Thứ năm, 28/03/2024 23:03 (GMT+7)

Cách phòng bệnh cho trẻ em mùa nắng nóng

MTĐT -  Thứ tư, 14/03/2018 12:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nắng nóng được dự báo sẽ kèo dài và tăng cao khiến trẻ em rất dễ mắc các bệnh liên quan đến thời tiết, hay các bệnh dịch.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, trong những ngày tới, nhiệt độ tại TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng, nền nhiệt có thể lên đến 37 - 38 độ C, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của nhiều người đặc biệt là trẻ nhỏ.

Thời tiết nắng nóng là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, siêu vi khuẩn cũng như ký sinh trùng phát triển. Cơ thể trẻ em chưa có đề kháng nên dễ dàng bị các tác nhân gây bệnh tấn công.

Khi nhiệt độ lên đến 38 – 39oC, hiện tượng thường hay gặp nhất là cảm nắng ở cả người lớn và trẻ em. Cơ thể bị mất nước nhiều vì tiết mồ hôi, thân nhiệt cơ thể không điều hòa được khi bị ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu vào người.

Ảnh minh họa

Bác sĩ Đinh Thạc, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), cho biết trong mùa nắng nóng, trẻ thường mắc các bệnh như tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, viêm đường hô hấp cấp tính, nhiễm siêu vi. Bên cạnh đó, bệnh thủy đậu, nhóm bệnh sởi – quai bị - Rubella, viêm não Nhật Bản (còn gọi viêm não B), viêm màng não ở trẻ em cũng là những bệnh “đến hẹn lại lên” và thường xuất hiện vào mùa nắng nóng.

Trong mùa nắng nóng, theo ghi nhận của các chuyên gia y tế về bệnh truyền nhiễm thì tỷ lệ mắc bệnh viêm não Nhật Bản B ở trẻ em thường cao hơn mùa mưa. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm nếu bệnh diễn tiến nặng mà không được phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, bệnh lý này hiện nay đã có thuốc phòng ngừa hiệu quả, phần nào làm giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho trẻ em.

Để chủ động phòng ngừa hiệu quả bệnh mùa nắng nóng ở trẻ, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần phải thực hiện các biện pháp phòng chống và tăng cường sức đề kháng cho trẻ như ăn uống hợp vệ sinh, không cho trẻ uống nước lã; tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ...

PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết vào mùa hè có thể cho các em bé ở trong nhà thoáng khí, mát, tránh để cho các em bé chạy nhảy, chơi ngoài nắng quá lâu. Nếu đi biển thì không cho các em bé tắm vào thời điểm từ 10h – 16h. Khi mà các em bé bị các tình trạng say nắng thì ngay lập tức đưa vào vùng râm mát, cho uống nước để bé hồi phục nhẹ nhàng và đưa đi khám sớm nhất có thể.

Ăn uống hợp vệ sinh: việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Tăng cường lượng dịch uống: để bồi hoàn lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi nguội… giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và tăng cường sức khỏe để chống chọi với bệnh tật.

Tiêm ngừa đầy đủ: tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc-xin sẵn có, giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất trong suốt mùa nắng nóng này.

T/H (theo sức khỏe & đời sống, báo tin tức, an ninh thủ đô)

An Nhiên

Bạn đang đọc bài viết Cách phòng bệnh cho trẻ em mùa nắng nóng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.