Thứ tư, 24/04/2024 19:30 (GMT+7)

Gia Lai: Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Hoàng Mai -  Thứ sáu, 01/11/2019 08:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời tiết biến đổi thất thường dẫn tới dịch bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 9.862 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 02 trường hợp tử vong.

Theo đó, bệnh SXH xảy ra tại 185/222 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Các địa phương trọng điểm về SXH là Tp.Pleiku (1.892 ca), huyện Kbang (1.307 ca), huyện Đak Pơ (890 ca), thị xã An Khê (790 ca). Được biết, tình hình SXH thời gian gần đây có dấu hiệu giảm dần các ca mắc bệnh nhưng lại tiếp nhận nhiều ca nặng phải nhập viện điều trị.

Đứng đầu về số ca mắc SXH trên toàn tỉnh, Tp.Pleiku đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để SXH bùng phát và lây lan trên diện rộng. Hiện tại, các địa phương đã truyền thông trực tiếp, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lưu động góp phần nâng cao nhận thức và huy động người dân chung tay cùng phòng chống dịch bệnh. Trong đó, phường Yên Thế từng là “điểm nóng” về SXH của Thành phố, nhưng nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và có sự đồng hành tích cực của người dân nên số ca mắc SXH trên địa bàn phường đã giảm đáng kể.

Cán bộ y tế tư vấn cho bà con về phương pháp phòng chống dịch bệnh SXH.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Trưởng trạm Y tế phường Yên Thế (Tp.Pleiku) chia sẻ: “Để việc phòng chống SXH đạt hiệu quả cao, trước khi phun hóa chất diệt muỗi, chúng tôi vận động người dân tích cực vệ sinh môi trường. Nhờ vậy, nhiều ổ dịch SXH trên địa bàn phường đã được khống chế”.

Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai cũng đang tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố có số trường hợp mắc SXH cao triển khai các hoạt động phòng chống theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các huyện còn lại tập trung giám sát các trường hợp bệnh và chủ động phòng chống theo quy định.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, để diệt lăng quăng/bọ gậy, các gia đình cần thường xuyên vệ sinh, đậy kín và thay nước hàng tuần tất cả vật dụng chứa nước ăn uống, sinh hoạt; Thả cá vào các vật dụng chứa nước để tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy; Vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh; Tiến hành thu gom, tiêu hủy rác thải, lật úp dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước xung quanh nhà như: chum vại, vỏ lon, chai lọ, lốp xe.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.