhân, kết hợp hỏi bệnh sử và loại trừ các nguyên nhân co giật do nhiễm trùng thần kinh, khối choán nội sọ, rối loạn chuyển hóa… , các bác sĩ nghi ngờ cháu bé nhiễm độc chì và cho làm xét nghiệm định lượng chì trong máu. Kết quả cho thấy bé H. bị nhiễm độc chì rất nặng. Hiện bé đang được điều trị tích cực bằng thở máy, kết hợp sử dụng thuốc thải chì tại khoa Hồi sức tích cực.

Loại thuốc cam mà bé H. đã uống.

Cũng đang điều trị tại BV Nhi Trung ương là bé Nguyễn Duy L. (4 tháng tuổi, Hà Nội) nhập viện ngày 16/6 trong tình trạng xuất hiện nôn, đau bụng kèm theo ho… Theo lời kể của gia đình, trước đó 5 ngày bé bị nấm miệng, người nhà đã tự ý mua thuốc cam ở chợ về rồi pha loãng để đánh tưa lưỡi cho con hàng ngày.

4 ngày sau, bé ho, đau bụng kèm theo nôn liên tục. Gia đình vội đưa con vào BV Nhi Trung ương để cấp cứu. Kết quả xét ngiệm máu cho thấy cháu bé cũng bị ngộ độc chì nặng.

Theo ThS.BS Lê Ngọc Duy, Phó trưởng khoa Cấp cứu chống độc, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về nguy cơ ngộ độc chì trong thuốc cam không rõ nguồn gốc, nhiều phụ huynh vẫn quá tin tưởng vào loại “thần dược” này. Họ cho rằng thuốc này có thể giúp trẻ tăng cân, chữa lành một số bệnh thông thường. Một số cha mẹ dùng để vệ sinh lưỡi cho trẻ. Những sai lầm này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho các bé.

Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc cam

Các bác sĩ cho biết, chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày - đường ruột, tim mạch và thận. Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này tích lũy lâu trong nội tạng (đặc biệt là xương) và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, sử dụng đồ chơi có sơn chì, đạn chì. Các loại thuốc nam  được dân gian gọi là thuốc cam, dùng để bôi, uống cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều trường hợp ngộ độc. Tuy nhiên, do phần lớn trẻ bị nhiễm độc không có biểu hiện điển hình, nên nhiều gia đình thường chủ quan khi sử dụng thuốc.

Trẻ bị nhiễm độc chì thường có những biểu hiện rất đa dạng từ cấp tính - dễ nhận biết đến mạn tính- lâu dài, không điển hình. Về thần kinh, các biểu hiện cấp tính như: tăng kích thích, co giật, ngủ lịm từng lúc, hôn mê, liệt. Các biểu hiện lâu dài, không điển hình như: chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất các kỹ năng học được, học kém.

Về tiêu hóa, trẻ nôn, đau bụng, chán ăn. Về máu, da xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu.

Ngoài các triệu chứng rõ rệt như trên, trẻ nhiễm độc chì còn có rất nhiều biểu hiện kín đáo, chỉ có thể phát hiện bằng các xét nghiệm định lượng chì trong máu.

Hình ảnh phim chụp X-quang viên thuốc trên phim chụp X-quang.

Để đề phòng ngộ độc chì ở trẻ nhỏ, gia đình không nên tự ý mua và sử dụng các thuốc cam không có nguồn gốc để uống, bôi. Nếu có, chỉ sử dụng các thuốc của nhà sản xuất và phân phối có nhãn mác ghi rõ địa chỉ, chứng nhận cho phép của các cơ quan chức năng.

Gia đình cũng cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ như: rửa tay, cắt móng tay, không đưa tay và mọi vật lên miệng. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc có thể nhiễm kim loại nặng và chì.

Các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan tỉ lệ nghịch giữa chỉ số IQ của trẻ em và nồng độ chì máu, kể cả khi nồng độ chì máu dưới 10mcg/dL. Với chứng bệnh tăng vận động và giảm tập trung, ngay cả khi nồng độ chì máu dưới 10mcg/dL, trẻ có chì máu càng cao thì càng dễ mắc chứng bệnh này. Ngộ độc chì ở trẻ em đặc biệt được quan tâm ở các nước phát triển vì lo ngại về ảnh hưởng của chì lên phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.

Trong khi đó, triệu chứng ngộ độc chì hoàn toàn không đặc hiệu, nhiều trẻ không có biểu hiện lâm sàng nên dễ bỏ qua. Chính vì vậy, cách duy nhất là tất cả các phụ huynh đã từng cho con uống thuốc cam không rõ nguồn gốc, mua từ những ông lang bà mế không có giấy phép hành nghề hãy mang con đi xét nghiệm chì máu. Đó là cách duy nhất để phát hiện trẻ có bị ngộ độc chì hay không, và nếu bị ngộ độc chì, trẻ sẽ được đưa vào chương trình giải độc chì theo phác đồ của Bộ Y tế đã ban hành.

Theo SKĐS

Bạn đang đọc bài viết Dùng thuốc cam đánh tưa lưỡi, bé 4 tháng tuổi ngộ độc chì nặng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.