Thứ bảy, 20/04/2024 03:41 (GMT+7)

Bộ Y tế xem xét ghép phổi cho bệnh nhân phi công người Anh

MTĐT -  Thứ sáu, 08/05/2020 14:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các chuyên gia của Bộ Y tế đang xem xét phương án ghép phổi cho bệnh nhân 91 là phi công người Anh do đã ở tình trạng nguy kịch, 2 phổi đông đặc.

Theo báo Sức khỏe cộng đồng, chiều ngày 7/5, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị COVID-19, Tiểu ban Điều trị và Hội đồng Chuyên môn của Bộ Y tế đã họp với các thành viên và xin ý kiến về sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19, chiến lược tổ chức điều trị, xét nghiệm giai đoạn tới và thảo luận một số ca bệnh COVID-19.

Tham dự cuộc họp còn có GS.TS Lê Quang Cường- Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Thành viên Tổ công tác của Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19; TS Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; Bs. Matthew R. Moore - Giám đốc Chương Trình Bảo vệ Y tế Toàn cầu, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Dịch bệnh, Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng các chuyên gia về xét nghiệm, bệnh truyền nhiễm của WHO, CDC, Viện Vệ sinh dịch Tễ TW...

Tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn đã chia sẻ với các chuyên gia quốc tế những thông tin về điều trị các ca bệnh nhiễm COVID-19 tại Việt Nam. Trong đó có 3 ca nặng được các thành viên Hội đồng chuyên môn theo dõi sát sao hàng ngày và có những tiến triển.

Đó là trường hợp BN 19  (bác BN 17) đã rút được ECMO, cai được máy thở, đã nói và ăn uống được. Hiện bệnh nhân này đang được tiếp tục tập phục hồi chức năng và tăng cường dinh dưỡng.

BN số 161 đã hồi phục, xét nghiệm XN SARS-CoV-2 âm tính 3 lần liên tiếp, chuyển sang giai đoạn điều trị phục hồi tai biến mạch máu não tại BV Bạch Mai;

BN số 91 hiện là bệnh nhân nặng nhất, 2 phổi đông đặc, Hội đồng chuyên môn đang xem xét phương án ghép phổi.

GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tất cả các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và xét nghiệm của Việt Nam đều bám sát những khuyến cáo chung của Tổ chức y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Trung Quốc; Cập nhật các nghiên cứu và theo sát những thử nghiệm lâm sàng của thế giới.

Việt Nam luôn thực hiện theo những quy định chuẩn mực về thử nghiệm lâm sàng để đem lại những điều tốt nhất cho trực tiếp người bệnh.

GS.TS Lê Quang Cường cũng đề nghị các chuyên gia của WHO và CDC có thêm ý kiến góp ý cho Việt Nam về công tác chuyên môn, các ca bệnh dương tính lại và các ca bệnh khác. WHO và CDC đánh giá cao kết quả đạt được của Việt Nam

Tại cuộc họp, các chuyên gia WHO và CDC đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, đã đạt được kỳ tích bước đầu để ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19 ở Việt Nam.

Trong thành công đó, có sự góp phần hết sức quan trọng của Tiểu ban Điều trị, Hội đồng chuyên môn, các chuyên gia, chiến lược xét nghiệm và điều trị.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Trưởng Tiểu Ban điều trị, Cục trưởng Cục Quản lý Khám - chữa bệnh, Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị COVID-19, cho hay: Đến nay, Việt Nam đã có 22 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng vẫn còn các bệnh nhân từ nước ngoài về.

Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã nỗ lực ngay từ ngày xuất hiện ca bệnh đầu tiên và hiện nay vẫn tiếp tục phải nỗ lực và cập nhật các vấn đề về chuyên môn, dịch tễ học, xét nghiệm, vấn đề dương tính lại...

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bộ Y tế xem xét ghép phổi cho bệnh nhân phi công người Anh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Suy gan do uống thuốc không rõ nguồn gốc
Ngày 17/4, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...