Thứ sáu, 29/03/2024 05:57 (GMT+7)

Chủng virus bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng nguy hiểm như thế nào?

MTĐT -  Thứ năm, 30/07/2020 14:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho rằng, chủng virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần.

Sau 99 ngày không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng, ngày 25/7 vừa qua, Việt Nam đã ghi nhận thêm các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng.

Tính đến 6 giờ ngày 30/7, đã có thêm 8 ca bệnh mới được phát hiện tại Đà Nẵng, 1 ca tại Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại thì Việt Nam đã ghi nhận thêm 44 ca khẳng định dương tính với virus Corona nhưng vẫn chưa xác định được nguồn lây, nâng tổng số ca nhiễm lên đến 459 và chưa có trường hợp tử vong nào. Hiện đã có hơn 81.546 người được cách ly tại bệnh viện, cơ sở y tế hoặc tự cách ly tại nhà. 

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện chưa có đủ bằng chứng là 4 ca nhiễm vừa công bố ở Đà Nẵng có cùng nguồn lây, có thể dịch đến từ nhiều nguồn và khởi phát của ổ dịch bắt đầu từ cộng đồng. Chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa.

Ông cũng cho rằng, dịch khả năng diễn biến phức tạp, có thể lan ra các địa phương khác.

Nhận định về tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, chủng virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên độc lực không thay đổi so với chủng cũ.

"Virus SARS-CoV-2 có những biến đổi liên tục trong quá trình lan tràn ra toàn thế giới. Hiện tại, virus này có tới 99 chủng đã được biết, trong đó tại Việt Nam đã ghi nhận 6 chủng.

Các biến chủng mới, bao gồm cả chủng được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng SARS-CoV-2 cũ. Điều này lý giải tại sao gần đây, thế giới ghi nhận tới 1 triệu ca mắc mới trong 3 ngày, trong khi trước đây khoảng 1 tuần mới lên tới con số này.

Tuy nhiên, độc lực của virus chủng mới không tăng lên so với chủng virus ban đầu. Bằng chứng là hiện nay thế giới đã cán mốc hơn 16,8 triệu người mắc COVID-19, nhưng số ca tử vong đang dần được kiểm soát. Việc nắm rõ về tốc độ lây lan, độc lực của chủng SARS-CoV-2 mới sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan bệnh COVID-19 một cách hiệu quả"- GS. Kính phân tích.

Ngay từ đầu, Việt Nam đã kiên định 5 nguyên tắc trong phòng chống dịch COVID-19, đó là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Đây là chiến lược không thay đổi.

Chính vì vậy, chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm cho rằng, nếu chúng ta truy vết, cách ly tất cả từ F0 đến F3 thì nguy cơ lây virus ra cộng đồng sẽ khống chế được. Bên cạnh truy vết, cần tạm thời phong tỏa những vùng có nhiều bệnh nhân, thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường các hoạt động dự phòng như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên… theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong giai đoạn đầu dịch bùng phát. Nếu truy vết, phong tỏa tốt các vùng có dịch, tình hình sẽ dần được kiểm soát” - GS. Kính chia sẻ.

Trong bối cảnh hiện nay xuất hiện trở lại các ca lây nhiễm trong cộng đồng, điều này không nằm ngoài dự liệu của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, một số quốc gia phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh gia tăng nhanh chóng, làn sóng thứ nhất, làn sóng thứ 2... Do đó người dân cần bình tĩnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Hà Nội: 3 ngày xét nghiệm 21.000 người

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu trong 3 ngày tới phải xét nghiệm xong cho khoảng 21.000 người về từ Đà Nẵng. Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội, Phó Giám giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội Trương Quang Việt cho biết, qua rà soát, trong số 21.000 người từ Đà Nẵng về có 87 trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở.

Đã lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn tự cách ly tại nhà, có 6 trường hợp âm tính, còn lại đang đợi kết quả. Về hiện trạng và năng lực xét nghiệm, ông Việt cho biết, CDC Hà Nội hiện có 1 máy tách chiết, 2 máy Realtime-PCR. Năng lực xét nghiệm vẫn là 500 mẫu/ngày. “Với máy móc hiện có, nếu đủ sinh phẩm, CDC có thể xét nghiệm 500 - 700 mẫu/ngày. Nếu bổ sung máy trong vòng vài ngày có thể nâng cấp lên 1.700 đến 2.000 mẫu/ngày, nhân lực đáp ứng được”, ông Việt nói.

Bạn đang đọc bài viết Chủng virus bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng nguy hiểm như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.