Thứ sáu, 29/03/2024 04:36 (GMT+7)

Công dụng chữa bệnh của một số loại rau thơm quen thuộc

MTĐT -  Thứ năm, 08/03/2018 10:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngoài việc kích thích vị giác, giúp cho món ăn thêm phần thơm ngon, hấp dẫn thì rau thơm còn có rất nhiều công dụng trong việc chữa bệnh. Đặc biệt là những loại rau như tía tô, mùi tàu, rau diếp cá…

RAU MÙI (NGÒ RÍ)

Rau mùi được trồng nhiều vào mùa đông xuân ở miền Bắc. Loại rau này có hương thơm đặc trưng. Tuy lá nhỏ, thân thấp nhưng rau mùi có chứa nhiều vitamin A, C, B1, B2 và đặc biệt là chất sắt. Thường xuyên ăn rau mùi sẽ giúp bạn cải thiện hệ thống miễn dịch, giúp kích thích tiêu hóa và làm khỏe mạnh dạ dày.

Bên cạnh đó, rau mùi còn có tác dụng giải cảm, chữa ngạt mũi, long đờm, hạ sốt… Không những vậy, loại rau này còn chứa nhiều axid ascorbic nên sẽ có khả năng lọc máu và hạ thấp lượng cholesterol xấu trong máu hiệu quả.

ĐINH LĂNG

Đinh lăng là loại cây cảnh phổ biến và quen thuộc của nhiều gia đình Việt. Không chỉ là loại rau sống ăn kèm với các món như nem chua hay đem nấu canh sườn, kho cá, đinh lăng còn là một vị thuốc quý có tác dụng bồi bổ sức khỏe và chữa được rất nhiều bệnh.

Trên báo Hà Nội mới, lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư kí Hội Dược liệu TP. HCM cho biết, tất cả các bộ phận của cây đinh lăng đều có thể chế biến thành thuốc, từ thân, cành, lá cho đến rễ. Cụ thể, rễ cây có tác dụng lợi tiểu, chữa được bệnh cơ thể suy nhược, còn lá thường dùng để trị bệnh cảm sốt hoặc giã nát đắp chữa mụn nhọt, sưng tấy. Riêng thân và cành cây đinh lăng thì chữa bệnh tê thấp, đau lưng.

RAU RĂM

Nhiều tài liệu y học hiện đại cho biết, rau răm chứa nhiều chất chống oxy hóa như carotene, vitamin C, E, flavonoid và catechin... Những chất này đều có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch và thải độc cơ thể.

Còn trong đông y, vì có tính nhiệt nên rau răm sẽ giúp ấm bụng, sát trùng và hỗ trợ tiêu hóa. Ăn rau răm thường xuyên còn giúp bạn sáng mắt, lợi khí, bổ não, mạnh gân cốt… Tuy nhiên, vì rau răm có tính nóng nên bạn không nên ăn quá nhiều, sẽ làm sinh nhiệt, không tốt cho cơ thể.

RAU HÚNG QUẾ

Theo một số tài liệu, rau húng quế chứa nhiều chất chống oxy hóa cùng các tinh dầu có lợi như eugenol, methy eugenol và caryphyllence... Sau khi vào cơ thể, những dưỡng chất này sẽ phát huy tác dụng, chúng rất tốt cho tim mạch, hạn chế nguy cơ bị bệnh tiểu đường, đồng thời còn phòng chống ung thư hiệu quả.

Ngoài ra, rau húng quế còn có khả năng sát trùng, kháng khuẩn nên thường được dùng để hỗ trợ chữa các bệnh như cảm sốt, ho, hắt hơi… Đặc biệt, các tài liệu Đông Y đều khẳng định rằng rau húng quế rất lợi tiểu và có khả năng khử độc cho thận, ngăn ngừa bệnh sỏi thận.

TÍA TÔ

Không chỉ chứa hàm lượng lớn các chất vitamin A, vitamin C, lá tía tô còn có nhiều dưỡng chất quan trọng như canxi, sắt, phốt pho... Đặc biệt, loại rau thơm này còn chứa khá nhiều tinh dầu như hydrocumin, bergamoten, linalool perrillaldehyd, linonen... rất tốt cho sức khỏe và làn da của bạn.

Nếu sử dụng tía tố thường xuyên trong các bữa ăn, bạn sẽ nhận thêm được các lợi ích khác như giải cảm, chống ho, hạn chế dị ứng, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa và thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể. Bạn có thể ăn kèm với các loại rau sống, dùng để cuốn bánh tráng hay thái nhỏ và cho vào trong cháo, soup…

RAU DIẾP CÁ

Ăn rau diếp cá mỗi ngày sẽ giúp bạn có hệ thống xương khớp chắc khỏe vì loại rau này rất giàu vitamin K. Ngoài ra, rau diếp cá còn có tác dụng làm giảm những tổn thương ở não bộ và hạn chế sự phát triển của bệnh Alzheimer. Trên báo Pháp luật, thạc sĩ, dược sĩ Đoàn Xuân Đinh, Khoa Dược, viện Y học cổ truyền Quân đội cho biết: “Rau diếp cá có tác dụng tiêu trừ độc và thanh lọc cơ thể, kích thích cơ thể sản sinh tế bào bạch huyết nên có hiệu quả cao trong việc tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên”.

Với những trẻ bị sốt mà không chịu uống kháng sinh, phụ huynh có thể xay nhuyễn một nắm rau diếp cá rồi lọc lấy nước cho trẻ uống, còn phần bã thì đắp lên trán. Những phụ nữ mang thai mà không muốn uống thuốc tây thì cũng có thể áp dụng cách này. Đặc biệt, những bệnh nhân bị trĩ thì nên thường xuyên ăn rau diếp cá hơn, vì nó giúp làm bền thành mạch, tránh viêm nhiễm tại hậu môn, hạn chế sa búi trĩ và giúp chữa bệnh trĩ hiệu quả.

RAU THÌ LÀ

Các chuyên gia cho biết, chất polyacelenes trong cây thì là có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng rất tốt. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, thì là có tác dụng kích thích nhu động ruột, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa thức ăn nhanh chóng.

Sử dụng thì là thường xuyên trong các bữa ăn, bạn sẽ hạn chế được nồng độ cholesterol xấu, tăng lượng cholesterol tốt trong máu để bảo vệ tim mạch. Ngoài ra, thì là còn rất giàu canxi nên sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe xương khớp cũng như hạn chế nguy cơ loãng xương.

Bạn đang đọc bài viết Công dụng chữa bệnh của một số loại rau thơm quen thuộc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

VĂN HIẾU

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.