Thứ bảy, 20/04/2024 17:34 (GMT+7)

“Ngôi chùa cổ tích” vun đắp bằng trái tim lương y

MTĐT -  Thứ hai, 10/07/2017 11:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Khám bệnh và từ thiện là hai việc khác nhau. Nếu khám bệnh và từ thiện đi chung trong một cụm từ thì phải khám miễn phí cho tất cả các người bệnh.

 Lúc đấy, từ này mới trọn vẹn ý nghĩa của nó, cũng chính vì thế, chùa Khánh Vân Nam Viện luôn đón tiếp tốt tất cả những bệnh nhân đến đây xin kê đơn bốc thuốc”- Đó là lời của ông Trụ trì Châu Huệ Bang. Tiếng lành đồn đi xa, từ những bệnh nhân ở khu vực gần thì đến thời điểm này, phòng khám Đông y miễn phí của chùa luôn tiếp nhận được nhiều bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau.

Bốc thuốc hay, chữa bệnh hết mình…

Nằm trong một con hẻm trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11, với bảng hiệu cũ kĩ, không khoa trương, Phòng khám Đông y miễn phí của chùa Khánh Vân Nam Viện chỉ rộng khoảng 20m2, thế mà lúc nào mở cửa cũng có đông bệnh nhân đến bốc số chờ khám.

Vào những ngày đầu năm như thế này, dù chưa đông lắm nhưng vẫn có hơn 40 người xếp hàng chờ đến lượt. Chị Mỹ Lợi (Quận 11), người đã từng tới đây khám bệnh nhiều lần, cho biết: “Hầu hết những bệnh nhân đến đây đều ở khu vực gần và lân cận. Có những người đến đây vì họ nghèo, không có tiền đi bệnh viện nhưng cũng có người đến đây chỉ vì họ yêu quý và “thích ” những thang thuốc của các lương y. Bốc thuốc hay, chữa bệnh hết mình! ”.

Từ những ngày đầu hoạt động, phòng khám chỉ dành cho người nghèo nhưng sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, ông Châu Huệ Bang, mới quyết định mở rộng ra, khám cho tất cả những người bệnh. Ông cho biết: “Khám bệnh từ thiện mà chỉ khám cho người nghèo thì nó đúng về mặt làm từ thiện, còn về nghĩa khám bệnh thì tôi cho rằng chưa phải. Khám bệnh là khám cho tất cả những người có bệnh, không chọn lọc cao sang hay giàu nghèo. Vì thế tôi quyết định mở rộng cho tất cả những ai có nhu cầu. Những ngày đầu chỉ có 20 đến 30 bệnh nhân và sau nhiều năm hoạt động thì đến nay, mỗi ngày đã có đến hơn 80 lượt bệnh nhân”.

Đến với phòng khám, bệnh nhân được các lương y chuẩn đoán bệnh rồi nhận thuốc miễn phí, hẹn ngày tái khám. Chính vì tiếng lành đồn xa nên lượng bệnh nhân đến thăm khám ngày một nhiều hơn. Thời gian đầu chỉ là những người bệnh ở khu vực trong TP.HCM nhưng sau đó là các tỉnh như Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang đến xin thuốc. Chị Ngọc Châu (đường Lò Siêu, quận 11) cho biết: “ Chính vì cái tiếng “bốc thuốc hay” nên ở đây có nhiều người đến khám. Bây giờ, ở gần nhà tôi, ai bị đau ốm gì cũng ra đây để khám”.

Ông Bang nói: “Mọi thứ hoàn toàn miễn phí, những ai đến đây đều được khám chữa tận tình từ khâu chuẩn đoán đến bốc, phát thuốc. Thầy thuốc là những người có tâm, làm việc chỉ vì tấm lòng và sự thương cảm với những người có nhiều hoàn cảnh khó khăn. Nguồn kinh phí thuốc thang của chùa đều do những nhà hảo tâm đóng góp. Nhiều người đến đây khám bệnh và nhận thuốc miễn phí rồi sau đó, họ đem tiền cho vào thùng công quả để chùa tiếp tục có kinh phí hoạt động và phục vụ người dân”.

Làm việc thiện nguyện là không mong nhận lại điều gì

Không chỉ có phòng khám chữa bệnh Đông Y miễn phí mà chùa Khánh Vân Nam Viện còn có nhà dưỡng lão cho người già. Số lượng những người già ở đây tuy không nhiều nhưng đó là những người thực sự khó khăn và cần có một mái ấm cho những ngày cuối đời.

Ông Châu Huệ Bang chia sẻ, nhận nuôi người già rất khó nên chùa cũng có sự chọn lọc kĩ về mặt hoàn cảnh và gia đình. Có nhiều người già bị con cháu hắt hủi, khi đưa về đây, lúc ốm đau bệnh tật không ai tới chăm lo, với họ, người chăm sóc và người thầy thuốc ở chùa mới chính là những người thân và họ cũng xem đây là một mái nhà. Khi ở đây, mọi thứ đều được chăm lo chu đáo từ việc ăn cơm, sinh hoạt và khám chữa bệnh.

Không chỉ có Phòng khám đông y, nhà nuôi người già mà hằng năm chùa còn đi làm từ thiện ở nhiều nơi, phân phát những điều ấm áp đến cho những người nghèo. Với số tiền hơn 5 tỷ làm từ thiện trong năm vừa qua, ông Châu Huệ Bang cho biết: “Những người làm việc thiện nguyện như chúng tôi không cần đến hồi đáp. Khi làm thiện nguyện, tự nhủ lòng mình: phải làm đúng mục đích, đúng đối tượng, không được vụ lợi cá nhân. Cũng chính vì vậy mà nhiều người được giúp đỡ, sau khi đã vượt qua khó khăn đã tự tìm lại để hỗ trợ người nghèo”.

Ở giữa đời thường chứ không phải trong một câu chuyện cổ tích, vẫn có rất nhiều người luôn nghĩ về những người nghèo khổ và khó khăn. Không chỉ riêng ông Châu Huệ Bang mà những lương y, những người nuôi dưỡng các cụ già ở chùa Khánh Vân Nam Viện luôn để trong tâm của mình chữ “thiện”, làm việc thiện cho người và làm việc thiện cho đời. Và tất cả mọi người ở đây luôn khẳng định: “Chúng tôi chẳng mong sẽ được hồi đáp bất kì điều gì, vì chỉ cần cho đi là đủ”.

Ông Châu Huệ Bang, trụ trì của chùa cho rằng, khi làm việc thiện thì tâm phải sáng, làm phải đúng, không vụ lợi cá nhân thì những việc tốt mới có thể xoay tròn được.

Phùng Hiệu - Kim Huyên

Bạn đang đọc bài viết “Ngôi chùa cổ tích” vun đắp bằng trái tim lương y. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất