Thứ bảy, 20/04/2024 05:20 (GMT+7)

Nhiều ca tái dương, lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ 2 sẽ xảy ra?

MTĐT -  Thứ tư, 29/04/2020 11:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam đã bước sang ngày 13 không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, có 9 ca dương tính trở lại với SARS-CoV-2 khiến nhiều lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ 2 có thể xảy ra.

Nhiều ca tái dương

Sáng nay (29/4), theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, thêm một trường hợp ở TP.HCM dương tính trở lại với SARS-CoV-2. Bệnh nhân 151 là nữ, quốc tịch Brazil, 45 tuổi, trú tại phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM, làm việc tại Công ty TNHH Giày Gia Định.

Bệnh nhân là vợ của BN207. Bà đã được công bố khỏi bệnh và cùng chồng xuất viện, tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà thêm 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, ngày 27/4, sau khi chồng là BN207 dương tính trở lại, BN151 cũng được đưa đến cách ly tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP.HCM). Trong ngày 27/4, bà được xét nghiệm và cho kết quả âm tính.

Ngày 28/4, xét nghiệm lại lần 2, bệnh nhân có kết quả dương tính trở lại. Hiện bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

Như vậy, Việt Nam có 9 trường hợp dương tính trở lại sau khi xuất viện gồm bệnh nhân 207, 224, 74, 188, BN52, BN149, BN137, 36 và 22. Trong đó, bệnh nhân 22 đã trở về Anh và có kết quả xét nghiệm âm tính trở lại.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Thứ nhất, có thể người bệnh chưa khỏi bệnh hoàn toàn, trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, nhất là trong tế bào niêm mạc phổi. Thứ hai, là khả năng những người đã khỏi bệnh nhưng trong quá trình đào thải virus nhưng ở dạng bất hoạt - xác virus. Khi làm khuếch đại gen, chúng ta xác định được gen của virus. Trường hợp này, đào thải ra mầm bệnh nhưng mầm bệnh không hoạt động được. Thứ ba, là trường hợp người lành mang trùng (hiện có một trường hợp). Cho đến thời điểm hiện nay chúng ta chưa khẳng định được chắc chắn có phải người lành mang trùng không nhưng nó ở dạng như vậy. Điều này có thể xảy ra khi cơ thể con người ta chưa sản xuất đủ kháng thể để có thể khống chế, kiểm soát và tiêu diệt được virus này.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Chúng tôi đã yêu cầu với các cơ quan, với tất cả các trường hợp có xét nghiệm âm sau đó xét nghiệm dương thì giao cho 2 labo tiến hành nuôi cấy virus. Nếu virus đó sống, phát triển thì chứng tỏ cơ thể người đó chưa khỏi bệnh. Có trường hợp chúng tôi dự đoán kháng thể đó không thể tiêu diệt được virus. Như vậy virus sẽ tồn tại ở một thời gian rất dài trong cơ thể” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm.

Lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ 2

Cũng theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long xác định có thể tồn tại một số trường hợp người lành mang virus trong cộng đồng nhưng không phát hiện ra được. Vì chưa có miễn dịch cộng đồng nên khả năng lây nhiễm trở lại là rất lớn. Do đó, Thứ trưởng bày tỏ lo ngại về làn sóng thứ 2 đối với dịch Covid-19.

"Bài học từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Sinapore, bị làn sóng thứ 2 xâm nhập vào và tồn tại phát triển trong một cộng đồng mà không biết được. Đến khi xảy ra trên diện rất lớn thì lúc đó mới phát hiện ra. Nếu chúng ta cũng như vậy thì lúc đó hệ thống y tế của ta sẽ trong tình trạng rất khó khăn", Thứ trưởng bày tỏ.

Do đó, cần phải kiên quyết ngăn chặn với đường hàng không, kiểm soát với từng chuyến bay, từng hành khách nhập cảnh vào Việt Nam và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong công tác phòng chống dịch. Nếu không làm thế dễ bỏ qua và dễ gây ra tình trạng làn sóng thứ 2.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin thêm: Đối với cộng đồng, cơ quan chuyên môn đã điều chỉnh lại vấn đề xét nghiệm.

Vì vậy, tất cả những trường hợp có triệu chứng mơ hồ hoặc liên quan bệnh cúm thông thường thì lập tức xét nghiệm. Tiếp đến là tập trung vào một số đối tượng có nguy cơ như khu công nhân, khu nhà trọ công nhân, khu tập trung nhiều lao động tự do, người yếu thế...

Cũng trao đổi về vấn đề này với báo Nhân Dân về tình hình dịch hiện tại, PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, về mặt lý thuyết chúng ta còn có những bệnh nhân đi từ nước ngoài về hoặc có bệnh nhân không có biểu hiện đi lại trong cộng đồng hoặc có người chưa được xét nghiệm được mang virus thì có thể lây lan. Tuy nhiên, ông nhận định, sẽ khó có làn sóng thứ 2 hoặc có thể không có làn sóng thứ 2 tại Việt Nam.

“Về mặt quy luật sinh học, một dịch cúm xuất hiện vào đông xuân thì vào cuối mùa xuân, thời tiết thay đổi, dịch sẽ hết. Dịch Covid-19 đã xuất hiện từ 23/1 đến 23/4 là 3 tháng, về mặt dịch tễ học, tôi cho rằng dịch cũng dần thoái lui”, PGS, TS Nguyễn Huy Nga nói.

Do đó, để kiểm soát dịch tốt, trước thực tế vẫn có hàng chục nghìn người từ nước ngoài về, từ nơi có dịch thì PGS, TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, cần phải cách ly triệt để những đối tượng này 14 ngày tại nơi cách ly tập trung sau đó tiếp tục về gia đình cách ly 14 ngày. Các cửa khẩu biên giới tăng cường kiểm soát những người nhập cảnh trái phép. Đồng thời, phải tăng cường giám sát tất cả các trường hợp có biểu hiện của cúm như có sốt, ho, có hiện tượng viêm mũi…

PGS, TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, từ giờ hết tháng 5, người dân vẫn phải tiếp tục đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách 2 m với người khác. Việc rửa tay bằng xà phòng phải được thực hiện trong suốt cuộc đời để còn phòng các bệnh truyền nhiễm khác. “Nếu chúng ta cố gắng thực hiện được, thực hiện tiếp tục giãn cách hết tháng 5 thì chắc chắn không có dịch bệnh lây cho chúng ta và cộng đồng”, ông Nga cho hay.

Đồng quan điểm này, PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này, Việt Nam có một số thành công. Thứ nhất, những người nhập cảnh đã được cách ly hết, phát hiện các ca dương tính, gần nhất là hai người từ Nhật Bản trở về. Thứ 2, các ổ dịch đều đã được kiểm soát. Mới nhất là ổ dịch Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội), nếu không có gì thay đổi, tới ngày 5/5, ổ dịch này sẽ được gỡ phong tỏa. Thứ 3, nhiều ngày qua, chúng ta không phát hiện các ca ngoài cộng đồng... Những thành công này một phần lớn là bởi chúng ta thực hiện giãn cách xã hội đúng lúc và quyết liệt.

Sắp tới, chúng ta có thể có thêm những ca mắc Covid-19 từ người nhập cảnh nhưng những ca này đều được cách ly ngay tại sân bay. Vì thế, những ca ngoài cộng đồng mới chính là mối nguy cơ thứ 2 ở nước ta. Chúng ta phải xác định vẫn còn có thể có những ca dương tính ngoài cộng đồng vì dù có thực hiện giãn cách xã hội cũng không thể quản được 100% người dân. Chưa kể đến, có phần lớn người mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, rất khó phát hiện trong cộng đồng.

Về làn sóng thứ 2 có thể bùng phát ở Việt Nam hay không, PGS, TS Trần Đắc Phu nhận định, Việt Nam đã và đang làm tốt được việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, nên khó có nguy cơ này. Sắp tới, Việt Nam có thể có những ổ dịch nhưng sẽ không lớn, rải rác và sẽ kiểm soát được.

"Tuy nhiên, người dân không được chủ quan. Nếu không làm tốt, dịch sẽ bùng lên như các nước. Điển hình như Singapore từ một nước được đánh giá cao về chống dịch, nhưng đến nay đã bị vỡ trận, số mắc rất cao. Dù chúng ta đã có 13 ngày không ghi nhận các ca mắc trong cộng đồng, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp chống dịch. Sắp tới là kỳ nghỉ lễ dài ngày, tôi khuyến cáo người dân tuyệt đối không được lơ là các biện pháp phòng, chống dịch bởi vì bất kỳ sự chủ quan nào cũng có thể làm cho dịch diễn biến khó lường”, ông Phu nói.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nhiều ca tái dương, lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ 2 sẽ xảy ra?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Suy gan do uống thuốc không rõ nguồn gốc
Ngày 17/4, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...