Thứ ba, 19/03/2024 15:01 (GMT+7)

Dùng thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng: Không tuân thủ, bệnh dễ tái phát

MTĐT -  Thứ sáu, 18/08/2017 08:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Loét dạ dày tá tràng (LDDTT) là bệnh gặp khá phổ biến ở nước ta. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ở người lớn chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ em.

Khi mắc bệnh, việc dùng thuốc điều trị là cần thiết. Người bệnh cần tuân thủ điều trị để đạt được hiệu quả tối ưu.

Các thuốc thường dùng

Nhóm kháng acid

Đây là nhóm thuốc trong thành phần  có chứa các muối và hydroxyd của nhôm và magie. Tuy nhiên, khi dùng hydroxid nhôm xu hướng gây táo bón. Dùng thuốc kéo dài còn gặp nguy cơ cạn kiệt phosphat, kết quả bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, chán ăn.

Dùng thuốc chứa magie có thể làm phân lỏng, tiêu chảy. Vì vậy trên thị trường người ta sản xuất ra các sản phẩm phối hợp hai thuốc này với nhau để khắc phục các tác dụng phụ của thuốc. Các thuốc này tương đối an toàn, ít hấp thu tại niêm mạc dạ dày ruột, tác dụng trung hòa HCl mạnh...

Kháng sinh diệt vi khuẩn H.pylori (HP)

Amoxicilline được sử dụng trong các phác đồ diệt HP và cho hiệu quả cao vì hầu như không có hiện tượng kháng thuốc. Tác dụng phụ có thể gặp là tiêu chảy, viêm đại tràng giả mạc, buồn nôn, nôn...

Metronidazol và tinidazol là các kháng sinh thuộc nhóm 5 nitroimidazol. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là khả năng dung nạp của người bệnh và tỷ lệ kháng thuốc. Trong thực tế lâm sàng, sử dụng đơn độc metronidazol thì tỷ lệ kháng thuốc cao nhưng khi phối hợp 2 - 3 thuốc thì tỷ lệ kháng thuốc sẽ giảm. Tác dụng phụ của metronidazol khi dùng ngắn ngày có thể bị buồn nôn, đi ngoài, dị ứng; dùng dài ngày có thể bị giảm cảm giác.

Clarithromycin là kháng sinh thuộc nhóm macrolid trong điều trị HP, hiện clarithromycin được khuyên dùng trong phác đồ 3 thuốc, vì còn nhạy cảm cao với HP. Thuốc không bị ảnh hưởng của pH dịch vị, dễ hấp thu hơn và tác dụng tích cực hơn đối với HP so với erythromycin, có khả năng lan tỏa vào lớp nhày và thấm tốt vào niêm mạc dạ dày.

Khám cho bệnh nhân tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện E. Ảnh: TM

Các thuốc kháng histamin

Cimetidin là thế hệ đầu tiên của thuốc kháng H2, ra đời năm 1976 nhanh chóng được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả trong điều trị LDDTT, có tác dụng cắt cơn đau nhanh, liền sẹo khoảng 80% sau 6 tuần điều trị. Nhưng thuốc dùng lâu có thể có tác dụng phụ như rối loạn tinh thần (ở người già, người suy thận), nhịp tim chậm, hạ huyết áp, tăng nhẹ men gan, vú to, liệt dương... các tác dụng phụ này khi ngừng thuốc thì hết. Ranitidin là thế hệ thứ hai, có khả năng gây giảm tiết dịch vị gấp 5 - 10 lần cimetidin khi sử dụng cùng liều. Tuy nhiên, thuốc cũng không làm thay đổi diễn tiến tự nhiên của bệnh. Sau đợt điều trị ngắn hạn mà dừng thuốc tỷ lệ tái phát là 50% trong vòng 6 tháng, 85% tái phát sau 1 năm. Tác dụng phụ của thuốc chủ yếu là nhức đầu, chóng mặt, ngứa... khi ngừng thuốc thì hết tác dụng phụ.

Sau này các thuốc thế hệ 3 nizatidin thế hệ 4 famotidin ra đời có tác dụng mạnh hơn và ít tác dụng phụ hơn thế hệ đầu rất nhiều.

Thuốc ức chế bơm proton

Các thuốc ức chế bơm proton (PPI) lần lượt ra đời đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong điều trị bệnh loét. Hiện đã có 5 thế hệ thuốc thuộc nhóm ức chế bơm proton được sử dụng rộng rãi hiện nay.

Omeprazole có tác dụng ức chế tiết acid mạnh. Các triệu chứng lâm sàng hết ngay từ những ngày đầu dùng thuốc, nhưng nếu dùng liều đơn độc cũng không ngăn cản được loét tái phát. Các tác dụng phụ thường thấy là tiêu chảy, táo bón, đau đầu. Lansoprazole được chỉ định điều trị trong 8 tuần tỷ lệ liền sẹo cao. Tác dụng phụ chủ yếu là nhức đầu, buồn nôn, đi lỏng. Pantoprazolecho tỉ lệ liền sẹo cao và giảm đau trong 2 tuần. Thuốc ít tác dụng phụ. Rabeprazole có tác dụng ức chế tiết acid mạnh hơn omeprazole 2 - 10 lần. Thuốc nhanh chóng kiểm soát acid. Tác dụng phụ thường gặp là hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu. Esomeprazole có tác dụng ức chế tiết acid kéo dài. Tác dụng phụ chủ yếu là nhức đầu, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn.

Các thuốc băng se và bảo vệ niêm mạc

Sucralfatđược sử dụng rất tốt trong các trường hợp LDDTT có trào ngược dịch mật. Tuy nhiên, trong thành phần có nhiều muối nhôm nên có thể gây táo bón, giảm hấp thu tetracycline, phenytonin... và không dùng cho người suy thận nặng.

Bismuth là một kim loại nặng, trước thập kỷ 70 của thế kỷ trước người ta đã sử dụng bismuth để điều trị bệnh loét tiêu hóa có hiệu quả, song dùng liều cao kéo dài gây ra hội chứng não bismuth và từ đó đã có khuyến cáo không nên dùng.Từ khi phát hiện bismuth có thêm khả năng diệt HP theo cơ chế gây đông vón trực tiếp protein của vi khuẩn này người ta tái sử dụng bismuth để điều trị loét tiêu hóa dưới các dạng keo hữu cơ, các hợp chất bismuth này có kích thước phân tử lượng lớn, hấp thụ váo máu ít, an toàn khi sử dụng liều ngắn hạn, phân có màu sẫm hoặc đen là bình thường.

Lưu ý để dùng thuốc hiệu quả

Trên đây là những nhóm thuốc cơ bản hiện nay dùng trong điều trị LDDTT, tuy nhiên phải tuỳ theo từng trường hợp cụ thể về bệnh cảnh lâm sàng, đặc điểm và mức độ tổn thương, điều kiện hoàn cảnh cụ thể của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định hợp lý.

Mục tiêu điều trị viêm LDDTT là phải đạt được 4 yêu cầu: giảm đau nhanh, liền sẹo ổ viêm loét, ngăn ngừa tái phát, ngăn ngừa biến chứng. Để làm được điều này, phụ thuộc rất nhiều vào việc chẩn đoán chính xác và sự phối hợp điều trị của bệnh nhân. Khi dùng thuốc có thể cắt cơn đau dạ dày và giảm nhanh các triệu chứng, nhưng không có nghĩa là niêm mạc DDTT đã hoàn toàn bình phục. Người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị, thời gian điều trị LDDTT thông thường từ 4 - 8 tuần, có khi kéo dài hơn tùy tình trạng bệnh. Nếu không tuân thủ thì bệnh sẽ tái phát dai dẳng, hệ quả tất yếu là bị viêm LDDTT mạn tính dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như ung thư dạ dày.

Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cũng cần điều chỉnh chế độ làm việc và nghỉ ngơi phù hợp. Không làm việc quá sức, căng thẳng, thức đêm... Ăn thức ăn dễ tiêu, tránh dùng các chất kích thích như: rượu, chè, cà phê, thuốc lá, gia vị cay nóng...

BS. Lê Anh Tiến

Bạn đang đọc bài viết Dùng thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng: Không tuân thủ, bệnh dễ tái phát. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.