Thứ sáu, 29/03/2024 18:24 (GMT+7)

Hoà Bình: Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác an toàn thực phẩm

MTĐT -  Thứ năm, 11/05/2017 16:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường

Công tác phối hợp về bảo đảm an toàn thực phẩm ngày càng đi vào nề nếp và đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục tạo sự chuyển biến về hành vi ATVSTP được tăng cường. Việc bố trí nguồn vốn đầu tư để nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm đối với từng công đoạn của chuỗi cung cấp thực phẩm được chú trọng.

Công tác tuyên truyền về ATTP trên địa bàn toàn tỉnh đã có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn thanh niên, hội Nông dân, hội Chữ thập đỏ, hội Người cao tuổi, hội Phụ nữ, hội Người tiêu dùng... với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Có thể nói, công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp về an toàn thực phẩm.

Công tác tuyên truyền vấn đề an toàn thực phẩm được thực hiện với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như: Tổ chức các đội tuyên truyền cổ động, treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, bản tin, tờ rơi, mở các lớp tập huấn, hội thi; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tại các khu, xóm...

Trong 5 năm, ngành Y tế đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng và phát sóng trên truyền hình 15 phóng sự về vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức 10 buổi tọa đàm nội dung tuyên truyền ATVSTP; 04 buổi phỏng vấn trực tiếp về nội dung triển khai Tháng hành động năm 2015. Thường xuyên cập nhật, đưa tin trên bản tin thời sự truyền hình tỉnh, huyện về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về VSATTP. Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh và các Đài truyền thanh và truyền hình huyện, thành phố đã phát 171 lượt tuyên truyền (theo nội dung đĩa hình được cấp); thực hiện 9.271 lượt phát các thông điệp về VSATTP trên sóng phát thanh từ tỉnh đến xã, phường. Báo Hòa Bình đăng các khẩu hiệu tháng hành động vì an toàn thực phẩm và 55 tin, bài chuyên đề ATVSTP trên báo Hòa Bình và Báo điện tử Hòa Bình. Thực hiện in và cấp phát 1.789 băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn thực phẩm; in sao và cấp phát 914 đĩa tiếng, 69 đĩa hình tuyên truyền; 2.716 chiếc poster, áp phích; 84.802 tờ rơi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các Chi cục chuyên ngành, phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các huyện, thành phố tổ chức các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn phổ biến cho 22.580 lượt người; thực hiện in và phát 37.250 tờ rơi, tờ dán và 330 đĩa DVD, VCD; 145 băng rôn, pano; 130 chuyên mục, phóng sự; 132 bản tin; 11 thông báo kết quả kiểm tra và hàng chục bài viết về an toàn thực phẩm.

Hằng năm sở Công Thương chỉ đạo Chi Cục quản lý thị trường và các đơn vị trực thuộc; phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, phòng Kinh tế thành phố tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm cho tác tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Trong 5 năm triển khai Chỉ thị, Sở đã tổ chức được 08 lớp tuyên truyền phố biến pháp luật về ATTP cho 1.250 học viên. Ngoài ra tại Bản tin Công thương tỉnh Hòa Bình phát hành hàng tháng thường xuyên đăng tải các Nghị định, Thông tư và bài viết về ATTP ngành Công Thương.

Kinh phí về công tác VSATTP của tỉnh được bố trí từ 02 nguồn: Chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP và ngân sách của tỉnh. Trong đó, ngành Y tế được tiếp nhận kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP do Trung ương cấp để thực hiện 04 dự án. Tổng kinh phí được cấp từ năm 2011 đến năm 2015 là 7.059.000.000 đồng

Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được tiếp nhận nguồn kinh phí là 3.584.329.000 đồng. Trong đó ngân sách tỉnh đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng, còn lại từ Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngành Công Thương năm 2014 tiếp nhận từ Chương trình mục tiêu Quốc gia VSATTP do Bộ Công thương cấp 250.000.000đồng và nguồn ngân sách địa phương đối ứng là 100.000.000đồng; xây dựng dự án mô hình chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chợ Thái Bình, thành phố Hòa Bình; Năm 2015 tiếp nhận nguồn ngân sách địa phương 100.000.000đồng; xây dựng dự án mô hình chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Bưng huyện Cao Phong; năm 2016 tiếp nhận nguồn ngân sách địa phương 40.000.000đồng; xây dựng dự án mô hình chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Vụ Bản huyện Lạc Sơn.

Trong 5 năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành được quan tâm chỉ đạo, các cơ quan liên quan tích cực phối hợp triển khai thực hiện. Đặc biệt công tác thanh kiểm tra trong các đợt cao điểm như Tết Nguyên đán, tháng hành động ATTP, Tết trung thu. Ngành Y tế, cơ quan thường trực công tác ATTP đã tích cực thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về An toàn thực phẩm, kịp thời xử lý những cơ sở vi phạm.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chú trọng chỉ đạo hoạt động kiểm dịch tại 24/24h chốt, ngăn chặn hiệu quả gà nhập lậu vào địa bàn; kiểm soát việc giết mổ đối với gia súc, gia cầm. Lấy 396 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản để kiểm định chất lượng. Kết quả kiểm định cho thấy tỷ lệ mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản không đảm bảo an toàn thực phẩm giảm qua từng năm: Ngoài ra còn lấy hàng nghìn mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản để thực hiện test thử nhanh mang tính chất sàng lọc. Công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm

Ngành Công thương đã tích cực tổ chức các đoàn thanh tra chuyên ngành về VSATTP và tăng cường phối hợp với các ngành liên quan thực hiện kiểm tra liên ngành. Kết quả, Sở đã chủ trì 02 cuộc thanh tra chuyên ngành về ATTP đối với 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh và tham gia 15 đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP. Chi Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội quản lý thị trường tại các huyện thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường về ATTP.

Công tác quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện quy hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 9.218,5 ha đất canh tác sản xuất rau tập trung, trong đó có 5.299,5 ha có đủ điều kiện để sản xuất rau an toàn đã được nghiên cứu về mức độ an toàn của đất và nước; 5.084 ha sản xuất cam với 100% diện tích vùng quy hoạch đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, có thương hiệu, một phần lớn diện tích được chứng nhận VietGAP; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 3.020 ha theo hướng thâm canh tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh có 10 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Trong đó có 02 cơ sở và 02 nhóm hộ được chứng nhận VietGAP trong sản xuất rau, quả với tổng diện tích là 171,9 ha; 01 cơ sở áp dụng HACCP và 05 cơ sở áp dụng ISO 2000:2005. Tiếp tục duy trì hoạt động của 15 nhóm rau hữu cơ và 01 Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ tại huyện Lương Sơn. Có 5 chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn: 02 chuỗi rau, 02 chuỗi thịt lợn và 01 chuỗi cá Sông Đà; xây dựng và tổ chức thực hiện hàng chục mô hình sản xuất sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Diện tích rau, quả được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 141,03 ha, trong đó có 2,7 ha được chứng nhận PGS. Ngoài ra còn một số trang trại, gia trại chăn nuôi đạt được các tiêu chí theo quy trình VietGAP.

Ngành Y tế đã cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, gia hạn giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận bản công bố phù hợp quy định ATTP cho 252 sản phẩm; 28 giấy xác nhận nội dung quảng cáo, giấy xác nhận hồ sơ đăng ký hội thảo, hội nghị, giới thiệu thực phẩm cho 75 sản phẩm; giấy tập huấn kiến thức ATTP và giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho 4.532 lượt người; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP và giấy cam kết bảo đảm ATTP cho 149 cơ sở tuyến tỉnh; tuyến huyện, thành phố 753 cơ sở.

Ngành Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho gần 90 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến và kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản; kiểm tra, thẩm định điều kiện vệ sinh thú y và cấp 3.811 giấy chứng nhận vệ sinh thú y cho các cơ sở chăn nuôi tập trung, điểm giết mổ, quầy bàn, cơ sở kinh doanh động vật và sản phẩm động vật.

Ngành Công Thương đã tổ chức các lớp tập huấn và xác nhận kiến thức về ATTP cho 1.084 người; Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP cho 43 cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Có thể nói trong những năm qua với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã được đẩy mạnh, góp phần đảm bảo việc cung cấp thực phẩm an toàn cho nhân dân; bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Đoàn Cần

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hòa Bình

Bạn đang đọc bài viết Hoà Bình: Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác an toàn thực phẩm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới